|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiêu dùng của người dân đang giảm mạnh, tăng trưởng GDP có đạt như kỳ vọng?

15:32 | 02/05/2024
Chia sẻ
Dù đã có sự cải thiện song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm vẫn chưa đạt như kỳ vọng, cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự đóng góp tích cực của ngành du lịch.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 522,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,9%; may mặc tăng 12,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,1%; du lịch lữ hành tăng 57,6%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,7%).

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.594,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 237,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; và doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 19,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước.

  Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm các năm 2020 - 2024. (Nguồn: TCTK). 

Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu

Nhìn nhận xu hướng này, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành,nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá thường ở mức 9 - 10%, cao hơn nhiều với so với tăng trưởng chung và là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

 TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng giảm. Cụ thể, quý I/2023 tăng 13,9%, loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%; 6 tháng đầu năm 2023, tăng 10,9%, loại trừ yếu tố giá tăng 8,44%; 9 tháng đầu năm 2023 tăng 9,7%, loại trừ yếu tố giá tăng 7,3%; và cả năm 2023 tăng 9,6%, loại trừ yếu tố giá tăng 7,1%.

Đến quý 4 tháng đầu năm, dù đã cải thiện hơn so với quý I (tăng 8,2%), song con số này chỉ còn tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023 (nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,3%). Đặc biệt, mức tăng này đã có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành do có sự phục hồi mạnh mẽ của khách quốc tế vào Việt Nam. 

“Tức là tiêu dùng của người dân đang giảm mạnh, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của kinh tế”, ông Thành quan ngại.

Nhiều yếu tố để thúc đẩy tiêu dùng trong nước

Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam cho rằng, trước mắt, ít nhất là 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán trong việc thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường, do sau đại dịch người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, sức mua của thị trường giảm mạnh.

Trước những khó khăn trên, bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm hơn việc tiếp thị và bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới hiệu quả. Đồng thời, thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng, đem đến bằng những sản phẩm mang “bản sắc” riêng của doanh nghiệp cũng là cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn tỷ dân.

“Thời gian gần đây, các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng, với các hình thức livestream bán hàng. Tiêu biểu như TikTok shop, được xem là hình thức buy-entertainment trên nền tảng kỹ thuật số. Xu hướng này sẽ tiếp tục “nở rộ” trong thời gian tới, với sự đầu tư đa kênh, đa nội dung của những người bán hàng livestream...”, bà Vũ Kim Hạnh nhận định.

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương. (Nguồn: VCCI)

Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Thứ nhất là kỳ vọng do trong quý I, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với những năm gần đây nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, giải ngân vốn đầu tư FDI và đầu tư công có xu hướng tăng.

Đặc biệt, dù chỉ số Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI (đo lường hoạt động sản xuất và dịch vụ) của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, ở mức 50,3 điểm. So với con số 49,9 điểm hồi tháng 3, kết quả PMI tháng 4 cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam đã cải thiện nhẹ nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Với nhiều yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế Việt Nam 2024 sẽ đạt được mục tiêu đề ra 6,5%, làm cho kỳ vọng của người dân đối với nền kinh tế tăng lên, từ đó tiêu dùng tăng lên.

“Ngoài việc vẫn tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa như hoãn giãn giảm nhiều loại thuế, kể từ tháng 7/2024, Nhà nước thực hiện chính sách tiền lương mới và tăng trưởng trong khu vực công chức viên chức. Đây là một cú hích cho tiêu dùng trong nền kinh tế trong hai quý cuối của năm 2024”, ông Tú Anh kỳ vọng.

Ngọc Bảo