Tiến sĩ kinh tế 'đốt' tiền, bán nhà để sản xuất tinh nghệ nano
Tiến sĩ kinh tế Lưu Hải Minh từng học chuyên ngành Cơ khí Ô tô của Đại học Giao thông vận tải và là một trong những sinh viên xuất sắc nhất trường tính tới thời điểm hiện nay. Sau khi Minh tốt nghiệp, một nhà máy dệt may nhận anh vào làm việc. Nhiệm vụ của Minh là quản lý một phân xưởng với gần 100 nữ công nhân. Thấy chàng kỹ sư trẻ không am hiểu máy móc ngành dệt, nhiều công nhân "chơi khăm" bằng cách bẻ gãy kim của máy khâu để anh phải thay. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Minh phải thay gần 100 chiếc kim. Đúng một tuần sau, anh xin nghỉ việc vì cảm thấy không phù hợp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem sản phẩm Nano Curcumin của anh Lưu Hải Minh trong Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hôm 14-15/11/2017. Để sản xuất Nano Curcumin, anh Minh từ bỏ con đường thuận lợi với ngành công nghệ thông tin để tái khởi nghiệp. Ảnh: Lưu Hải Minh |
Nơi làm việc tiếp theo của anh Minh là một tập đoàn xe máy của Đài Loan. Một năm sau, anh đầu quân vào tập đoàn FPT để làm nhân viên kinh doanh. Công việc mới giúp anh có cơ hội tiếp xúc với phần mềm và công nghệ thông tin. Nhận thấy bản thân đam mê công nghệ thông tin, anh quyết định học chuyên ngành Công nghệ Thông tin tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1998.
Năm 1997, anh Minh quyết định rời khởi FPT và thành lập công ty Nhật Hải để thực hiện các dự án công nghệ thông tin. Anh nhập khẩu linh kiện máy tính, thiết bị mạng của những tập đoàn nổi tiếng ở Mỹ như HP, Compaq, IBM, Microsoft, Cisco để bán ở Việt Nam. Công việc kinh doanh thuận lợi nên anh kiếm bộn tiền.
"Thời đó tôi nắm khoảng 30% thị phần máy tính ở Việt Nam. Định hướng của tôi là luôn dẫn đầu trong lĩnh vực. Từ năm 1995, khi còn chưa lập công ty, tôi đã buôn CPU và RAM", anh nhận định.
Công ty Nhật Hải đã 5 lần nhận giải thưởng Sao vàng Đất Việt, bằng khen của Thủ tướng, Huân chương Lao động hạng ba. Cá nhân anh Minh từng nhận giải thưởng Sao Đỏ dành cho 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu trong năm, nhận bằng khen của Chủ tịch thành phố Hà Nội 3 lần. Ngoài ra anh còn nhận bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Vào năm 2009, công ty Nhật Hải thành lập bộ phận Nghiên cứu và Phát triển với định hướng phát triển các sản phẩm mới. Sau này bộ phận ấy trở thành Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trao bằng khen cho anh Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải. Anh Minh lấy bằng tiến sĩ kinh tế ở nước ngoài. Ảnh: Lưu Hải Minh |
"Nhờ hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tôi học được rất nhiều kiến thức về quy trình, quản lý, hệ thống, nhân sự, phát triển kênh phân phối, quản lý rủi ro. Nhưng tôi cũng thấy một vấn đề: Tôi không làm cho bản thân và đất nước, mà chỉ phục vụ lợi ích của người ta. Nhiều doanh nhân giống tôi nghĩ rằng nhập khẩu máy tính, thiết bị mạng là kinh doanh công nghệ cao, nhưng tôi chỉ coi đó là dịch vụ. Quả thực tôi mang lại giá trị gia tăng cho người Việt, nhưng sản phẩm lõi vẫn thuộc quyền sở hữu của nước ngoài và họ không bao giờ tiết lộ cho chúng ta", anh thổ lộ.
Muốn theo hướng kinh doanh dựa trên hiểu biết công nghệ, anh Minh quyết định chinh phục công nghệ nano, với xuất phát điểm là số không. Từ năm 2009 tới năm 2016, anh tự học về công nghệ nano.
"Lúc bắt đầu chuyển hướng sang công nghệ nano, tôi còn rất nhiều tiền từ hoạt động kinh doanh máy tính. Nhưng khoản tiền đó vơi khá nhanh do tôi đầu tư máy móc, thiết bị và tôi phải bán một ngôi nhà ở Hà Nội để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê", anh thổ lộ.
Vợ, người thân và ngay cả những cộng sự của anh Minh đều ngăn cản, bởi họ sợ con đường mới của anh quá rủi ro. Ban đầu anh thành lập một nhóm gồm 5 người để phát triển sản phẩm Nano Curcumin, nhưng sau đó chỉ còn anh và một người (chính là thầy của anh) ở lại. Không chùn bước, Minh tiếp tục nhập nhóm thứ hai và sau nửa năm nhóm cũng tan rã.
"Mặc dù vậy, tôi không bỏ cuộc. Để đến đích, chúng ta có nhiều con đường khác nhau. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội và người tiêu dùng, được xã hội chấp nhận", anh lập luận.