Ông Đinh La Thăng bị VKS đề nghị phạt 18-19 năm tù
Ông Đinh La Thăng: 'Ai ký ngừng thoái vốn thì phải chịu trách nhiệm' | |
Bị cáo Đinh La Thăng: Oceanbank như một cô gái đẹp chưa chồng, không thể để lọt vào tay người khác |
Sáng 22/3, sau ba ngày khai mạc, VKSND Hà Nội đã nêu đề nghị mức án với bảy bị cáo.
Ở tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999), ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN) bị đề nghị mức hình phạt 18-19 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN) 30-36 tháng, Ninh Văn Quỳnh (cựu phó tổng giám đốc PVN) 7-8 năm, Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 24-30 tháng, Nguyễn Thanh Liêm (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 24-30 tháng cải tạo không giam giữ, Vũ Khánh Trường (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 7-8 năm, Phan Đình Đức (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 24-30 tháng cải tạo không giam giữ. Các bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm sau khi áp dụng hình phạt chính.
Ở tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999), ông Quỳnh bị đề nghị mức án 17-18 năm.
Bị cáo Đinh La Thăng |
Theo cáo trạng, giữa tháng 9/2008, Chủ tịch PVN khi đó là ông Đinh La Thăng đã gặp ông Hà Văn Thắm và quyết định đổ 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank.
Dù cấp dưới báo cáo tình trạng của Oceanbank khi đó là ngân hàng nhỏ, khả năng thanh khoản thấp, đứng trước khó khăn trong huy động vốn, có nguy cơ lỗ, tiềm lực tài chính thấp…, song ông Thăng không tổ chức cuộc họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT mà ký thỏa thuận góp vốn ngay.
800 tỷ đồng được PVN góp vào Oceanbank ba lần. Ở từng lần góp, ông Đinh La Thăng cùng các thuộc cấp đều bị cáo buộc có sai phạm.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, trong khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc góp vốn vào Oceanbank, ngày 1/10/2008 ông Đinh La Thăng ký Nghị quyết thống nhất chủ trương tham gia góp vốn.
Cuối năm 2008, Bộ Tài chính có công văn gửi PVN "nhắc nhở" báo cáo rõ tình hình của Oceanbank trước khi góp vốn để tránh rủi ro, song tập đoàn này không thực hiện. Hai năm sau, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi PVN trong đó truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng "nhắc nhở" PVN cân đối vốn, nếu khó khăn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn của Oceanbank, song ông Thăng cùng các lãnh đạo khác của PVN vẫn đồng ý tăng vốn góp ở Oceanbank. Vốn của PVN ở Ngân hàng Đại Dương lúc này đã là 700 tỷ đồng.
Giữa năm 2011, Chủ tịch HĐQT Oceanbank khi đó vẫn là ông Hà Văn Thắm lại đề nghị tăng vốn điều lệ của ngân hàng này và đòi PVN tiếp tục hỗ trợ tăng vốn góp. Lần thứ ba, PVN góp 100 tỷ, nâng tổng vốn tại Oceanbank thành 800 tỷ, chiếm 20%.
Tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã có hiệu lực) quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...”.
Tới giữa năm 2015, khi Oceanbank làm ăn thua lỗ đã bị Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Hàng loạt lãnh đạo, nhân viên ngân hàng này vướng lao lý, PVN bị mất số vốn 800 tỷ.
Trong ba ngày xét hỏi vừa qua, ông Thăng luôn khẳng định việc mua cổ phần Oceanbank là thực hiện đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Oceanbank là đối tác phù hợp nhất với tập đoàn dầu khí ở thời điểm đó. Ông Thăng ví von việc góp vốn của PVN "như gả chồng cho một cô gái xinh đẹp".
Trong ba lần PVN "đổ" vốn vào Oceanbank, ông Thăng khai hai lần đầu góp 400 tỷ và 300 tỷ là đúng quy định, có sự thống nhất, bàn bạc của HĐQT. Riêng lần thứ ba, việc tăng vốn góp thêm 100 tỷ khiến cổ phần PVN tại Oceanbank vượt mức cho phép lại rơi vào đúng thời điểm ông đi công tác nên không hay biết. Vì vậy ông chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông cũng không thừa nhận trách nhiệm việc gây ra thiệt hại 800 tỷ. Suốt ba ngày qua, ông Thăng luôn nói việc góp vốn đã mang lại khoản lãi vài trăm tỷ ở thời kỳ ông còn lãnh đạo PVN.
Sau này, khi Oceanbank bị mua 0 đồng khiến PVN bị mất 800 tỷ thì ông đã không còn trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn nữa. Ông Thăng cho rằng việc Oceanbank bị mua 0 đồng khiến PVN bị mất tiền không liên quan gì tới việc góp vốn. Ông còn nói ‘ai ký ngừng thoái vốn, người đó phải chịu trách nhiệm về việc PVN mất 800 tỷ’.
Ông cùng người làm chứng Hà Văn Thắm liên tục khẳng định trước tòa việc Oceanbank bị mua 0 đồng là không đúng.
Các thuộc cấp của ông này cũng đều cho rằng đã làm đúng chức trách theo chỉ đạo của cấp trên, không cố ý làm trái. Riêng với lần góp vốn thứ ba khiến vốn vượt ngưỡng cổ phần cho phép, các bị cáo đều cho rằng bản thân không biết hoặc chưa cập nhật quy định mới của pháp luật.
Về việc đưa – nhận tiền "chăm sóc" giữa ông Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Sơn (khi này được điều chuyển từ PVN sang làm tổng giám đốc Oceanbank) cũng gây tranh cãi khi một bên nói chỉ nhận 20 tỷ, bên còn lại khẳng định đã đưa tới 180 tỷ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/