Phó chủ tịch Microsoft toàn cầu: AI sẽ định nghĩa lại 50% các công việc
AI sẽ phục vụ hay thay thế con người trong tương lai? - Ảnh: MICROSOFT
Trong bài viết chia sẻ của mình, Ralph Haupter, cho rằng trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội đổi mới và phát triển, mặt khác, cũng là chìa khóa giải quyết nhiều vấn nạn xã hội như: bệnh tật, nạn đói, biến đổi thời tiết và thiên tai.
AI hiện tại đã mang lại rất nhiều những lợi ích kinh tế hữu hình cho rất nhiều tổ chức khắp Châu Á Thái Bình Dương. AI đã giúp OOCL, công ty vận tải hàng đầu thế giới tiết kiệm hơn 10 triệu đô mỗi năm. Công nghệ này cũng hỗ trợ bệnh viện Apollo ở Ấn Độ chẩn đoán những bệnh án tim mạch chuẩn xác hơn…
Theo vị lãnh đạo này, trong 250 năm qua, những thay đổi của công nghệ luôn tạo ra việc làm mới, thay đổi một số cách con người làm việc, đồng thời cũng sẽ thay thế một số công việc nhất định. “Trước đây, trong văn phòng của tôi luôn có một nhóm người đánh máy, làm công việc ghi chép lại những trao đổi, thảo luận trong các cuộc họp. Giờ đây, nghề đánh máy này đã không còn cần thiết khi ai cũng sở hữu một máy tính cá nhân. Tương tự, AI cũng sẽ thay đổi bức tranh nghề nghiệp một cách tương tự”, Ralph Haupter chia sẻ.
Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi IDC và Microsoft mang tên “Giải mã những ảnh hưởng kinh tế của chuyển đổi số tại Châu Á Thái Bình Dương” đã cho thấy 85% công việc tại khu vực này sẽ thay đổi trong vòng 3 năm tới.
Theo kết quả nghiên cứu, 50% các công việc sẽ được định nghĩa lại thành một vị trí mới, và/hoặc đòi hỏi đào tạo lại để phù hợp hơn với những đòi hỏi chuyển đổi số. Một điều đáng chú ý đó là chuyển đổi số sẽ tạo ra 26% các công việc hoàn toàn mới, và gần như tương đương với 27% những công việc sẽ bị mất đi hoặc tự động hóa.
Nó sẽ khiến cách tổ chức của doanh nghiệp sẽ thay đổi, cách con người tìm kiếm việc làm cũng sẽ thay đổi và những kỹ năng cần thiết để làm việc trong kỷ nguyên số cũng sẽ thay đổi. Những thay đổi này sẽ trở nên ngày càng rõ rệt hơn trong vòng một thập kỷ tới.
Từ đó, Ralph Haupter đưa ra đề xuất: “Để đón đầu những thay đổi này, chúng ta cần suy nghĩ lại về phương thức giáo dục và đào tạo, nhằm trang bị sẵn sàng những hành trang cần thiết cho các công việc của tương lai. Những khuôn khổ pháp lý cũng nên được hiện đại hóa hơn, mở cửa cho những cách làm việc mới, vừa bảo vệ người lao động, đồng thời đảm bảo chuẩn mực xã hội”.