Nợ công không nhiều như báo cáo
Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố, thì nợ công năm 2015 không nhiều như Chính phủ công bố. Nhưng kiểm toán cảnh báo tình trạng nợ quá hạn của phần cho vay lại, và cũng chỉ ra những tình trạng vốn vay về không sử dụng hết ngay để tồn ngân lớn gây rủi ro thanh khoản cho kho bạc.Quản lý nợ công: Gắn trách nhiệm giữa đi vay, sử dụng vốn với trả nợ
Vay nhiều tiêu không hết
Theo Báo cáo của Chính phủ số 464/BC-CP ngày 19/10/2016, nợ công đến 31/12/2015 là 2,608 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Nhưng theo kết quả kiểm toán của KTNN vừa công bố, nợ công đến 31/12/2015 là 2,556 triệu tỷ đồng, bằng 61% GDP, thấp hơn con số Chính phủ báo cáo 52.382 tỷ đồng. Thậm chí, nếu tính đầy đủ số tiền 25.219 tỷ đồng vay trong năm 2016 để bù đắp bội chi ngân sách cho 2 năm 2014, 2015, và cả số tiền 8.171 tỷ đồng theo kế hoạch vay để bù đắp bội chi năm 2015 nhưng đến thời điểm kiểm toán mà Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công cũng chỉ tới 2,589 triệu tỷ đồng, bằng 61,8% GDP, và nợ Chính phủ là 2,098 triệu tỷ đồng, bằng 50% GDP.
“Qua kiểm toán cho thấy, Bộ Tài chính chưa lập kịp thời Báo cáo giám sát nợ”, KTNN kết luận. Những hạn chế trong vay và quản lý, sử dụng nợ công được KTNN chỉ ra vẫn đang còn tiếp diễn, nhất là tình trạng sử dụng chưa hiệu quả.
Ảnh minh họa.
KTNN cũng đã chỉ ra một thực trạng mà lâu nay các chuyên gia kinh tế đã tỏ ra “không vui”, đó là “tình trạng vay tồn ngân không được quy định thời hạn trả nợ hoặc quy định thời hạn tạm ứng 12 tháng nhưng phải gia hạn nợ nhiều lần vẫn chậm được khắc phục”. Tính đến 31/12/2015, tổng số dư nợ vay tồn ngân kho bạc 157.162 tỷ đồng. Tình trạng tồn ngân như thế này là “tiềm ẩn rủi ro thanh khoản của hệ thống Kho bạc Nhà nước”, KTNN kết luận. Để quản lý và sử dụng hiệu quả lượng tồn ngân ở các năm, tại Báo cáo kiểm toán NSNN năm 2014, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quy định cụ thể việc vay tồn ngân KBNN để bù đắp bội chi, song chưa được thực hiện.
Vay nhiều nhưng tiêu không hết, không giải ngân hết trong năm 2015 cũng là thực tế ở một số địa phương được KTNN chỉ ra. “Cá biệt, tỉnh Quảng Ninh phát hành trái phiếu nhưng phân bổ, sử dụng không kịp thời làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay”, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của KTNN cho biết.
Nợ cho vay lại có nợ quá hạn
KTNN cũng chỉ ra nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ. Đến 31/12/2015: dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 28.034 tỷ đồng, bằng 9,1% tổng dư nợ (trong đó 22.393 tỷ đồng là nợ vay lại của Vinashin và 55 dự án khác là 5.641 tỷ đồng). Trong số nợ cho vay lại thì các khoản nợ quá hạn tương đương 9.730 tỷ đồng.
Trong 10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ Tích lũy để trả nợ với dư nợ 199,02 triệu USD, thì có 7 dự án nợ quá hạn và phải khoanh nợ 105,95 triệu USD, chiếm 53,2% tổng dư nợ ứng vốn từ Quỹ Tích lũy.
Không chỉ các khoản vay cho vạy lại đang có nợ quá hạn, mà “việc hoàn trả NSNN các khoản vay về cho vay lại chưa đầy đủ, kịp thời”, KTNN chỉ ra. Như khoản trả lãi trái phiếu quốc tế 2014 (cho vay lại của SBIC) số tiền 24 triệu USD tương đương 515 tỷ đồng; Khoản trả lãi năm 2015 của Dự án đường cao tốc Bắc Nam 35 tỷ đồng (dự án cho vay lại của VEC).
KTNN cũng chỉ ra một số chương trình, dự án được Chính phủ cho phép miễn thế chấp tài sản không đúng quy định, quản lý tài sản đảm bảo đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cũng còn chậm trễ. Đến thời điểm kiểm toán mới có 8/61 dự án (13%) ký hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo.
Lo ngại nợ địa phương
Nợ của địa phương đã là vấn đề đáng lo ngại, và đã được thể hiện rõ trong kết quả kiểm toán.
Về nợ chính quyền địa phương, kết quả kiểm toán chỉ ra hàng loạt các tỉnh vừa chưa xây dựng hạn mức vay, vừa không lập kế hoạch vay và trả nợ vay. Một số địa phương khác lại bố trí cho các công trình không đúng mục đích, không đúng danh mục đăng ký…
KTNN cho biết, có 14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31/12/2015 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN.
Theo số liệu của Bộ Tài chính tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam là 63,7% GDP, trong đó, nợ Chính phủ là 52,6% và dự báo nợ công sẽ lên đến đỉnh trong năm 2017-2018 và sẽ giảm dần. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã khẳng định “Bộ và Chính phủ sẽ có các biện pháp để tái cơ cấu ngân sách, nợ công nhằm đảm bảo nợ công ở tất cả các năm không vượt quá 65% GDP”. Luật Quản lý nợ công đang là một kỳ vọng để việc quản lý nợ công sẽ tạo ra cuộc cách mạng quản lý nhà nước về nợ công. Nhưng quan trọng hơn tất cả là kỷ luật kỷ cương phải nghiêm.
KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính: Lập đầy đủ, kịp thời báo cáo các chỉ tiêu giám sát nợ và công khai thông tin về nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công; rà soát và hoàn trả NSNN đầy đủ các khoản trả nợ, lãi, phí vay nước ngoài của các khoản vay về cho vay lại; Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định cụ thể việc vay tồn ngân KBNN để bù đắp bội chi NSNN.
Việt Nam trước 'nghịch cảnh' vay nợ
Từ năm 2012, trong một dịp trao đổi bên lề với một số phóng viên, cán bộ chuyên trách Vụ Hợp tác Quốc tế (Ngân ... |
Quản lý nợ công và ngân sách, NHNN phải làm gì?
Thực hiện Chương trình hành động của, Chính phủ về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, NHNN được giao chủ ... |