|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sẽ cho phá sản ngân hàng khi không thoả mãn hai điều kiện chuyển giao bắt buộc

11:43 | 11/10/2017
Chia sẻ
Ngân hàng thương mại yếu kém không có khả năng phục hồi khi đáp ứng đủ hai điều kiện là giá trị thực của vốn điều lệ, quỹ dự trữ ở mức âm và có TCTD, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được chuyển giao bắt buộc. Việc chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích cổ đông cũ được đánh giá là hợp hiến.
se cho pha san ngan hang khi khong thoa man hai dieu kien chuyen giao bat buoc
Sẽ cho phá sản ngân hàng khi không thoả mãn hai điều kiện chuyển giao bắt buộc (Ảnh minh hoạ)

Theo dự thảo Luật các Tổ chức Tín dụng (TCTD) chuẩn bị được trình thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới, phương án mua bắt buộc TCTD được loại bỏ và bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc.

Phá sản khi không thoả mãn hai điều kiện chuyển giao bắt buộc

Cụ thể có hai điều kiện để chuyển giao bắt buộc là giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ ở mức âm và có TCTD, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc.

Khi giá trị thực của vốn điều lệ, quỹ dự trữ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có) thì thực chất các ngân hàng này đã lâm vào tình trạng phá sản. Nhưng trên thực tế cũng không thể giải thể hoặc phá sản được do ảnh hưởng đến an toàn, hoạt động của hệ thống, tiềm ẩn rủi ro lớn, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời chỉ chuyển giao khi có TCTD, nhà đầu tư tự nguyện nhận chuyển giao, không vi phạm về quyền tự do kinh doanh, không mang tính chất ép buộc.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), phương án chuyển giao bắt buộc là phương án cần thiết để xử lý ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém nhằm giữ ổn định an toàn hệ thống.

Trường hợp không có TCTD, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc; không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ quyết định chủ trương và thực hiện phương án phá sản.

'Việc chấp dứt quyền lợi của cổ đông cũ bảo đảm tính hợp hiến'

Trong khi đó, có ý kiến đề nghị làm rõ việc “chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của NHTM được chuyển giao bắt buộc” liệu có phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Theo UBTVQH, việc hạn chế quyền cổ đông theo quy định về chấm dứt quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại bảo đảm tính hợp hiến.

Giải thích cho việc này, UBTVQH dẫn ra quy định tại dự thảo luật, NHTM được kiểm soát được yêu cầu tăng vốn điều lệ và hoàn thành việc tăng vốn điều lệ trong thời hạn cụ thể. Phương án này sẽ được trình đại hội cổ đông để xem xét quyết định. Nếu không hoàn thành việc tăng vốn thì mới dẫn đến việc chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích cổ đông, thành viên góp vốn.

Bên cạnh đó, quy định này cũng bảo đảm tính hợp pháp vì theo Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 quy định thành viên góp vốn, cổ đông phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của DN trong phạm vi số vốn đã góp.

Trong khi đó, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi. Nếu thực hiện phá sản thì các cổ đông cũng không được nhận bất cứ khoản tiền nào. Dù được hỗ trợ nhưng thành viên góp vốn, cổ đông của NHTM không thể quản lý điều hành hiệu quả để NHTM thoát ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt. Do đó cần chấm dứt quyền và nghĩa vụ của họ để thay đổi triệt để về quản trị và điều hành nhằm xử lý dứt điểm, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và lợi ích chung của xã hội.

Như vậy, các quy định của dự thảo Luật bảo đảm tất cả cổ đông đều biết rõ thực trạng yếu kém và đã có thời gian để thực hiện quyền bảo vệ tài sản của mình tại ngân hàng thương mại trước khi bị chấm dứt quyền, lợi ích. Biện pháp này cũng được áp dụng phổ biến tại hầu hết các quốc gia châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...

Việc chuyển giao bắt buộc không phải giao dịch mua bán

Sau khi NHTM yếu kém không thể phục hồi và không thể áp dụng cơ chế tự điều tiết theo quy luật thị trường, NHNN phải can thiệp và có biện pháp hỗ trợ mạnh để thu hút sự quan tâm của TCTD, nhà đầu tư. Việc thực hiện cũng chỉ được áp dụng trên cơ sở đề xuất tự nguyện của bên nhận chuyển giao.

Nếu có nhiều hơn một nhà đầu tư thì NHNN sẽ xem xét trên cơ sở đánh giá tính khả thi, hiệu quả của từng phương án. Việc chuyển giao bắt buộc thực hiện trên cơ sở chuyển giao chủ sở hữu, không phải giao dịch mua, bán, do đó không có cơ chế xác định giá, không thể thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu.

Đối với trường hợp TCTD được chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD này sẽ được loại trừ một số chỉ tiêu khi tính toán tỷ lệ an toàn để đánh giá đúng thực trạng của TCTD. Những loại trừ này cũng chỉ được duy trì trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt.

se cho pha san ngan hang khi khong thoa man hai dieu kien chuyen giao bat buoc Chuyển giao bắt buộc TCTD được hiểu như thế nào?

"Chuyển giao bắt buộc" là một khái niệm mới được Chính phủ đưa ra khi bàn về Dự thảo Luật tái cơ cấu tổ chức ...

Diệp Bình