Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: ngăn chặn lách luật
Kẽ hở ấy nằm ở khái niệm phát hành trái phiếu riêng lẻ được quy định trong Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. |
Theo đó, phát hành trái phiếu riêng lẻ được hiểu là phát hành trái phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet; sau khi phát hành, việc giao dịch và nắm giữ trái phiếu trên thị trường thứ cấp không bị giới hạn. Các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư (bản chất là phát hành ra công chúng) nhưng dưới hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Số ít nhà đầu tư tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được hình dung là những tổ chức/cá nhân có nguồn lực, có kiến thức chuyên môn sâu về thị trường tài chính, hiểu và biết cách nhận diện, quản lý rủi ro như các quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp... Vì vậy, khung pháp lý cho hoạt động này (được quy định trong Nghị định 90/2011/NĐ-CP ) khá thoáng và chủ yếu là để cho thị trường tự điều tiết. Cụ thể, khi phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp không cần phải cung cấp bản cáo bạch, sau khi hoàn tất việc phát hành thì cũng không cần công bố thông tin về tình hình hoạt động, tình hình tài chính và tiến độ sử dụng vốn. Trong khi đó, Luật Chứng khoán quy định khi phát hành trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cần cung cấp bản cáo bạch, đồng thời sau đó doanh nghiệp có nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ hàng quí và khi có sự kiện bất thường. Những quy định này trong phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng là nhằm bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thế nhưng, nhiều năm qua, trái phiếu doanh nghiệp từ các đợt phát hành riêng lẻ đã được “phù phép” để chuyển quyền sở hữu cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cụ thể, ban đầu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho một vài nhà đầu tư để tránh các quy định khắt khe của việc phát hành trái phiếu ra công chúng. Sau đó, số trái phiếu này sẽ được phân thành những lô nhỏ và bán lại cho các khách hàng mới. Điều đáng nói là các nhà đầu tư cá nhân thường sẽ không được tiếp cận các tài liệu liên quan đến doanh nghiệp (thực ra doanh nghiệp cũng không cần công bố chi tiết). Họ mua trái phiếu chủ yếu do lãi suất hấp dẫn và tin vào đơn vị tư vấn, phân phối (là các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại). Để tăng tính hấp dẫn của trái phiếu, bộ ba doanh nghiệp - công ty chứng khoán - ngân hàng thương mại còn cam kết mua lại trái phiếu khi nhà đầu tư muốn chuyển nhượng, thậm chí là niêm yết trái phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán để tăng tính thanh khoản. Số lượng nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tại thời điểm niêm yết thường lên đến vài trăm, thậm chí vài ngàn chứ không phải dưới 100 nhà đầu tư như khi phát hành riêng lẻ.
Với kiểu đi đường vòng này, đơn vị tư vấn và doanh nghiệp phát hành trái phiếu ít chịu những ràng buộc khắt khe về minh bạch thông tin, điều kiện phát hành so với khi phát hành trái phiếu ra đại chúng, trong khi bản chất vẫn là huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư cá nhân.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, họ có thêm cơ hội đầu tư lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn hơn do thiếu những thông tin mà đáng ra những người không chuyên như họ phải được nhận khi tham gia vào thị trường này.
Giải pháp của nhà điều hành và các kịch bản ứng phó của doanh nghiệp
Trong quá trình tổng kết thực tiễn, cơ quan quản lý đã nhận diện được tình trạng lách luật để bán trái phiếu của những đợt phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân. Do đó, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1-2-2019) đã quy định cụ thể về việc giao dịch, nắm giữ trái phiếu sau phát hành. Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành (trừ trường hợp theo quyết định của tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật). Sau thời gian trên, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư (trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác).
Quy định này sẽ trả các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ về đúng với bản chất của nó, đồng thời chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường phát hành trái phiếu sơ cấp. Nếu muốn huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp buộc phải phát hành trái phiếu ra công chúng với các ràng buộc khắt khe về công bố thông tin, điều kiện phát hành. Điều này thoạt nhiên sẽ loại bỏ những doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu phát hành trái phiếu ra công chúng. Đối với các doanh nghiệp có thể đáp ứng được các yêu cầu phát hành trái phiếu ra công chúng, thời gian, chi phí và công sức bỏ ra có thể nhiều hơn so với cách làm trước đây (phát hành riêng lẻ sau đó phân phối lại). Tuy nhiên, quy định này sẽ giúp thị trường minh bạch hơn và quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân sẽ được đảm bảo tốt hơn.
Còn một cách khác để doanh nghiệp điều chỉnh hành vi phát hành trái phiếu của mình là chia nhỏ các đợt phát hành riêng lẻ và quy định giao dịch thứ cấp theo lô tối thiểu. Giả sử doanh nghiệp muốn huy động 100 tỉ đồng, họ có thể chia thành năm lần phát hành trái phiếu riêng lẻ khác nhau (mỗi lần 20 tỉ đồng), đồng thời sau khi phát hành riêng lẻ, đơn vị phân phối vẫn bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp như cách làm cũ nhưng quy định các giao dịch thứ cấp phải được đóng gói theo lô 250 triệu đồng. Theo cách làm này, số nhà đầu tư tối đa cho mỗi lần phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ là 80 nhà đầu tư, vẫn đáp ứng quy định hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư. Tuy nhiên cách làm này tương đối phức tạp và không phù hợp nếu số tiền cần huy động lớn.