Tăng tuổi hưu: Sợ vỡ quỹ bảo hiểm hay lo dân số già?
Đề xuất nâng tuổi hưu nam lên 65, nữ 60 | |
Dự thảo Luật Lao động: Tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm | |
Nhiều ý kiến trong Chính phủ muốn chọn phương án tăng tuổi nghỉ hưu |
Muốn nghỉ sớm phải nhận lương thấp
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 hoặc 65 tuổi; lộ trình mỗi năm tăng thời gian đi làm thêm 3 hoặc 4 tháng, tới lúc đủ số tuổi trên; thời gian thực hiện có thể từ năm 2021. Với đề xuất mỗi năm tăng 3 tháng làm việc từ năm 2021, tới năm 2040 nữ sẽ đạt ngưỡng tuổi nghỉ hưu 60, nam sẽ đạt ngưỡng 62 tuổi vào năm 2028.
Chị Lê Minh Huyền, đang làm việc tại một công ty ở Hà Nội tính toán, năm nay chị 40 tuổi, nếu theo quy định hiện hành chị sẽ nghỉ hưu vào năm 2033 (khi 55 tuổi). Tuy nhiên, với đề xuất tăng thời gian làm việc thêm 3 tháng, tới khi chị Huyền 55 tuổi, tuổi hưu đã được nâng lên 58,3 tuổi, nên chị Huyền vẫn phải đi làm thêm 3 năm 3 tháng, tức tới năm 2036. Nhưng khi làm tới năm 2036, tuổi nghỉ hưu đã tăng lên 59 tuổi, nên chị Huyền vẫn phải làm thêm 1 năm nữa.
Chị chỉ chính thức được nghỉ hưu vào năm 2037. “Như vậy, tôi sẽ phải đi làm thêm 4 năm so với hiện nay mới đủ điều kiện hưởng lương hưu đúng tuổi. Nếu 55 tuổi tôi muốn nghỉ hưu, sẽ phải chấp nhận giảm lương hưu 6%, chỉ được nhận mức lương hưu bằng 69% lương tính đóng bảo hiểm”, chị Huyền nói, và bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất tuổi nghỉ hưu mới. Theo chị Huyền, tuổi nghỉ hưu mới chủ yếu có lợi cho những người giữ các chức lãnh đạo trong cơ quan quản lý nhà nước, khi tăng thêm 5 năm, tức là sẽ thêm được một nhiệm kỳ lãnh đạo.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này vẫn bảo lưu quan điểm, nếu tăng tuổi hưu phải xem xét từng ngành nghề, lĩnh vực, không thể tăng đồng loạt. Theo đó, giải pháp tăng tuổi hưu chỉ nên áp dụng với khu vực lao động (LĐ) gián tiếp, đơn vị hành chính, sự nghiệp công, còn khu vực lao động trực tiếp (công nhân) không thể tăng. “Với công nhân, tuổi nghỉ hưu phải theo điều kiện làm việc, sức khỏe người LĐ.
Nước khác họ tăng tuổi hưu nhưng người LĐ làm việc trong môi trường tự động hóa cao, còn người LĐ Việt Nam chủ yếu làm chân tay, cơ bắp. Thậm chí, LĐ trong khu vực dệt may, da giày, thủy sản tới 33-35 tuổi là chủ sử dụng tìm cách sa thải, đâu làm được tới lúc nghỉ hưu”, ông Chính nói. Hay trong khu vực sự nghiệp công, ví như giáo viên dạy mầm non, hoặc tiểu học, theo ông Chính, họ cũng không đủ sức khỏe để dạy tới 60 tuổi.
Áp lực tăng tuổi hưu
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH cho hay, để đảm bảo ổn định Quỹ BHXH, chỉ còn con đường tăng tuổi nghỉ hưu, khi mức đóng bảo hiểm hiện so với lương đã không phải thấp. Tuy vậy, ông Huân cảnh báo, áp lực tăng tuổi nghỉ hưu lên việc làm sẽ rất lớn, khi nhiều người ở lại làm việc, nhưng số việc làm mới không đủ cho những LĐ mới tham gia thị trường hằng năm, sẽ dẫn tới thất nghiệp.
Hiện mỗi năm vẫn có thêm 1 triệu LĐ mới tham gia thị trường, chưa kể số LĐ còn thất nghiệp cần việc làm. Đặc biệt, cách mạng công nghiệp 4.0, LĐ chân tay bị thay thế bởi máy móc, áp lực việc làm mới càng lớn hơn. “Việc tăng thời gian làm việc thêm 3-4 tháng mỗi năm nhằm đánh giá tác động, nếu có bất cập còn kịp thời sửa đổi”, ông Huân nói.
Theo ông Huân, thực tế hiện đã có một số trường hợp tăng tuổi nghỉ hưu, như giáo sư, bác sĩ có thể làm thêm 5 năm so với tuổi nghỉ hưu hiện nay. Trong khi đó, khu vực LĐ trực tiếp, như thủy sản, dệt may... chỉ làm được tới 40 tuổi là phải chuyển đổi nghề. “Nhìn lại, việc tăng tuổi nghỉ hưu vẫn loanh quanh mấy ông hành chính. Còn khu vực lao động trực tiếp chỉ một số có tay nghề, vị trí công việc chủ yếu quản lý mới mong tăng tuổi nghỉ hưu, còn đa số vẫn muốn nghỉ sớm”, ông Huân nói. Theo ông Huân, chính sách tuổi hưu nên theo hướng mềm, ai nghỉ sớm chỉ được nhận lương hưu thấp, ai muốn có lương hưu cao phải làm tới tuổi theo quy định.
Sẽ tăng quỹ lương nhà nước
Lý giải cho đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, chính sách tuổi hưu hiện nay áp dụng từ năm 1961. Trong khi đó, hiện với tốc độ già hóa dân số, tuổi thọ và sức khỏe người dân tăng, Quỹ Bảo hiểm xã hội nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, nên việc tăng tuổi nghỉ hưu là cấp thiết. Thực tế, hiện tuổi nghỉ hưu bình quân của Việt Nam là 54,2 tuổi (đa số nghỉ hưu trước tuổi).
Trong một nghiên cứu công bố mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đưa ra tính toán, nếu Việt Nam không sớm thực hiện cải cách, quỹ hưu trí sẽ bị thâm hụt vào năm 2034. Khi đó, tất cả người LĐ nam dưới 40 tuổi và nữ dưới 35 tuổi sẽ không nhận được bất kỳ đồng lương nào sau khi nghỉ hưu, nếu Chính phủ không dùng khoản lớn ngân sách để bù đắp.
Tuy nhiên, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, quỹ lương của khu vực nhà nước có thể tăng lên, do người có thâm niên công tác sẽ phải trả lương cao hơn. Đổi lại, ngân sách sẽ tăng thu, bởi NLĐ lớn tuổi có thu nhập cao vẫn tiếp tục đóng thuế.