|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sacombank chuyển sàn niêm yết: Được và mất

13:00 | 12/10/2017
Chia sẻ
Quyết định đổi mã chứng khoán và đặc biệt là chuyển sàn niêm yết từ HOSE sang HNX của Sacombank đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với nhà đầu tư. Liệu đây có phải một chiến lược tìm lại giá trị gốc của cổ phiếu Sacombank để bắt đầu một bước chuyển mình mới.
sacombank chuyen san niem yet duoc va mat
Sacombank chuyển sàn niêm yết: Được và mất gì? (Ảnh minh hoạ)

Việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lên kế hoạch thay đổi mã chứng khoán STB thành SCM và chuyển sàn từ HOSE về HNX đang là câu chuyện được giới đầu tư chứng khoán và giới ngân hàng xôn xao trong những ngày gần đây.

Nhiều dấu chấm hỏi được đặt ra về nguyên nhân quyết định thay đổi này của tân chủ tịch Dương Công Minh. Phần lớn ý kiến cho rằng đây là một quyết định vội vã và sẽ ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu Sacombank, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông.

Điểm bất lợi khi chuyển sàn từ HOSE sang HNX

Quá trình chuyển niêm yết từ sàn HOSE sang HNX có thể được xem là một bước lùi khi niêm yết cổ phiếu của Sacombank. Trên thực tế, HOSE vẫn có ưu thế hơn trong thị trường cổ phiếu do có tính minh bạch hơn, còn HNX mạnh về trái phiếu.

Thông thường các doanh nghiệp thường lựa chọn “nâng hạng” từ UPCoM lên HNX hay từ HNX lên HOSE để nâng cao vị thế, tạo uy tín và cơ hội đầu tư, thu hút vốn. Việc niêm yết trên HOSE sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Cụ thể như các công ty VND, VIX, FIT, NT2, SCR…đều có nhu cầu chuyển lên HOSE sau một thời gian giao dịch trên UPCoM và HNX.

Nếu việc chuyển sàn diễn ra thì cổ phiếu STB sẽ không còn đủ điều kiện nằm trong danh mục của quỹ FTSE ETF (hiện đang chiếm khoảng 3,08% trong danh mục), do đó việc các quỹ này thoái vốn tại Sacombank là điều sẽ xảy ra. Quá trình FTSE ETF thoái vốn có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Minh chứng rõ nhất là diễn biến giảm giá mạnh xuống mức sàn của STB trong phiên ngày 11/10, một ngày sau khi thông tin được công bố. Khối ngoại bán ròng 8,1 tỷ đồng, lớn nhất trong vòng gần 1 tháng qua.

sacombank chuyen san niem yet duoc va mat Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 2 sàn, bắt đầu bán mạnh STB

Sacombank được lợi gì?

Cái mất thì rất dễ nhận thấy nhưng liệu Sacombank được gì khi quyết định như vậy?

Trao đổi với chúng tôi, Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết việc thay mã chứng khoán là bước khởi đầu cho quá trình thay đổi thương hiệu và bộ nhận diện của Sacombank trong thời gian tới. Về mã chứng khoán STB một phần là do mang ý nghĩa "sao thái bạch" là một sao xấu theo phong thuỷ. Ông nhấn mạnh muốn thay đổi triệt để để làm mới mình.

Nhiều nhận định cho rằng thay đổi này của Sacombank nhằm rũ bỏ toàn bộ "cái cũ" để tạo một bộ mặt mới, thoát hoàn toàn khỏi cái bóng thời ông Đặng Văn Thành và Trầm Bê.

Một chuyên gia phân tích chứng khoán cho biết ông Dương Công Minh là người có kinh nghiệm lâu năm, quyết định này của ông Minh ngoài bề nổi bên ngoài có lẽ còn nhiều hàm ý khác mà hiện tại chưa được Sacombank công bố chính thức và phải chờ giải đáp trong thời gian tới.

Sacombank cơ bản là một ngân hàng tốt, vấn đề là ở việc xử lý nợ xấu. Việc cổ phiếu giảm giá ít nhất trong ngắn hạn lại có thể là cơ hội cho một số nhà đầu tư tăng tỷ lệ sở hữu. Đặc biệt ảnh hưởng đến quyền kiểm soát ngân hàng của nhóm cổ đông lớn.

Hiện ông Minh và các cổ đông có liên quan hiện đang sở hữu xấp xỉ 20% vốn cổ phần của Sacombank, dự kiến trong thời gian tới cá nhân ông cũng muốn tăng sở hữu của mình lên.

Vị chủ tịch này cũng từng cho biết, việc chuyển sàn và thay đổi mã chứng khoán chỉ là làm mới bộ mặt của Sacombank, bản chất của ngân hàng vẫn không thay đổi. Niêm yết trên HNX thay vì HOSE cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhà đầu tư do hai sàn này trong thời gian tới sẽ sáp nhập với nhau, dù niêm yết ở đâu thì nhà đầu tư vẫn có thể thực hiện giao dịch như bình thường.

Ông cho biết thêm, nếu kế hoạch được thông qua dự kiến sẽ mất khoảng hơn một tháng để hoàn thành xong các thủ tục, ước khoảng đầu tháng 12 Sacombank có thể hoàn thành tất cả thủ tục để đổi sàn và chuyển mã. Trong quá trình này sẽ ngưng giao dịch trong vài ngày nên các nhà đầu tư không phải lo lắng.

Ông Minh được xem là một kỳ vọng lớn đối với các cổ đông của Sacombank trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng sau nhiều biến cố liên quan đến Trầm Bê. Bắt đầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Sacombank từ 30/6/2017, ông Minh đã đưa chiến lược con người vào ngân hàng với quyết định thưởng và tăng lương cho nhân viên ngay sau khi nhậm chức. Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, các cổ đông mong đợi khả năng xử lý triệt để nợ xấu của Sacombank thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2017 với lợi nhuận sau thuế của Sacombank đạt gần 464 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt hơn 2,5 tỷ đồng. Chủ tịch Sacombank cho biết dự kiến lợi nhuận trước thuế của cả năm ước đạt 1.200 tỷ, vượt trên 100% kế hoạch năm.

Tính đến hết tháng 9, Sacombank đã thu hồi được khoảng 7.000 tỷ đồng nợ xấu trong 20.000 tỷ kế hoạch đề ra. Cái bắt tay với VAMC mới đây cho thấy nỗ lực của Sacombank trong việc xử lý một khối lượng nợ xấu không hề nhỏ cho 3 tháng còn lại của năm 2017.

sacombank chuyen san niem yet duoc va mat Sacombank thay đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM, hàm ý 'Sacombank - Công khai - Minh bạch'

Lãnh đạo Sacombank cho biết đây là bước đầu trong quá trình thay đổi bộ nhận diện ngân hàng dự kiến chính thức được thực ...

Diệp Bình

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.