|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sửa Nghị định 86: Thêm quy định hướng đến 'siết' Uber, Grab

08:43 | 04/03/2018
Chia sẻ
Sửa một nghị định mà muốn xử lý cả hai vấn đề: cạnh tranh và sở hữu, là rất không ổn.
sua nghi dinh 86 them quy dinh huong den siet uber grab Đề xuất hàng loạt quy định mới để quản lý Uber, Grab

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa đồng ý kéo dài thời gian thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được ban hành và có hiệu lực.

Hiện, sửa Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô tiếp tục nóng, nhất là phần bổ sung các quy định quản lý hoạt động thí điểm của Uber, Grab.

Quyền kinh doanh bị lấn át

Đề án thí điểm loại hình vận tải đặt xe bằng hợp đồng điện tử hiện nay không chỉ có Uber, Grab mà còn có khoảng 10 hãng taxi đã tham gia cung cấp ứng dụng đặt xe qua mạng.

Thế nhưng, Bộ Công an chỉ đề nghị kiểm soát chất lượng xe và lái xe Grab và Uber trong báo cáo góp ý thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại hình Uber, Grab gửi Chính phủ.

Theo Bộ Công an, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn đơn giản dẫn đến tình trạng khó kiểm soát được số lượng, chất lượng xe và lái xe của Uber và Grab. Bộ cho đây là nguyên nhân chính gây ra một số vụ việc phức tạp về trật tự xã hội liên quan đến lái xe của các doanh nghiệp vận tải.

Với lại hình dịch vụ mới này, cơ quan thuế cũng “cảm thấy khó khăn” trong việc quản lý thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Văn Hiếu, thừa nhận trong báo cáo góp ý tại phần liên quan đến Uber, Grab.

Theo Bộ Tài chính, dù không đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải nhưng về bản chất Uber, Grab là dịch vụ vận tải. Vì vậy Bộ Giao thông Vận tải phải xác định bản chất của hoạt động kết nối vận tải hành khách, làm cơ sở nghiên cứu, sửa đổi, thay thế Nghị định 86, Bộ Tài chính đề nghị.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người thường phải chi hơn 200.000 đồng đi taxi, Uber hay Grab để đến mỗi một lần đi dự các hội nghị, hội thảo, nhận xét: “Quyền của người tiêu dùng đang bị hạn chế. Nhu cầu và bức xúc của người tiêu dùng đã gần như không được nhắc đến trong dự thảo này”.

Dự thảo Nghị định 86 vẫn đứng ở góc độ quản lý nhà nước và chú trọng đến phía cung là các doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh vận tải. Trong khi đó, một phần kinh doanh vận tải lại đến từ phía cầu, đó là người tiêu dùng. Bà Lan cho rằng, việc không nhắc đến bên cầu là “bất ổn” của bản dự thảo.

Điểm khiến bà Lan “giật mình” là sự “đụng chạm đến quyền sở hữu” của bản dự thảo, một điều bà cho là “không dễ đụng chạm”, tại Khoản 2A của điều 12 dự thảo quy định: Phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Điều 67 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 đã không đặt ra điều kiện về sở hữu, không đòi hỏi người kinh doanh vận tải phải sở hữu phương tiện. “Sửa một nghị định mà muốn xử lý cả vấn đề cạnh và sở hữu, là rất không ổn”, bà Lan nói trong bối cảnh dự thảo có thêm những nội dung không được quy định trong Luật.

Theo quan sát của bà Phạm Chi Lan, dự thảo Nghị định 86 đã đưa ra một số điều kiện trói buộc kinh doanh, đi ngược chủ trương khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 của Nhà nước.

Việc quy định những nội dung không được làm với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp, bà Lan cho là đã “siết rất chặt” hoạt động cung cấp ứng dụng vận tải hợp đồng điện tử, tức là những người cung cấp phần mềm cơ bản cho quản trị như Uber, Grab.

Cùng với đó, "ý đồ loại trừ loại hình kinh doanh Uber, Grab là khá rõ", bằng cách không đưa ra điều kiện kinh doanh phù hợp hay phù hiệu”, bà Lan chỉ rõ vẫn đề. Trong khi đó, phần những quy định mới được bổ sung trong dự thảo, đã có thêm những quy định không phù hợp, như “cho phép” áp dụng chính thức hợp đồng điện tử.

Cung và cầu trên thị trường vận tải đang cùng thay đổi rất mạnh do khả năng chi trả của người dân tăng lên, đòi hỏi chất lượng các dịch vụ cao hơn. Để tạo ra thị trường kinh doanh bình đẳng, theo bà Lan, thí điểm Uber, Grab để đưa ra công cụ quản lý là cần, nhưng đưa ra những công cụ hạn chế các loại hình kinh doanh vận tải mới lại là sự không công bằng, sẽ làm hạn chế sự phát triển của thị trường vận tải và xã hội.

Sửa như hiện nay không giải quyết được vấn đề

Chính sách sẽ nhanh chóng lạc hậu, khó đáp ứng yêu cầu thực tế nếu không dự liệu được thị trường ngay trong quá trình xây dựng chính sách. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định 86 vẫn chủ yếu bám vào Luật Giao thông Đường bộ, ban hành năm 1986, đặt các quy định mới trong bối cảnh cũ, với cách quản lý cũ, trong khi thực tế 10 năm qua đã có rất nhiều thay đổi.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) nhận xét, điểm quan trọng nhất là dự thảo Nghị định mới chưa xác định được những vấn đề đang tồn tại, chưa tiếp cận hợp lý các mục tiêu, chưa xử lý được “tạm gọi là hợp đồng điện tử”.

Hiện, dự thảo Nghị định 84 đang chia kinh doanh vận tải theo 5 phương thức và cố gắng phân loại để phương thức này không cạnh tranh với phương thức kia. Hậu quả là các quy định được đưa ra theo hướng siết chặt, buộc doanh nghiệp phải kinh doanh theo các phương thức cũ, không có khả năng chuyển đổi phương thức kinh doanh hay linh hoạt để tận dụng được nguồn lực. Việc taxi chạy bằng đồng hồ tính cước nếu chuyển sang chạy hợp đồng là vi phạm quy định là một ví dụ.

“Dự thảo vẫn thiên về siết chặt, hạn chế, hơn là tạo thuận lợi thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao hiệu quả”, ông Hiếu nói. Dẫn chứng khái niệm “xe dù, bến cóc”, ông Hiếu cho đây “không phải lỗi của người kinh doanh mà do lỗi của khung pháp luật đã không đưa ra hoạt động kinh doanh để đáp ứng nhu cầu kinh doanh”.

sua nghi dinh 86 them quy dinh huong den siet uber grab

Trước những tồn tại liên quan đến giao thông đường bộ hiện nay, ông Hiếu nói phải sửa Luật Giao thông Đường bộ năm 2018 theo cách tiếp cận của các quốc gia trong khu vực và thế giới, như Thái Lan, Singapore, Canada, Mỹ, Anh…

Giới hạn và xử lý quan hệ giữa nhà nước với người cung cấp dịch vụ là “cái bẫy” mà nhiều quốc gia trên thế giới từng rơi vào. Do đó, từ năm 2013-2015, đã đánh giá lại hệ thống pháp luật và ban hành luật mới về giao thông với 3 điểm cụ thể.

Thứ nhất, đề cao lợi ích của khách hàng và điều đặc biệt quan trọng là không hạn chế sự sáng tạo và hạn chế cạnh tranh. Luật Giao thông vận tải đường bộ năm 2016 để áp dụng cho 20-30 năm tới. Đáng lưu ý, ngay từ thời điểm 2013-2015, Luật Giao thông vận tải đường bộ của Canada đã giải quyết tất cả những sáng kiến, sáng tạo cho 30 năm tới, với taxi không người lái, điều hành tổng đài tự động, thậm chí cả các phương tiện bay trên mặt đất (không bao gồm máy bay).

Thứ hai, chuyển mục tiêu chính của luật giao thông vận tải là an toàn, sang mục tiêu thứ hai quan trọng hơn là thương mại và kinh tế, coi lĩnh vực vận tải là quan trọng thúc đẩy kinh tế và sự thịnh vượng. Các quốc gia này nhấn mạnh hơn đến mục tiêu kinh tế cần ưu tiên, coi đây là lĩnh vực quan trọng và thiết yếu của đời sống kinh tế có liên quan đến kinh doanh và vận tải hàng hóa, liên quan đến quyền tự chủ và đi lại ngày càng tăng của người dân.

Thứ ba, tiếp cận theo cách mới, không đặt mục tiêu xử lý các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp dịch vụ mà chuyển hướng sang đặt lợi ích người tiêu dùng làm nền tảng để thiết kế ra quy định. Tức là, quyền lựa chọn và lợi ích của khách hàng, người đi xe, người sử dụng vận tải phải được đảm bảo hài hóa và luật pháp phải đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.

Trường hợp nước ta chưa sửa ngay Luật Giao thông đường bộ, việc sửa Nghị định 86 phải tiếp cận theo xu hướng thế giới, phải tách bạch được mục tiêu giữa an toàn, trật tự trong giao thông với họat động kinh doanh vận tải.

Theo ông Phan Đức Hiếu, cách sửa Nghị định 86 như hiện nay, sẽ không giải quyết được “dù chỉ một phần những vấn đề đang tồn tại”. Ông nói: “Chúng ta không thể đánh đồng kinh doanh vận tải với lý do vì nhiều xe nên không kiểm soát được, để trên cơ sở đó hạn chế đầu xe”.

Nghị định 86 mới phải thay đổi cách tiếp cận của dự thảo, phải là lấy cái mới làm cơ sở, lấy sự sáng tạo và phương thức kinh doanh cái mới làm cơ sở, từ đó bãi bỏ cái khuôn khổ cũ, xóa bỏ tất cả những cái kìm hãm, hạn chế hình thức kinh doanh cũ.

Liệt kê các quy định cần sửa đổi, như Điều 6, 7, 12, 17… ông Hiếu cho rằng không nên “chỉ sửa kỹ thuật, phải sớm bãi bỏ ít nhất từ ½ cho đến 2/3 quy định đang hạn chế cạnh tranh, không can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà không rõ mục tiêu quản lý”.

Kết luận câu chuyện sửa Nghị định 86, ông Hiếu nói rằng, sửa Nghị định 86 phải tính đến phương thức kinh doanh mới, người dân kinh doanh khâu nào, cơ quan nhà nước quản lý khâu đó. Theo ông, người kinh doanh luôn khôn hơn Nhà nước, họ sẽ tự đánh giá tiếp tục kinh doanh hay chuyển kinh doanh lĩnh vực khác.

Hải Vân