Giờ 'G' hoán đổi thành cổ phiếu SBT sắp đến, NĐT sở hữu BHS nên chốt lời hay kiên trì nắm giữ?
Thương vụ sáp nhập CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT) và CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) đang đi đến hồi kết khi SBT vừa công bố đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Đồng thời, Công ty cũng công bố bản cáo bạch phát hành thêm cùng ngày chốt danh sách cổ đông Đường Biên Hòa là 31/08/2017.
Cụ thể, SBT dự kiến phát hành thêm hơn 303,8 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần BHS của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (mã BHS - HOSE) theo tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1,02 (tại ngày chốt danh sách cổ đông, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu BHS sẽ nhận được 1,02 cổ phiếu SBT phát hành thêm).
Trong khi, BHS phải hủy niêm yết để thực hiện hoán đổi và chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai, 100% vốn thuộc SBT. Điều này nghĩa là nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu BHS sẽ đối mặt với việc cổ phiếu bị chôn vốn cho đến khi hoàn tất thủ tục phát hành, đăng ký niêm yết bổ sung thì mới được giao dịch trở lại. Theo như lộ trình mà SBT công bố trong bản cáo bạch niêm yết là kể từ thời điểm nhận được giấy chứng nhận đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi từ UBCKNN sẽ mất hơn 3 tháng để cổ phiếu phát hành thêm chính thức giao dịch trên HOSE.
Được biết, SBT nhận giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu để hoán đổi vào ngày 13/7. Theo lộ trình Công ty có 3 đến 5 ngày sau để công bố thông tin, quả thực ngày 17/7, SBT đã công bố bản cáo bạch phát hành thêm, giấy chứng nhận cùng thông tin phát hành. Khoảng thời gian tiếp theo là thực hiện hủy niêm yết BHS, chốt danh sách cổ đông hưởng quyền hoán đổi, thực hiện hoán đổi… Và phải đến hơn 3 tháng nữa, tức vào khoảng tháng 10 cổ phiếu BHS hoán đổi thành SBT mới chính thức được giao dịch trên HOSE.
Kể từ khi có thông tin SBT và BHS sáp nhập thì cổ phiếu hai đơn vị đã không ngừng tăng mạnh. Cụ thể, SBT đã tăng 60% từ mức giá 24.000 đồng lên 38.800 đồng trong vòng hơn 2 tháng qua, trong khi BHS tăng từ mức giá dưới 13.000 đồng thời điểm cuối tháng 4 và đến nay đã lên 25.900 đồng tính đến phiên ngày 17/7. Có thể nói, trước thương vụ sáp nhập này, nhà đầu tư sở hữu SBT và BHS đều đã nhận được khoản lợi nhuận rất lớn.
Do vậy, tính đến hiện tại nếu nhà đầu tư nào sở hữu BHS từ tháng 4 đến nay đã có một khoản lợi nhuận trên 100%. Song, mặc dù tỷ lệ sáp nhập là 1:1.02 nhưng giá trên thị trường của hai cổ phiếu này khá là chênh lệch với 25.900 đồng 1 cổ phiếu BHS và 38.800 đồng một cổ phiếu SBT.
Một lưu ý thêm, do đây là đợt phát hành cổ phiếu để hoán đổi nên giá cổ phiếu SBT sẽ không bị điều chỉnh tại ngày thực hiện hoán đổi.
Sau 2 tháng, nếu SBT vẫn duy trì được mức giá cũ, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu BHS sẽ có lợi nhuận thêm khoảng 50%, nhưng ngược lại, nếu thị trường đảo chiều giảm, cổ phiếu SBT trên sàn giảm theo thì nhà đầu tư nắm giữ BHS vẫn phải "đặt cược" vào biến động giá của SBT trong 2 tháng tới.
Sau sáp nhập, SBT đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.353 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 674 tỷ đồng niên độ 2017-2018. Chỉ tiêu kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai sau khi sáp nhập là doanh thu hợp nhất 4.688 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 323 tỷ đồng.
Cả hai đơn vị sáp nhập đều hoạt động kinh doanh có lãi và có vị thế trong ngành. Nếu hoàn thành được kế hoạch kinh doanh thì thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của Công ty sau sáp nhập sẽ là 1.122 đồng, tăng 8% so với trước đó.
Mặt khác, theo chia sẻ của đại diện CTCK Bảo Việt, đơn vị tư vấn cho thương vụ sáp nhập BHS vào SBT tại ĐHĐCĐ bất thường SBT, sau sáp nhập, SBT sẽ có vùng nguyên liệu lên đến 40.000 ha, chiếm 16% diện tích cả nước; sản lượng 3,4 triệu tấn, chiếm 22% sản lượng của cả nước; Công ty có 8 nhà máy, công suấp ép 30.000 tấn mía ngày, chiếm 20% công suất ép cả nước. Sản lượng 540.000 tấn. Về mặt thị trường, doanh thu thuần niên độ 2017 - 2018 ước đạt 8.353 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% thị phần Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng bình quân 6,6%/năm.
Lợi ích của Công ty sau khi sáp nhập đó chính là khi quy mô tăng gấp đôi, Công ty có thể thương lượng với các nhà cung cấp để giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, SBT có thể sử dụng chung kênh bán lẻ với BHS để giảm chi phí bán hàng, tăng hiệu quả lợi nhuận. Bởi, BHS có hệ thống bán lẻ rất tốt, thương hiệu mạnh, trong khi đó SBT hiện nay chỉ mới tập trung khâu sản xuất.