|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

62% người dùng Việt dự kiến giảm chi tiêu không thiết yếu trong năm 2023

07:00 | 18/04/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo mới nhất của PwC về xu hướng tiêu dùng của người Việt, tỷ lệ người dùng Việt dự kiến cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu trong năm 2023 thấp hơn bình diện toàn cầu và Đông Nam Á.

Vừa qua, hãng kiểm toán PwC đã công bố kết quả khảo sát về thói quen của người tiêu dùng và sự thích ứng trong thị trường biến động tại Việt Nam. Theo PwC, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, thói quen của người tiêu dùng cũng bắt đầu có sự thay đổi.

Chủ đề chính

Theo đó, PwC cho biết có 6 chủ đề chính về thói quen của người tiêu dùng trong thời gian tới.

Cắt giảm chi tiêu không thiết yếu: PwC cho biết có khoảng 62% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát trả lời rằng họ dự kiến cắt giảm những khoản chi tiêu không thiết yếu (số liệu trên toàn cầu là 69%).

Thay đổi danh mục mua sắm: Người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu. Cụ thể, có khoảng 54% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ.

Mua sắm trực tiếp & trực tuyến: Hình thức mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục chiếm ưu thế khi 64% người tham gia khảo sát dự kiến tiếp tục duy trì tần suất mua sắm online. Tuy nhiên, việc mua sắm trực tiếp vẫn được đánh giá cao nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Mô hình làm việc linh hoạt (hybrid) đang thoái trào: Hình thức làm việc tại văn phòng đang trở lại là xu hướng chủ đạo tại Việt Nam, với 48% người tham gia khảo sát dự kiến quay trở lại văn phòng làm việc, điều này dẫn tới thay đổi trong cách giao dịch.

Sản phẩm bền vững có giá cao: Các yếu tố môi trường và xã hội sẽ mang lại sức hút cho sản phẩm. Cụ thể, 96% người tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng chi trả các mức giá cao hơn để mua sản phẩm từ các công ty có đạo đức kinh doanh.

Quan ngại về vấn đề an toàn dữ liệu cá nhân: Người tiêu dùng tại Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến quyền riêng tư. Theo PwC, có 57% người tham gia khảo sát đã thể hiện sự lo lắng và đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân.

Tỷ lệ cắt giảm chi tiêu không thiết yếu tại Việt Nam thấp hơn bình diện Đông Nam Á và toàn cầu

Tỷ lệ người dùng Việt dự kiến cắt giảm chi tiêu không thiết yếu thấp hơn bình diện toàn cầu và Đông Nam Á. (Nguồn: PwC).

Theo nhận định của PwC, Việt Nam có tỷ lệ người tiêu dùng thực hiện cắt giảm chi tiêu không thiết yếu thấp hơn so với khu vực Đông Nam Á và bình diện toàn cầu. Theo đó, tỷ lệ người tiêu dùng dự kiến cắt giảm chi tiêu không thiết yếu trên toàn cầu là 69% và tại Đông Nam Á là 73%, trong khi ở Việt Nam chỉ là 62%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam “ít lo lắng về tình hình tài chính cá nhân” cao hơn so với bình diện toàn cầu và Đông Nam Á (lần lượt là 25%, 14% và 13%). Dù vậy, nhìn chung người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu.

Cũng theo báo cáo của PwC, ngoài tỷ lệ 54% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát có ý định cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ trong 6 tháng tới, một số mặt hàng và dịch vụ khác mà người dùng cũng dự kiến giảm chi tiêu có thể kể tới như du lịch (42%), thiết bị điện tử (38%), thời trang (34%), sữa chữa – cải thiện nhà ở (34%) và giải trí trực tuyến (34%).

Doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới?

Trong bối cảnh hiện tại, ông Rakesh Mani, Tổng giám đốc lãnh đạo thị trường tiêu dùng Đông Nam Á tại PwC Đông Nam Á nhận định rằng các doanh nghiệp cần tập trung cao độ và chủ động linh hoạt trong giai đoạn biến động.

“Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có cái nhìn sắc bén để nhận ra sự khác biệt trên thị trường, đồng thời hiểu rõ hơn nhu cầu mua hàng và các kênh mua sắm, lập kế hoạch dự phòng và dự báo kinh doanh, thực tế chuỗi cung ứng cũng như lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số”, ông Mani chia sẻ.

Những cách được PwC liệt kê giúp doanh nghiệp có thể thích ứng trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng mới. (Nguồn: PwC).

Bên cạnh đó, PwC cũng nêu ra 6 cách để doanh nghiệp thực hiện nhằm thích ứng với các xu hướng mới, bao gồm có chiến lược khác biệt, chú trọng các yếu tố ESG (môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp), tiếp cận khách hàng dựa trên dữ liệu, chuỗi cung ứng tương lai, khuyến khích sự đổi mới và chuyển đổi số để giảm chi phí.

Anh Nguyễn