Thạc sỹ Luật kinh tế bỏ việc để thành lập làng bích họa Đà Nẵng
Du học thạc sỹ kinh tế bên Mỹ, chàng trai về quê thổi hồn cho đặc sản Việt |
Lần đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng, một “Con đường bích họa” trong lòng Đà Nẵng xuất hiện. Nó gồm những bức tranh sinh động, mô tả cảnh làng quê Việt, cuộc sống bình dị thường nhật của người lao động và vẻ đẹp đất nước Việt Nam. Dự án cộng đồng này có kinh phí trên 3 tỷ đồng, hình thành bởi bàn tay tài hoa của những nghệ sĩ nổi tiếng của hội Mỹ thuật và các bạn đoàn viên thanh niên thành phố Đà Nẵng. Người sáng lập dự án là Dương Huỳnh Trang, một thạc sỹ Luật kinh tế.
Dự án đặc biệt, mang tính cộng đồng rất cao
Nói về câu chuyện khởi nghiệp, chị Trang tâm sự: “Tôi rất thích đi du lịch trải nghiệm, nhất là trải nghiệm vùng miền, các phong tục tập quán, làng xã. Sau nhiều chuyến du lịch khám phá các bản sắc văn hóa vùng miền, tôi nhận ra rằng nhiều nơi có tiềm năng du lịch rất tốt, người dân chất phác hiền hòa nhưng đời sống người dân rất khổ. Thế nên tôi nảy ra ý tưởng lập mô hình du lịch bền vững với tiêu chí: nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng cùng hoạt động và phát triển”.
Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đánh giá cao dự án của Trang. |
Con đường Bích hoạ (hay Làng Bích họa) kết hợp với các hoạt động lưu trú, mua sắm, tham quan để thu hút du khách, giúp họ có trải nghiệm tại đây và góp thêm một điểm đến cho du khách. Đây cũng là cách giới thiệu trực quan sinh động những nét đặc trưng nhất của Đà Nẵng.
Các dịch vụ trong dự án bao gồm quán ăn kiểu xưa, đồ lưu niệm, đồ trang sức, các sản phẩm chăm sóc da và sức khỏe từ thiên nhiên, đặc sản Đà Nẵng, dịch vụ lưu trú homestay, bán các tour du lịch trải nghiệm, dịch vụ, cho thuê đồ chụp ảnh, chụp ảnh. Mô hình không những đem lại lợi nhuận cho người dân, mà còn góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của du khách.
“Đà Nẵng là nơi Trang sinh ra và lớn lên nên có tình cảm đặc biệt và gắn bó với nơi này, dự án Làng bích họa trong Đà Nẵng là dự án cộng đồng giúp người dân thoát nghèo bền vững, nên Trang dành hết tâm huyết và sức lực để tạo ra, như một món quà dành cho người dân tại đó và cho chính mình”, Trang chia sẻ.
Để thực hiện dự án, Trang cùng các cộng sự quét vôi những bức tường cũ có chiều dài 1.500 m trong hẻm 77 Nguyễn Văn Linh, vẽ những bức tranh chủ đề quê hương, làng chài, trẻ vui chơi, voọc chà vá chân nâu, trò chơi dân gian để làm đẹp môi trường, cảnh quan sống hằng ngày.
Mỗi ngày Làng Bích họa ở Đà Nẵng thu hút hàng trăm lượt khách du lịch. |
Ông Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng nhận xét dự án làng bích họa là một ý tưởng hay. Khi Trang ngỏ lời, các thành viên Hội Mỹ thuật cùng các sinh viên nghành kiến trúc đã bắt tay thực hiện để dự án hoạt động chính thức ngày 29/3. Từ đó đến nay, làng bích họa thu hút mỗi ngày hàng trăm lượt khách du lịch, bạn trẻ đến chụp ảnh, vui chơi, sử dụng các dịch vụ.
Để quảng bá dự án, chị Trang đã lập trang fanpage làng bích họa Đà Nẵng. Hiện nay fanpage thu hút hơn 9.000 lượt thích, theo dõi.
Chấp nhận rời khỏi vùng an toàn để khởi nghiệp
Một công việc nhà nước ổn định luôn là mơ ước của rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Vì vậy, việc Trang quyết định từ bỏ công việc đã gắn bó cùng chị suốt 10 năm để bắt đầu một trải nghiệm hoàn toàn mới khiến cho nhiều người bất ngờ. Nhưng nữ thạc sỹ Luật kinh tế - người có kinh nghiệm trong việc quản lý nhân sự, tổ chức, điều hành - luôn tin tưởng vào sự thành công của dự án.
“Bản thân Trang đã gắn bó với công việc nhà nước gần 10 năm. Đó là một công việc rất thú vị và cho Trang cơ hội để hoàn thiện rất nhiều kỹ năng. Vì vậy, thôi việc là quyết định thực sự khó khăn, nhưng nó nằm trong kế hoạch khởi nghiệp và Trang đã chuẩn bị cho bản thân rất kỹ để đưa ra quyết định. Trang chấp nhận rời khỏi vùng an toàn để đối đầu với sóng gió, để khám phá và thách thức giới hạn bản thân. Cuộc sống có những kinh nghiệm và bài học mà chúng ta không thể mua bằng tiền, chỉ có thể đạt khi ta hành động và Trang chấp nhận trả giá cho cho quyết định của bản thân”, chị tâm sự.
Dương Huỳnh Trang, người sáng lập "Con đường bích họa" ở thành phố Đà Nẵng. |
Về cuộc sống riêng tư, dù rất bận rộn trong việc khởi nghiệp nhưng Trang luôn dành thời gian để nấu ăn, chăm sóc gia đình. Với chị, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc, là động lực giúp chị tiến về phía trước.
“Suy cho cùng, mọi con đường chúng ta đi, đích đến cuối cùng đều là tìm được hạnh phúc”, nữ thạc sỹ Luật kinh tế bình luận.
Xem thêm |