Những nỗi đau Trung Quốc phải chấp nhận do chiến tranh thương mại
Bắc Kinh đang bắt đầu thích nghi với tác động từ cuộc chiến thuế quan Trung - Mỹ. Tác động của cuộc chiến sẽ xuất hiện trong dữ liệu thương mại tháng 6 và tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong quý II mà Bắc Kinh sẽ công bố vào ngày 16/7, Bloomberg nhận định.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ xảy ra trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm - làm tăng thêm một áp lực từ bên ngoài. Rất có thể Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải giảm một số mục tiêu trong kế hoạch nhiều năm để kiểm soát nợ công, hay chấp mức tăng trưởng kinh tế dưới tỷ lệ mục tiêu là 6,5%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây nên một áp lực từ bên ngoài dối với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
“6,5% là mục tiêu hơi mong manh, nhưng chính phủ sẽ vẫn quyết tâm đạt nó. Khi căng thẳng thương mại leo thang và dữ liệu cho thấy những dấu hiệu xấu tăng lên, chính phủ sẽ hỗ trợ về mặt chính sách và tình hình sẽ ổn định trở lại”, Chang Jian, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Barclays Plc ở Hong Kong, phát biểu.
Giới phân tích dự đoán tác động của cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc chỉ ở mức vừa phải vào thời điểm hiện tại. Họ cũng nhận định tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 6,5% trong năm nay, tương đương với mức mà chính phủ đề ra. Thậm chí hoạt động xuất khẩu có thể tăng mạnh trong quý II do các doanh nghiệp cố gắng đẩy mạnh bán hàng ra nước ngoài trước khi Mỹ áp những thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà kinh tế của Bloomberg dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% trong quý II năm nay.
Việc Washington áp thuế đối với lượng hàng hóa có giá trị 200 tỷ USD từ Trung Quốc sẽ làm tăng tác động của cuộc chiến thương mại. Theo Bloomberg Economics, số lượng đơn hàng xuất khẩu tại các nhà máy trên toàn lãnh thổ Trung Quốc đã giảm trong tháng 6. Ngoài ra, nếu cuộc chiến lan rộng khắp toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm 0,4%.
Doanh nghiệp Trung Quốc thay đổi chiến lược để đối phó
Động thái của Tổng thống Donald Trump đã làm thay đổi hành vi của giới doanh nghiệp ở phía bên kia địa cầu. Mặc dù tác động của cuộc chiến thương mại chưa lớn, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm phương án đối phó thực tế mới.
Chẳng hạn, một nhà sản xuất thiết bị Wi-Fi ở Thâm Quyến muốn chuyển trọng tâm từ Mỹ sang Đông Nam Á để đạt mục tiêu tăng trưởng 20% trong năm nay. Công ty đã vận chuyển 40% tổng lượng hàng hóa có giá trị 30 triệu USD mà họ sản xuất sang Mỹ.
Cũng tại Thâm Quyến, công ty Shenzhen BCLH Science & Technology lại quyết định tăng giá bán sản phẩm để bù đắp tổn thất do sắc thuế của Mỹ gây nên (khiến lợi nhuận của công ty bằng không), với hy vọng cuộc chiến thuế quan sẽ kết thúc sớm. Shenzhen BCLH Science & Technology, nhà sản xuất hóa chất dành cho thiết bị điện tử, chỉ vận chuyển 10% sản phẩm sang Mỹ, nhưng muốn mở rộng thị phần ở đây.
Những doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ tại Trung Quốc sẽ hứng chịu tổn thất lớn do chính sách áp thuế cao của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, theo Cao Yishan, một nhà phân tích tín dụng của tổ chức PIMCO Asia tại Hong Kong.
“Khác với doanh nghiệp lớn, công ty nhỏ không thể chuyển chi phí sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bá sản phẩm hay đưa hoạt động sản xuất sang nước khác”, Cao giải thích.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng phải thay đổi lựa chọn và thói quen.
“Mặc dù mùa hè là khoảng thời gian cao điểm đối với hoạt động xuất khẩu tôm hùm Mỹ sang Trung Quốc, mức thuế 25% có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang các nhà cung cấp từ Canada”, Justin Oakes, nhà quản lý phụ trách phát triển kinh doanh khu vực Bắc Mỹ của chợ hải sản trực tuyến Gfresh tại Trung Quốc, bình luận.
Tôm hùm từ Mỹ là một trong những mặt hàng Trung Quốc áp thuế nhập khẩu 25% để trả đũa Washington. |
Ông Cao Yishan nhận định mặc dù đợt áp thuế hiện tại chỉ khiến Trung Quốc tổn thất 0,1-0,2% tăng trưởng kinh tế, con số có thể tăng lên tới 0,3-0,5% nếu cuộc chiến leo thang.
Đó sẽ là cú bồi đau trong bối cảnh tổng vốn đầu tư, sản lượng các nhà máy và doanh thu bán lẻ của Trung Quốc đều giảm. Chính sách siết tín dụng của Trung Quốc cũng khiến hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư tài sản giảm trong khoảng thời gian còn lại của năm, do các chính quyền địa phương giảm vay và các doanh nghiệp bất động sản không thể tiếp cận các kên tài chính “ngầm” dễ dàng như trước đây.
Chính phủ Trung Quốc có thể kích thích tăng trưởng kinh tế bằng chính sách nới lỏng tiền tệ hoặc đẩy nhanh chi tiêu công trong năm nay. Song các giải pháp đó đều có thể tạo ra rủi ro và tổn thất.
“Căng thẳng thương mại đã biến thành xung đột kinh tế và không bị giới hạn bởi mậu dịch nữa. Tôi lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc sẽ ưu tiên tăng trưởng thay vì cải cách, khiến đà thay đổi cơ cấu của đất nước chậm lại”, Raymond Yeung, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand tại Hong Kong, bình luận.
Xem thêm |