Nỗ lực nhằm thay đổi chất lượng cổ phần hóa
Bán cổ phần nhà nước vẫn nhỏ giọt? | |
Euromoney: 'Con hổ' kinh tế Việt Nam đẩy mạnh tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước |
CPH DNNN vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục được khắc phục bằng việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật. Ảnh: ST. |
Không bán tháo để chạy tiến độ
Theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2018 sẽ có 64 DN CPH. Trong đó có một số tổng công ty có giá trị vốn rất lớn như: Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1, 2; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội. Năm 2017 mới chỉ CPH được 21/44 DN theo kế hoạch năm. Như vậy, số lượng DN buộc phải chuyển sang thực hiện CPH năm 2018 khoảng 25 DN.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, nhìn về số lượng thì công tác CPH thời gian qua không đảm bảo, nhưng về chất lượng thì những DN CPH tới đây là những DN có quy mô vốn rất lớn. Điều đó cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ, và quy mô lớn như thế phải có chuẩn bị rất kỹ.
Đồng thời, vị đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ không có chuyện bán tống bán tháo do áp lực CPH, vì trong trường hợp cần thiết, cơ quan Nhà nước sẽ yêu cầu cơ quan Kiểm toán vào làm việc, kiểm toán lại công tác định giá. Nếu sai sẽ bị rút giấy phép.
“Chính phủ không chủ trương CPH bằng mọi giá. Ta thà làm ít mà tốt còn hơn. Tất nhiên khối lượng đưa ra thì ai cũng mong muốn đạt được. Nhưng lộ trình năm 2019, 2020 có rất ít DN CPH, do đó chúng ta không phải CPH hết. Nhưng không phải vì thế mà không quyết liệt CPH. Cái chính là quyết liệt rồi, làm hết cách rồi, nhưng có lý do bất khả kháng đành phải chấp nhận…” – ông Tiến cho biết.
Mới đây, trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Thường trực Chính phủ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp và CPH DNNN giai đoạn 2011-2016”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, CPH DNNN vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục được khắc phục bằng việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN cầm chừng, hiệu suất sử dụng vốn chưa cao do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới trong giai đoạn 2011-2013. Từ giai đoạn 2014-2015, DNNN hoạt động hiệu quả hơn, nhưng tới 31/12/2016 vẫn còn DNNN kinh doanh thua lỗ…
Đánh giá về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước và CPH hóa DNNN thời gian qua, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều bất cập như: Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn của DNNN còn cao, nhiều khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả. Nguyên nhân là kiểm soát nội bộ yếu và kiểm soát từ bên ngoài còn chưa theo kịp yêu cầu. Số lượng DNNN CPH cao nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước bán ra lại thấp, xác định giá trị DN còn nhiều bất cập...
Để hạn chế “gam màu xám” trong CPH, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) nêu quan điểm, thời gian qua ta đã có kinh nghiệm tốt hơn trong CPH DN, thoái vốn như thương vụ Sabeco lên sàn hiệu quả; bối cảnh kinh tế có những chuyển động tích cực, thị trường chứng khoán có những thuận lợi… Tuy nhiên, việc quản lý vốn Nhà nước còn gặp khó khăn do tư duy và do cả quá trình lịch sử, theo đó việc định giá tài sản DN không phải lúc nào cũng trơn tru.
Vai trò của người đứng đầu
Nói về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Phải lựa chọn những người dám nhận trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm, dám nhận hậu quả nếu anh quản lý không tốt. Và khi đó thực sự chúng ta sẽ lựa chọn được những nhà quản trị tốt, hoặc quản trị để đảm bảo rằng DN hoạt động có hiệu quả. Còn nếu hoạt động không có hiệu quả thì bản thân những người quản lý đó phải chịu gánh chịu trách nhiệm, chứ không phải thực hiện theo nhiệm vụ hay sự phân công chỉ đạo của nhà nước” – ông Cường nói.
Đồng quan điểm, ông Cấn Văn Lực, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần phải sớm ổn định và vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN. Đồng thời cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình CPH, thoái vốn, tái cơ cấu các DNNN. Và ngay sau khi CPH xong yêu cầu phải lên sàn niêm yết để tăng tính minh bạch.
“Hiệu quả hoạt động của DNNN phụ thuộc rất lớn vào vai trò điều hành, quản trị của người đứng đầu. Những người đứng đầu phải hiểu biết sâu về kinh tế thị trường, có năng lực kinh doanh tốt, chứ không đơn thuần thực hiện nhiệm vụ chính trị do các cơ quan quản lý nhà nước giao” – ông Lực nói.
Bàn về vấn đề cần làm gì để quản lý vốn nhà nước tốt hơn sau CPH, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng cần thay đổi chất lượng CPH. Theo đó, lần đầu tiên Chính phủ đã công khai toàn bộ danh mục các DN CPH; tỷ lệ DN CPH từng năm một và công bố cả DN thoái vốn để các nhà đầu tư, xã hội và thị trường lựa chọn năm nào bán cái gì để cân nhắc.
“Điều này được thể hiện rất rõ trong Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề về thủ tục, kỹ thuật, đảm bảo nguyên tắc thị trường minh bạch. Ví dụ, một DN khi CPH phải đăng ký các bước thực hiện để cơ quan quản lý, người dân giám sát, cũng là để thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo DN đối với đồng vốn Nhà nước giao. Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ về đất đai khi CPH, nếu Nhà nước không dùng thì trả lại cho địa phương để đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến đất đai sẽ không tìm cách để tham gia, nhường sân cho các nhà đầu tư tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng” – ông Tiến chia sẻ.
Cũng theo ông Tiến, một điểm mới của Nghị định 126 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình CPH là cho phép các nhà đầu tư đưa tư vấn nước ngoài vào đánh giá DN, rất công khai, minh bạch. “Một công ty muốn đầu tư, họ muốn đánh giá sơ bộ DN đó có phù hợp với số tiền họ bỏ ra không thì họ phải đưa tư vấn nước ngoài vào đánh giá. Bởi ngay trong chúng ta sẽ chẳng ai dám “xuống tiền” nếu chỉ nghe giới thiệu tài sản của tôi đẹp lắm, còn đẹp như thế nào thì chỉ cần nhìn thôi thì ai dám mua... Tôi tin rằng, năm 2018 CPH chắc sẽ tốt, tăng tốc hơn, đạt kết quả cao hơn” – ông Tiến nói.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý vốn Nhà nước tại DN, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, có hiệu lực từ ngày 1/5/2018.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, một trong những sửa đổi quan trọng của Nghị định 32 là nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của DNNN tại DN khác. Theo đó, chuyển nhượng vốn DNNN đầu tư ra ngoài phải gắn với phương án cơ cấu lại DN đã được phê duyệt; không phân biệt mức vốn đầu tư, kết quả kinh doanh của DN có vốn góp của DNNN lãi, lỗ; bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn đầu tư ra ngoài của DNNN ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư..
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Định giá tài sản có nhiều phương pháp, trong đó có nhiều khó khăn. Nhiều câu chuyện lùm xùm xảy ra thời gian qua như thương hiệu, đất đai… Đó là vấn đề lịch sử. Do vậy cần phải có sự điều chỉnh, có kinh nghiệm và bài học để quản lý. Ngoài ra, các Thông tư, Nghị định được ban hành để quản lý vấn đề này. Tôi cho rằng, “siêu ủy ban” ra đời sẽ quyết định trong việc quản lý tài sản DNNN…”. |