Thủ tướng trả lời chất vấn về Grab, Uber
Trước đó, ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề Chính phủ thử nghiệm Grab, Uber đến bao giờ.
“Càng thử nghiệm (hoạt động của Uber và Grab - PV) lâu thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn và khi đó trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông và Chính phủ sẽ phải gánh chịu và mục tiêu quản lý lĩnh vực giao thông quan trọng này ngày càng bế tắc”, đại biểu Quốc hội này nêu.
Không chỉ Grab, Uber được thí điểm hợp đồng điện tử
Trong văn bản trả lời, Thủ tướng nêu lại quy trình Grab, Uber được phép thí điểm tại Việt Nam. Theo đó, việc thí điểm là kết quả của xu thế tất yếu từ cách mạng công nghiệp 4.0, và nhu cầu ứng dụng công nghệ, giúp cải cách hành chính, công khai minh bạch và tăng cường quản lý.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản giấy trong hoạt động vận tải khách bằng xe hợp đồng.
Theo văn bản trả lời của Thủ tướng, việc thí điểm hợp đồng điện tử là xu thế tất yếu. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Việc thí điểm này, theo người đứng đầu Chính phủ, "là đúng với quy định của Luật giao dịch điện tử, qua đó đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp".
Ngoài ra, điều này đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Việc thí điểm được thực hiện trong 2 năm, tính từ tháng 1/2016.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc thí điểm được cho phép áp dụng với tất cả đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải.
Nói cách khác, đó không phải là chính sách dành riêng cho Grab hay Uber.
Cho đến nay, không chỉ có Grab, Uber mà đã có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab và Uber. Trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh.
Văn bản nêu cụ thể là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty cổ phần vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty cổ phần Sun Taxi (S.Car), Công ty cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty cổ phần hợp tác đầu tư và phát triển (Home Car), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (M.Car), Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch Linh Trang (Taxi Long Biên; LB.Car).
Theo Thủ tướng, điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong các doanh nghiệp vận tải và công nghệ của Việt Nam.
Tác động tích cực
Liên quan đến chất vấn của ông Dương Trung Quốc về hệ lụy của việc thí điểm, Thủ tướng nhấn mạnh việc tác động đến kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là quy luật tất yếu.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tác động "mang tính tích cực" của thí điểm. Cụ thể, việc này đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn".
Hơn nữa, việc thí điểm giúp đảm bảo thuận tiện an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao.
Việc thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong vận tải, lĩnh vực thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn…
Theo Thủ tướng, ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ mỗi thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc tiêu cực.
Chính phủ cũng cần nhìn nhận hạn chế, cần phải có sự phối hợp sát sao hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương.
Ông lưu ý việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới. Cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế.
Trước đó, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) gửi ý kiến đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cơ quan này chuyển đề nghị đến lãnh đạo Chính phủ trả lời các vấn đề về xe Grab, Uber.
Trong chất vấn, ông Quốc lo ngại taxi truyền thống và Uber, Grab sẽ tăng số lượng xe lên “gấp bội”, gây quá tải hạ tầng và ách tắc giao thông. Việc thử nghiệm tạo hệ lụy tiêu cực ngay cả khi chấp nhận hay không chấp nhận chính thức.
Hà Nội cấm GrabShare để 'bảo vệ quyền lợi hành khách'
Một trong những lý do được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra để cấm dịch vụ đi xe chung GrabShare là bảo ... |
Uber, Grab sẽ bị thu thuế kinh doanh qua mạng thế nào?
Trao đổi tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 18/7, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục thuế Thành phố ... |
Hà Nội cấm dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab
Sau cái “tuýt còi” của Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. Hà Nội ra thông báo đề nghị Sở Giao thông Vận tải nghiên ... |