|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường đi xuống, quỹ nội cũng lao đao?

14:00 | 16/06/2018
Chia sẻ
Không chỉ riêng quỹ ngoại chịu thua thiệt khi thị trường chứng khoán biến động mạnh mà nhiều quỹ nội cũng đang gặp nhiều khó khăn cho mục tiêu sinh lời và tạo dòng tiền mới.

Chơi chứng khoán đâu có dễ!

Nếu nói 2017 là năm thành công đối với quỹ nội lẫn ngoại thì bước sang nửa cuối tháng 4/2018, đặc biệt kể từ khi VN-Index đạt đỉnh 1.211,3 điểm vào ngày 10/4, nhà đầu tư bàng hoàng khi chứng kiến sự lao dốc không phanh của thị trường chứng khoán bất chấp những cảnh báo trước đó của các chuyên gia.

Trước bối cảnh đó, mặc dù quỹ nội có thể tái cấu trúc từng phần nhưng lại không thể bán toàn bộ để chờ mua lại giá thấp hơn như nhà đầu tư nhỏ lẻ, nên giá trị tài sản ròng (NAV) của nhiều quỹ tại kỳ báo cáo mới nhất so với kỳ định giá trước đều ở trạng thái giảm.

Mặt khác, các quỹ thường không mua bán cổ phiếu trong thời gian ngắn như nhà đầu tư cá nhân nên khi thị trường diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, quỹ nội muốn thoát hàng cũng khó xoay sở kịp do khối lượng nắm giữ thường lớn.

Một yếu tố nữa khiến nhiều quỹ nội thua thị trường là nhiều cổ phiếu bluechips thời gian qua tăng sốc giảm sâu. Việc nhiều quỹ tập trung nhóm cổ phiếu này khiến NAV giảm mạnh trong bối cảnh thị trường lao dốc.

Theo thống kê của người viết, 5/2 quỹ nội tăng trưởng NAV âm trên 10% tính từ nửa cuối tháng 4 đến nay bao gồm VFMVF1, VFMVF4, VFMVN30, ENF và TCEF.

thi truong di xuong quy noi cung lao dao
Tốc độ tăng trưởng NAV của các quỹ nội từ 10/4 đến 8/6. (Tổng hợp: Minh Anh)

Riêng Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) có tới ba quỹ tăng trưởng NAV âm trên 11%, gồm VFMVN30 (-11,09%), VFMVF4 (-12,88%) và VFMVF1 (-12,03%). Danh mục đầu tư của các quỹ này là những cổ phiếu vốn hóa lớn như TCB, PNJ, ACB, VPB, HPG. Đáng chú ý, dù cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mới chào sàn cách đây hơn một tuần nhưng đã trở thành gương mặt sáng giá trong danh mục của VFMVF1 với tỷ trọng NAV lớn nhất 9,5%.

Tiếp theo là quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) là quỹ dạng mở được quản lý bởi Techcombank. Tại kỳ định giá ngày 8/6, NAV trên một chứng chỉ quỹ TCEF còn 14.612 đồng, giảm 13,31% trong vòng một tháng. Bên cạnh đó, không thể không kể tới quỹ đầu tư Năng động Eastspring Investment Vietnam (quỹ ENF) với tăng trưởng NAV âm 11,41% trong vòng một tháng.

Danh mục của quỹ ENF và TCEF chủ yếu là cổ phiếu bluechips như MBB, ACB, FPT, HCM, VCB…, đây là những mã giảm sâu thời gian qua.

thi truong di xuong quy noi cung lao dao

“Khẩu vị” đầu tư của quỹ nội nên thay đổi thị trường biến động mạnh?

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự đi xuống của chỉ số chứng khoán trong hai tháng qua là một nhịp điều chỉnh thời điểm (time correction). Thị trường thường mất một khoảng thời gian để hồi phục sau giai đoạn này, vì vậy không nhất thiết phải vội vã mua với khối lượng lớn.

Tuy nhiên, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc việc các doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng. Đối với mục tiêu dài hạn, nhóm vốn hóa trung bình mang lại nhiều cơ hội hơn với mức định giá còn tương đối hấp dẫn. Theo đó, việc cơ cấu và mở rộng phạm vi danh mục đầu tư là cần thiết đối với quỹ nội.

Nhiều quỹ đang đẩy mạnh tìm kiếm các doanh nghiệp chưa đại chúng, nhưng có phương án niêm yết trong tương lai gần để xúc tiến cơ hội đầu tư. Xu hướng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tăng giá mạnh của nhiều mã chứng khoán vốn hóa lớn, với P/E được đẩy lên rất cao so với mặt bằng chung cùng với một loạt mã tăng mạnh sau khi niêm yết. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng có kế hoạch niêm yết, hoặc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài cũng nằm trong vùng quan sát của các quỹ nội.

Bên cạnh đó, việc sử dụng hợp đồng tương lai chỉ số giúp quỹ nội phòng vệ rủi ro trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro khó lường. Điều này đang được trông đợi sẽ giúp các quỹ đạt được hiệu quả hoạt động cân bằng hơn trong thời gian tới, qua đó lấy lại niềm tin đối với nhà đầu tư và cải thiện khả năng huy động vốn.

Xem thêm

Thu Hà