|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng tín dụng quý I sẽ có yếu tố bất ngờ

17:34 | 23/03/2018
Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia kinh tế bình luận, dù chưa có con số chính thức về tăng trưởng tín dụng quý I và mới chỉ nhìn từ các thành phố lớn nhưng nếu tín dụng quý I 2018 thấp hơn cùng kỳ năm 2017 cũng là bình thường. 
tang truong tin dung quy i se co yeu to bat ngo Ủy ban GSTGQG: Tín dụng cả nước tháng 2 tăng 1%, nợ xấu 2,25%

Tín dụng tăng thấp mới chỉ là đồn đoán

Đến thời điểm này vẫn chưa có con số chính thức từ phía NHNN về con số tăng trưởng tín dụng quý I/2018, nhưng qua các con số tín dụng từ một số thành phố được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước đã có những đồn đoán rằng, khả năng tín dụng quý I năm nay không được như cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tại Hà Nội tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn trong tháng 2 ước đạt 1.620 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 1,2% so tháng 12/2017. Còn theo thông tin mới đây từ NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên địa bàn trong quý I/2018 dự ước khoảng 3% so với cuối năm 2017.

tang truong tin dung quy i se co yeu to bat ngo

Sẽ có bất ngờ về con số tăng trưởng tín dụng quý I2018

Một trung tâm kinh tế khác của Đồng bằng sông Cửu Long là TP. Cần Thơ dư nợ đến cuối tháng 2 cũng phải ước đạt 69.200 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cuối năm 2017. Trong khi đó đầu tàu kinh tế tại Nam Trung bộ là Đà Nẵng đến cuối tháng 2 dư nợ nền kinh tế tăng 1,81% so với tháng 1/2018.

Nếu nhìn lại con số tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng quý I/2017 ở mức 2,81% cao nhất cùng kỳ trong 6 năm qua sẽ thấy áp lực của quý I năm nay không hề nhỏ.

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 2 và hai tháng đầu năm 2018 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố cho thấy, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn so với các năm từ năm 2016 trở về trước. Tháng 1/2018, tổng tín dụng (bao gồm cả cho vay khách hàng và đầu tư vào trái phiếu DN) tăng khoảng 0,9%; Tháng 2/2018, tín dụng ước tăng khoảng 1% với cuối năm 2017.

Nhu cầu vay vốn tăng khá cao

Trực tiếp triển khai cho vay ra nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, để biết con số tăng trưởng tín dụng quý I bao nhiêu thì phải chờ báo cáo tổng hợp cụ thể của NHNN Việt Nam còn dựa vào tình hình cho vay của đơn vị cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa chắc tín dụng đã tăng thấp.

Dự kiến tăng trưởng kinh tế quý I/2018 sẽ tăng khá cao và thực tế qua hoạt động cho vay thì quý I tăng trưởng tín dụng của riêng OCB khoảng gần 11%, trong đó nhu cầu vay vốn của phía DN là rất cao.

“Tôi đánh giá nhu cầu tín dụng 3 tháng đầu năm nay là tăng cao với rất nhiều lĩnh vực như thanh toán, xuất nhập khẩu, cho vay sản xuất trong nước, ngay cả nhu cầu vay tiêu dùng, vay để kinh doanh sản xuất nhỏ cuối năm, giáp Tết Nguyên đán vừa qua cũng tăng mạnh”, ông Tùng nêu quan điểm.

Cũng theo CEO của OCB thì với lĩnh vực cho vay không khuyến khích là BĐS thì tín dụng lại tăng không nhiều, nhưng mấy tháng gần đây có sự tăng trưởng tín dụng cao ở lĩnh vực xuất nhập khẩu và nhìn vào con số kim ngạch xuất khẩu tháng 2 đang ở mức khá cao để thấy.

“Nói có sách, mách có chứng” bởi tính đến hết 2 tháng của năm 2018, xuất nhập khẩu cả nước đạt 68,51 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 34,51 tỷ USD, tăng 25,8%.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia kinh tế bình luận, dù chưa có con số chính thức về tăng trưởng tín dụng quý I và mới chỉ nhìn từ các thành phố lớn nhưng nếu tín dụng quý I/2018 thấp hơn cùng kỳ năm 2017 cũng là bình thường. Và đặc biệt, nếu tín dụng tăng thấp mà tăng trưởng kinh tế tăng cao thì càng nói lên rằng tín dụng đi vào lĩnh vực sản xuất và chất lượng tín dụng được nâng lên được các ngân hàng quan tâm hơn.

Đơn cử như trong báo cáo trên của TP.Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao) của địa bàn này chiếm 62,5% tổng dư nợ. Còn tại Hà Nội, đến hết tháng 2, phân theo chương trình tín dụng thì dư nợ cho vay DNNVV chiếm 36,9%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,7%...

Phó tổng giám đốc một NHTMCP nhà nước nắm cổ phần chi phối cho rằng, về mặt lý thuyết tăng trưởng tín dụng cả năm nay được NHNN định hướng là 17% thì nếu quý I có tăng thấp hơn cũng phù hợp. Hơn nữa, tháng 2 của quý I rơi vào dịp Tết Nguyên đán thì bao giờ cũng gián đoạn giải ngân mất vài tuần. Tuy nhiên, vị này cho rằng, đó mới chỉ là đồn đoán, tín dụng quý I năm nay chưa chắc đã kém cùng kỳ năm trước và nếu có kém thì cũng kém tí chút và phù hợp với diễn biến thị trường. Nhưng hãy chờ xem, biết đâu lại có những yếu tố bất ngờ về con số tăng trưởng tín dụng quý đầu của năm nay.

Chí Kiên

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.