|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sau khi sáp nhập SBT và BHS, ngành đường Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với đường Thái?

08:26 | 19/07/2017
Chia sẻ
Thương vụ sáp nhập giữa hai công ty lớn nhất hiện nay là SBT và BHS liệu có giúp ngành mía đường Việt Nam đủ sức cạnh tranh với đường Thái Lan năm 2018, chấm dứt làn sóng đường gian lận thương mại và nhập lậu lên đến 400.000 - 500.000 tấn mỗi năm?

Theo Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN (AFTA), năm 2018 ngành đường Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn cho đường của các nước ASEAN vào. Điều này đồng nghĩa đường nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ ở mức thuế 5% (so với mức 80%-100% như hiện nay) và không phải chịu hạn ngạch thuế quan. Khi đó đường Thái Lan có thể chính thức vào Việt Nam với số lượng không bị hạn chế ở mức thuế suất thấp.

Chia sẻ tại một sự kiện của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Đặng Văn Thành cho biết TTC đang ráo riết để san bằng giá thành đối với đường của Thái Lan vào năm 2018 - 2019. TTC phải làm và phải làm cho bằng được.

“Năm 2018, 2019 sẽ là năm sống còn của ngành mía đường Việt Nam. Chúng tôi sẽ trở lại cái gốc của vấn đề, đó là chống đường lậu. Cái gốc của chống đường lậu là giá thành.

Giá thành liên quan đến vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu ở đây là cánh đồng mẫu lớn. Cánh đồng mẫu lớn thì phải cơ giới hóa, áp dụng khoa học. Đến 2018 - 2019 thì giá của chúng tôi sẽ tương đương Thái Lan. Chúng tôi có lợi thế hơn ở chỗ số dân nước mình 90 triệu”, ông Đặng Văn Thành nói.

Chủ tịch TTC nói thêm rằng Tập đoàn đang làm việc với một đối tác cơ khí nông nghiệp lớn để đầu tư khoa học kỹ thuật vào cánh đồng mẫu lớn. Họ cũng đã chọn TTC làm đối tác. Cụ thể, tỉ lệ cơ giới hóa của TTC trong lĩnh vực mía đang là gần 50%. “Bắt buộc trong thời gian tới, phải cơ giới hóa 100% vì tiến tới, lao động phổ thông cũng không có để đi đốn mía đâu”, doanh nhân Đặng Văn Thành chia sẻ.

sau khi sap nhap sbt va bhs nganh duong viet nam co du suc canh tranh voi duong thai

Đường đóng bao tại chợ Lê Tấn Kế quận 6

Trong khi chờ đợi viễn cảnh san bằng chênh lệch giá đường Việt Nam - Thái Lan như chia sẻ của Chủ tịch Đặng Văn Thành, thì trong thực tế, ngành mía đường Việt Nam đang phải vất vả chống chọi với đối thủ nặng ký là đường Thái Lan với giá thành rẻ, sản lượng lớn và thâm nhập thị trường trong nước từ chính ngạch tới nhập lậu.

Dẫn chứng là hầu như tất cả những chủ cửa hàng cà phê, nước giải khát , sinh tố trái cây... ở Sài Gòn đều đến một nơi để mua đường pha chế là khu đường Lê Tấn Kế (thuộc chợ Bình Tây) ở quận 6. Giá một “cây” đường đóng trong bao giấy 12 kg vào khoảng 180.000 - 190.000 đồng tùy loại, tính ra 1kg tương đương 15.000 - 16.000 đồng.

So với đường đóng bao 1kg do các công ty trong nước sản xuất hiện đang bày bán trong chợ, siêu thị, tạp hóa thì rẻ hơn từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. Tất nhiên, giá rẻ là do mua sỉ nhưng cũng có những người am hiểu thì cho biết phần lớn trong số đó là đường Thái Lan nhập lậu từ biên giới.

sau khi sap nhap sbt va bhs nganh duong viet nam co du suc canh tranh voi duong thai

Hải quan bắt đường lậu

Hồi tháng 7 năm ngoái, thông tin về việc trùm buôn lậu Vi Ngươn Thạnh (còn gọi là Tỷ đường) cùng đồng phạm ra hầu tòa và lãnh án đã làm nức lòng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đường chân chính.

Trước khi xộ khám, Tỷ đường thao túng đến 35% tổng số đường lậu nhập vào Việt Nam. Và theo số liệu được Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham khảo từ Tổ chức Đường quốc tế thì hàng năm có khoảng 400.000 – 500.000 tấn đường nhập lậu vào nước ta.

Sau khi vua đường lậu sa lưới, tưởng chừng hoạt động buôn lậu đường sẽ giảm đi nhưng thực tế thì đã không như vậy. Theo thông tin trên báo Hải Quan, năm 2016 hàng ngàn tấn đường lậu đã bị bắt giữ. Nguyên nhân là do khi đường dây "khủng" của Tỷ đường bị chặt đứt cũng là lúc các đường dây nhỏ hơn bắt đầu “trỗi dậy” vì nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng cao và khan hiếm hàng.

“Việc ngăn chặn chỉ là một trong nhiều biện pháp để đẩy lùi đường lậu. Trong khi đó, biện pháp căn cơ nhất để chấm dứt là đường nội địa phải chiến thắng ngay trên sân nhà thì vẫn chưa làm được!”, báo Hải Quan đưa ra nhận định.

sau khi sap nhap sbt va bhs nganh duong viet nam co du suc canh tranh voi duong thai

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những điểm yếu của ngành đường Việt Nam so với Thái Lan gồm có: công suất trung bình một nhà máy là 3.250 tấn mía/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất trung bình của một nhà máy ở Thái Lan là 7.000- 8.000 tấn mía/ngày; năng suất 1ha mía tại Việt Nam là 65 tấn so với 70 tấn của Thái Lan; tỷ lệ chữ đường trong mía của Việt Nam cũng khá thấp chỉ đạt khoảng 10% trong khi Thái Lan là 12,9%.

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu thị trường đường tại Thái Lan cho thấy ưu điểm là các chuỗi nhà máy đạt mức công suất rất lớn, lớn nhất phải kể đến hệ thống các nhà máy của Mitr Phol Group gồm 5 nhà máy với tổng công suất 130.500 tấn mía/ngày và Thai Roong Ruang Group gồm 7 nhà máy với tổng công suất 121.800 tấn mía/ngày.

Chính hình thức sở hữu này đã giúp tránh được tình trạng tranh giành nguyên liệu giữa các nhà máy cùng hệ thống, đồng thời đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô cao nhất.

Từ bài học của Thái Lan cho thấy, ngành mía đường Việt Nam bên cạnh việc tăng công suất nhà máy đường ở những vùng mía nguyên liệu, điều rất quan trọng là phải sắp xếp lại vùng nguyên liệu của các nhà máy thông qua biện pháp sáp nhập nhà máy.

Điều này có vẻ đang diễn ra khi hai đầu mối trong ngành mía đường của Tập đoàn TTC là CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và CTCP Đường Biên Hòa (BHS) đã được hợp nhất thành một. Sau khi sáp nhập, SBT sẽ trở thành công ty lớn nhất nắm trong tay 30% thị phần ngành đường trong nước với vùng nguyên liệu lên đến 40.000 ha, chiếm 16% diện tích cả nước; sản lượng mía 3,4 triệu tấn, chiếm 22% sản lượng của cả nước.

Với việc nắm 100% cổ phần của Đường Biên Hòa, SBT sẽ trực tiếp và gián tiếp sở hữu một loạt doanh mía đường lớn khác như Đường Biên Hòa – Ninh Hòa, TTC Gia Lai, Mía đường Phan Rang, Mía đường Tây Ninh (Tanisugar), Mía đường TTC Attapeu…

Ngay trước khi thương vụ sáp nhập diễn ra, SBT và BHS đã hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Mía đường HAGL với giá 1.330 tỷ đồng và đổi tên công ty này thành TTC Attapeu.

Theo đơn vị tư vấn sáp nhập là CTCK Bảo Việt (BVSC), lợi ích của Công ty mía đường sau khi sáp nhập đó chính là khi quy mô tăng gấp đôi, Công ty có thể thương lượng với các nhà cung cấp để giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, SBT có thể sử dụng chung kênh bán lẻ với BHS để giảm chi phí bán hàng, tăng hiệu quả lợi nhuận.

Đại diện SBT cho rằng, BHS có hệ thống bán lẻ rất tốt, thương hiệu mạnh, trong khi đó SBT hiện nay chỉ mới tập trung khâu sản xuất. Đó là 2 mảnh ghép có thể tạo thêm giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều trung gian sẽ được cắt giảm dẫn đến chi phí quản lý cũng sẽ giảm bớt.

sau khi sap nhap sbt va bhs nganh duong viet nam co du suc canh tranh voi duong thai Giờ 'G' hoán đổi thành cổ phiếu SBT sắp đến, NĐT sở hữu BHS nên chốt lời hay kiên trì nắm giữ?

Nếu nắm giữ đợi hoán đổi, NĐT sẽ bị chôn vốn đến tháng 10/2017 nhưng chênh lệch giá giữa hai cổ phiếu là khá lớn ...

sau khi sap nhap sbt va bhs nganh duong viet nam co du suc canh tranh voi duong thai Sau biến động nhân sự ứng cử vào Sacombank, cổ phiếu STB và SBT 'nổi sóng'

Trong phiên giao dịch ngày 6/6, cổ phiếu STB và SBT đã có phiên tăng kịch trần, khối lượng khớp lệnh tăng mạnh.

Duy Khánh