|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Phần 1] Doanh nghiệp châu Á ứng phó với biến đổi khí hậu: Những thiệt hại nặng nề

06:11 | 21/12/2018
Chia sẻ
Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với hoạt động tài chính cho đến hoạt động sản xuất của các công ty khu vực Châu Á
 
phan 1 doanh nghiep chau a da san sang ung pho voi bien doi khi hau nhung thiet hai nang ne Các nhà đầu tư quản lý tài sản trị giá 32 nghìn tỉ USD kêu gọi hành động về biến đổi khí hậu

Châu Á đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2018 bởi một loạt các sự kiện thời tiết cực đoan như lũ lụt và bão, và triển vọng cho những thập kỷ tới sẽ kém khả quan với nhiệt độ tăng cao sẽ gây ra nhiều trường hợp ngập lụt nghiêm trọng hơn.

Trong khi nhiều chính phủ đang thực hiện các bước để giảm biến đổi khí hậu do phát thải, các thỏa thuận đạt được hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP24 gần đây ở Ba Lan nhiều khả năng sẽ không ngăn chặn được tình trạng nóng lên của trái đất.

Điều này đặt trách nhiệm vào tay các công ty hoạt động sản xuất tại các khu vực chịu ảnh hưởng để bảo vệ bản thân trước các mối đe dọa môi trường. Trước đó, đã có rất nhiều ví dụ về hậu quả của việc không hành động.

Trận lụt năm 2011 ở Thái Lan được coi là thảm họa tồi tệ nhất ở quốc gia Đông Nam Á này trong 5 thập kỷ gần đây, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu và các chuỗi sản xuất, từ linh kiện xe hơi đến chất bán dẫn. Ngân hàng Thế giới ước tính thảm họa này đã gây thiệt hại 46 tỉ USD, các khoản thanh toán bảo hiểm được xếp hạng trong top 10 mức đền bù hàng đầu mọi thời đại trên toàn cầu.

Trong khi Toyota Motor - với 8% sản lượng sản xuất toàn cầu tại Thái Lan – đã chứng kiến ​​hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do thiên tai tại ba nhà máy tại Thái Lan và một tại Nhật Bản, một đối thủ khác của họ thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Honda Motor đã buộc phải bỏ ra ngoài hoạt động tại Thái Lan trong dự báo thu nhập trong năm nay, vốn chiếm 4,6% sản lượng toàn cầu của Honda. Trong nhiều tháng, trên 1.000 phương tiện xe cộ bị ngập nước do không được di chuyển kịp thời. Chưa kể, Honda cũng phải ngừng sản xuất một nhà máy tại Malaysia.

"Các sản phẩm ô tô tại cơ sở sản xuất chìm trong nước," Tomohiro Okada, phát ngôn viên của hãng xe Nhật Bản cho biết khi ông khảo sát nhà máy ngập nước của công ty ở Ayutthaya, gần Bangkok. Không nơi nào trên thế giới dễ bị tổn thương hơn châu Á do mối đe dọa từ ngập lụt, xuất phát từ biến đổi khí hậu.

"Theo dự đoán, Nam Á và Đông Nam Á là những khu vực sẽ chịu tác động lớn nhất từ ​​mực nước biển dâng lên toàn cầu - do tác động của lũ lụt và ngập lụt", Lisa Guppy, điều phối viên châu Á và Thái Bình Dương về thảm họa, xung đột và các vấn đề nhân đạo với Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, nói với Nikkei Asian Review.

"Nỗ lực từ phía các doanh nghiệp chắc chắn là không đủ" theo Guppy, bà cũng lưu ý rằng nhiều công ty không chỉ thất bại trong việc bảo vệ tài sản của họ, mà còn làm trầm trọng thêm các vấn đề thông qua phát thải bừa bãi hoặc khai thác tài nguyên quá mức, gây ảnh hưởng lên mạch nước ngầm và các tài nguyên khác.

phan 1 doanh nghiep chau a da san sang ung pho voi bien doi khi hau nhung thiet hai nang ne

Một bức ảnh được chụp từ trên cao tại một nhà máy ô tô Honda bị ngập lụt ở tỉnh Ayutthaya vào ngày 10 tháng 10 năm 2011. Gần 200 nhà máy đã đóng cửa ở tỉnh Ayutthaya miền trung Thái Lan vì ngập lụt. Ảnh: Reuters

Sau thảm họa năm 2011, Honda đã yêu cầu các chuyên gia tư vấn quốc tế từ PwC tư vấn và soạn thảo một kế hoạch kinh doanh có thể triển khai liên tục, bất chấp những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đây là một động thái bất thường.

Theo một cuộc khảo sát năm nay của Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo, chỉ có 27% trong số hơn 1.000 công ty Nhật Bản được khảo sát đã xây dựng kế hoạch kinh doanh có phương án ứng phó với biến đối khí hậu. Gần 80% trong số đó không có biện pháp nào được vạch ra ứng phó với lũ lụt.

Một trong số các công ty đã thực hiện kế hoạch ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, công ty Cao su Yokohama đã đa dạng hóa các nhà cung cấp và lưu kho theo địa lý để giảm thiểu thiệt hại. Trước trận động đất và sóng thần năm 2011 ở phía đông bắc Nhật Bản, nhà sản xuất lốp xe đã thực hiện thu mua từ nhiều nhà cung cấp để giảm chi phí.

Cho đến hiện nay, phương thức này còn được xem một cách thức để phòng chống tác động từ thiên tai. Sony cũng chọn nhà cung cấp ở nhiều địa điểm khác nhau và đã thực hiện các biện pháp khác, bao gồm mua bảo hiểm và đưa ra các kế hoạch giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai.

Trong khi một vài công ty lớn ở châu Á có kế hoạch dự phòng, nhiều công ty khác dường như đang chờ đợi hành động từ phía chính phủ. Theo một khảo sát năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khoảng 90% doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đặc biệt có nguy cơ bị lũ lụt, đã không hề có sự chuẩn bị để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mặc dù nhiều báo cáo thiệt hại từ việc thay đổi mô hình thời tiết, các doanh nghiệp vẫn trông chờ vào chính sách điều hành từ phía chính phủ.

Theo trao đổi giữa Nikkei Asian Review và các nhà quản lý của ba khu công nghiệp ở miền Nam Việt Nam, tất cả đều xác nhận rằng họ không chủ động chuẩn bị cho các tác động của biến đổi khí hậu, và coi đó là trách nhiệm của chính quyền. Một khảo sát năm 2017 của nhóm Nghiên cứu và phân tích thị trường Việt Nam cho các ngành công nghiệp, quốc gia và người tiêu dùng, cho thấy một nửa số doanh nghiệp phản hồi rằng không quan tâm đến tác động của biến đổi khí hậu.

phan 1 doanh nghiep chau a da san sang ung pho voi bien doi khi hau nhung thiet hai nang ne
Ảnh miêu tả các nước chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (Nguồn: Asian Development Bank)

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực tái bảo hiểm, chuyên cung cấp dịch vụ cho công ty bảo hiểm là những người cảm nhận rõ ràng nhất tác động của đợt lũ lụt vừa qua tại Thái Lan. “Công ty tái bảo hiểm đã không lường trước được khoản lỗ nặng nề như vậy từ thị trường này,” một nhà phân tích ngành bảo hiểm chia sẻ. “Điều này xảy ra do ảnh hưởng của lũ lụt đối với các bất động sản khu công nghiệp bên ngoài Bangkok, tất nhiên đã được bảo hiểm trên thị trường thương mại”.

“Sau lũ lụt, các công ty bảo hiểm Thái Lan gần như không thể nhận được bất cứ khoản tái bảo hiểm nào cho thiệt hại do lũ lụt", theo Tim Hollinrake, chuyên gia thẩm định thiệt hại của McLarens tại Thái Lan vào thời điểm đó. "Thay vì loại trừ rủi ro lũ lụt (vì không muốn bị mang tiếng loại trừ một mối nguy hiểm lớn như vậy), các công ty bảo hiểm đưa ra các hạn mức thực sự vô lý, ví dụ: 100.000 baht (3.000 USD) đối với thiệt hại của một nhà máy lớn."

Rủi ro ngập lụt diện rộng dường như đang có xu hướng gia tăng khắp khu vực Châu Á. Vào tháng 8, bang Kerala miền nam Ấn Độ đã trải qua trận lụt tồi tệ nhất trong một thế kỷ, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và 1,3 triệu người phải dời bỏ nhà cửa. Một thảm họa liên quan đến gió mùa thậm chí còn tồi tệ hơn vào tháng 6 năm 2013 đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người ở bang Uttarakhand miền bắc Ấn Độ. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, từ năm 1998 đến 2017, thiên tai đã gây thiệt hại cho Ấn Độ 80 tỉ USD.

Ở Kerala, tác động đối với hoạt động sản xuất của công ty chỉ là tạm thời, nhưng lũ lụt đã ảnh hưởng đến mức tiêu thụ của người dân, từ đó làm tổn hại đến lợi nhuận. Doanh số bán xe của Maruti Suzuki Ấn Độ đã giảm 3,4% trong tháng 8 và các nhà sản xuất ô tô khác như Hyundai Motor cũng bị ảnh hưởng. Kerala chiếm khoảng 85% sản lượng cao su của Ấn Độ và các công ty như Apollo Tyres, CEAT, MRF và JK Tyres phải tạm thời ngừng sản xuất. Yêu cầu bảo hiểm tăng vọt lên khoảng 25 tỷ rupee (350 triệu USD).

Thời tiết đã đặc biệt bất thường ở châu Á trong năm nay. Một tháng trước thảm họa Kerala, Nhật Bản đã trải qua trận lụt kinh hoàng nhất kể từ năm 1982, với những cơn mưa xối xả gây ra lũ lụt và sạt lở đất ở miền trung và miền tây của nước này. Hơn 230 người chết và gần 3 triệu người đã được sơ tán. Các công ty bao gồm Mazda Motor, Toyota, Mitsubishi Heavy Industries và Panasonic đều buộc phải đóng cửa dây chuyền sản xuất.

phan 1 doanh nghiep chau a da san sang ung pho voi bien doi khi hau nhung thiet hai nang ne
Nhân viên quân đội Ấn Độ sơ tán người dân trong khu dân cư tại Aluva thuộc quận Ernakulam thuộc bang Kerala của Ấn Độ, vào ngày 17 tháng 8. Ảnh: AFP

Những đợt mưa lớn bất thường khiến các con đập có chất lượng xây dựng kém ở miền trung Myanmar và miền nam Lào bị vỡ vào giữa năm.

Vào giữa tháng 9, miền bắc Philippines đã gánh chịu siêu bão Mangkhut, một siêu bão cấp 5 giết chết khoảng 130 người và gây thiệt hại hơn 600 triệu USD. Mangkhut tiếp tục là cơn bão gây thiệt hại nghiêm trọng nhất của Hong Kong kể từ năm 1983. Nhưng thậm chí đó chỉ là phần nhỏ trong tổng giá trị thiệt hại lên tới 2,2 tỷ USD do siêu bão Haiyan gây ra, một trong những cơn bão nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận, đã giết chết hơn 6.300 người, chỉ tính riêng ở Philippines vào cuối năm 2013.

Xem thêm

Minh Trí Việt