|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sầu riêng Việt Nam đắt hàng ở Trung Quốc

14:52 | 17/12/2023
Chia sẻ
Mỗi ngày, cửa khẩu Hữu Nghị Quan tiếp nhận khoảng 300 xe tải vận chuyển trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có khoảng 30 xe sầu riêng, dù thời điểm này đang trái vụ.

Cửa khẩu Hữu Nghị là nơi nhập khẩu sầu riêng lớn nhất Trung Quốc. Vốn trước đây nơi này chỉ có sầu riêng Thái Lan thì nay loại quả này của Việt Nam cũng đã nhanh chóng bắt kịp, tờ Tân Hoa Xã đưa tin.

Ông Nong Liqing, Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu có trụ sở tại thành phố Bằng Tường (Quảng Tây), cho biết tính đến tháng 12 doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 1.600 container sầu riêng. Ngoài nguồn cung từ Thái Lan công ty đã bắt đầu nhập hàng từ Việt Nam.

Hiện mỗi ngày có hơn chục container sầu riêng được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Gian hàng sầu riêng Việt Nam tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần 20 ở Nam Ninh vào tháng 9/2023.(Ảnh: Xinhua/Zhang Ailin).

Người Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới rất lớn. Năm ngoái, nước này nhập 825.000 tấn sầu riêng. Theo dữ liệu hải quan, giá trị nhập khẩu sầu riêng đứng đầu trong số các loại trái cây nhập khẩu của Trung Quốc, đạt hơn 4 tỷ USD.

Năm ngoái, sầu riêng Việt Nam với ưu điểm mùa thu hoạch kéo dài hơn và giá thành rẻ hơn, đã tiếp cận được thị trường Trung Quốc theo khuôn khổ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính của Việt Nam.

Ông Wang Zhengbo, Chủ tịch một công ty trái cây có trụ sở tại Quảng Tây, cho biết khoảng 10 năm trước, hoa quả từ các nước ASEAN như sầu riêng, măng cụt, dưa vàng… rất hiếm ở Trung Quốc. Tuy nhiên giờ đây, chúng được bán ở hầu hết quầy hàng tại thành phố lớn với giá cả ngày càng phải chăng.

Hòa vào cơn sốt sầu riêng, năm ngoái, công ty ông Wang đã ký hợp đồng với các vùng trồng sầu riêng tại Việt Nam, tổng diện tích lên tới 3.000 ha.

“Chúng tôi có kế hoạch nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng Việt Nam trong năm nay để phục vụ nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, Ông Wang nói.

"Sầu riêng là một trong những loại trái cây phổ biến nhất ở Trung Quốc, có nhu cầu tiêu dùng cao và tiềm năng thị trường rất lớn", ông Đồng Quang Hải, thương nhân có thâm niên trồng sầu riêng hàng chục năm ở Việt Nam, nói.

Hữu Nghị trở thành cửa khẩu sầm uất và thuận tiện nhất cho việc trao đổi hàng hóa biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tính đến đầu tháng 12, trạm kiểm tra biên giới xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan đã xử lý 400.000 phương tiện ra vào trong năm 2023, tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tang Shan, Cục trưởng Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Quan cho biết trong thời gian gần đây, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 300 xe tải vận chuyển trái cây Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có khoảng 30 xe sầu riêng, dù thời điểm này đang trái vụ.

"Từ năm ngoái, chúng tôi bắt đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam. Sầu riêng là loại trái cây nhập khẩu bán chạy nhất. Chúng tôi bán cả trực tiếp lẫn online", Fang Chuangquan, một doanh nhân ở Bằng Tường cho biết.

​Ngoài Hữu Nghị, Hà Khẩu ở Vân Nam cũng đã trở thành cửa khẩu nhập sầu riêng nổi tiếng tại Trung Quốc.

Bà Yao Qi, cán bộ trạm kiểm tra biên giới xuất nhập cảnh Hà Khẩu cho biết lượng nhập khẩu sầu riêng tăng đáng kể đã thu hút nhiều người đến giao dịch hơn. Nhiều công ty đã thành lập chi nhánh hoặc văn phòng xung quanh cửa khẩu.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Hà Khẩu đón nhận khoảng 700 lượt xe ra vào. Theo bà Yao, Trung Quốc đã thiết lập một luồng xanh nhằm tạo thuận lợi cho thông quan các sản phẩm nông nghiệp và tối ưu hóa quy trình thông quan.

Bà Fu Jing, một thương nhân có hơn 10 kinh nghiệm về buôn bán trái cây nhập khẩu ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), cho biết sầu riêng Việt Nam đã trở thành lựa chọn mới của bà.

“Sầu riêng Thái Lan thường chín vào nửa đầu năm, trong khi sầu riêng Việt Nam thu hoạch vào cuối năm, điều này có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường. Ngoài ra, quy trình thông quan thuận lợi tại cửa khẩu cũng là lý do quan trọng để chúng tôi lựa chọn sầu riêng Việt Nam”, bà Fu nói thêm.

Theo báo cáoProduce Report, nhu cầu mạnh tại thị trường Trung Quốc dù đang trái vụ đã đẩy giá sầu riêng thu mua tại vùng nguyên liệu của Việt Nam tăng cao.

Đắk Lắk, vùng sản xuất sầu riêng trọng điểm của Việt Nam, đã gần kết thúc vụ thu hoạch năm nay với sản lượng vượt 200.000 tấn, giá thu mua tăng đáng kể.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông, Tây Nguyên cũng đang bước vào giai đoạn trái vụ, giá sầu riêng đang ở mức rất cao.

Tính đến ngày 6/12, giá bán buôn sầu riêng loại A tăng lên mức 148.000 - 152.000 đồng/kg, loại thường khoảng 130.000 - 135.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 loại A đang được thu mua với giá 125.000 - 130.000 đồng/kg, trong khi loại thường khoảng 105.000 - 115.000 đồng/kg.

Sầu riêng Musang King đang có giá mua cao nhất, dao động 160.000 - 190.000 đồng/kg do nguồn cung khan hiếm. Thời điểm trước tháng 10, giá mặt hàng này chỉ 80.000 - 100.000 đồng/kg.

Hoàng Anh