Samsung tiến sâu vào thị trường tài chính Việt Nam, sẽ sở hữu 10% Dragon Capital
Theo thông tin từ BusinessKorea, Samsung Securities sẽ sớm sở hữu 10% công ty quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam hiện nay - Dragon Capital. Công ty đầu tư tài chính thuộc Tập đoàn Samsung sẽ sớm có những bước tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam, thông qua việc sở hữu các quỹ trong nước, thay vì thành lập quỹ riêng, cách làm thông thường của các tổ chức nước ngoài.
Theo nhà chức trách tại Hàn Quốc, Samsung Securities sẽ tiến tới sở hữu Dragon Capital bằng cách góp vốn với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư đóng có trụ sở tại Hong Kong. Kế hoạch sở hữu Dragon Capital đã được hội đồng quản trị của Samsung Securities thông qua vào hôm 7/7. Kết hợp với Caldera Pacific, Samsung Securities sẽ cùng là cổ đông lớn thứ 2 của Dragon Capital, nâng tổng số cổ phần sở hữu dự kiến đạt 40%.
Trong mối quan hệ với Caldera, Samsung Securities sẽ chỉ đóng vai trò đối tác giới hạn: tham gia góp vốn nhưng không nhận cổ tức hay trực tiếp tham gia vào các quyết định tại Dragon Capital.
Dragon Capital hiện được coi là quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản khoảng 900 triệu USD. Việc sở hữu Dragon Capital có thể coi như bước đệm cho cả Caldera. Một lãnh đạo thuộc quỹ này cho hay, Caldera cũng sẽ mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam như mở văn phòng đại diện, thành lập công ty con hay tiếp tục đổ tiền vào các quỹ khác.
Về phần Samsung Securities, quỹ đầu tư này cũng chưa có một "đầu mối" nào tại Việt Nam, trừ quan hệ hợp tác chiến lược với Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HCM).
Tính tới hiện tại, có 5 công ty chứng khoán Hàn Quốc hiện đang có văn phòng đại diện hoặc công ty con tại Việt Nam: Mirae Asset Daewoo, NH Investment, Korea Investment Securities, Golden Bridge và Shinhan Financial Investment.
Trong đó, Korea Investment Securities đã gia tăng sở hữu lên tới 98,2% tại KIS Vietnam sau khi chính thức vận hành. Còn NH Investment thì thành lập văn phòng tại TP HCM vào năm 2007 để rồi chính thức "xâm chiếm" thị trường Việt Nam bằng hành động tăng sở hữu tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Woori CBV lên 49% vào năm 2009. Hiện tại, NH Investment đang đàm phán để sở hữu 100% CBV.
Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang lớn mạnh tới nỗi các quan chức quản lý hoạt động đầu tư tại nước này đang bày tỏ quan ngại về rủi ro từ hải ngoại của các công ty Hàn Quốc. Trong năm 2016, các công ty môi giới chứng khoán Hàn Quốc đã ghi nhận khoản lỗ ròng 4,5 triệu USD từ các chi nhánh nước ngoài do các vấn đề liên quan tới chi phí quản lý cũng như định giá.
Trong những năm tới, các công ty chứng khoán lớn của Hàn Quốc định hướng sẽ rót tiền vào Việt Nam với nhiều hoạt động như ngân hàng đầu tư, hoạt động quản lý quỹ, thay vì định hướng tập trung môi giới như trước đây.
Các quỹ thuộc Dragon Capital vừa chuyển nhượng 350.000 cổ phiếu FPT cho quỹ ngoại khác Ngày chuyển quyền sở hữu là ngày 6/9. Theo thị giá ngày 5/9 của cổ phiếu FPT (48.500 đồng/cp), ước tính giá trị chuyển nhượng ... |
Sướng, khổ với euro Sự tăng giá của đồng euro trên thị trường tài chính thế giới đã đảo lộn dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế rằng ... |
Thông mạch chuyển tiền giữa Việt Nam và Hàn Quốc Hợp tác giữa NAPAS và BC Card - Hàn Quốc sẽ thúc đẩy kết nối mạng lưới thanh toán thẻ nội địa giữa hai bên ... |