|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quản lý nợ công và ngân sách, NHNN phải làm gì?

06:33 | 22/06/2017
Chia sẻ
Thực hiện Chương trình hành động của, Chính phủ về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, NHNN được giao chủ trì, làm đầu mối thực hiện 15 đề án, nhiệm vụ.
quan ly no cong va ngan sach nhnn phai lam gi
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngày 19/6/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công.

Mục tiêu chính của Chương trình là đến năm 2020, bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Để triển khai Chương trình này, ngoài việc phối hợp với các Bộ, ngành khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được Chính phủ giao chủ trì, làm đầu mối triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ sau:

(1) Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Từng bước giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Tiếp tục điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến trên thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng; Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

(2) Chiến lược tổng thể quốc gia về tài chính toàn diện.

(3) Đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

(4) Đề án giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2020.

(5) Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

(6) Đề án cơ cấu lại các hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

(7) Đề án đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước.

(8) Phương án tăng vốn điều lệ của các NHTM nhà nước đến năm 2020 đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II.

(9) Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng.

(10) Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu.

(11) Đề án “Phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.

(12) Tăng cường giám sát thực hiện hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài.

(13) Hoàn thiện các văn bản thực hiện hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Theo mục tiêu đề ra của Chương trình, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP; tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 84 - 85%, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16%; tỷ trọng thu ngân sách trung ương từ 60 - 65%.

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Trong tổng chi ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 25 - 26%, chi thường xuyên dưới 64%, ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.

Thảo Nguyên