|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những con nợ tỷ đô của BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà

20:45 | 06/06/2018
Chia sẻ
“Chúa nợ” Hoàng Anh Gia Lai, nhóm công ty của Phạm Công Danh, Thuận Thảo Sài Gòn… đã khiến BIDV cùng nhiều ngân hàng cho vay phải khổ sở đòi nợ xấu.
nhung con no ty do cua bidv duoi thoi ong tran bac ha Những cáo buộc vi phạm khiến ông Trần Bắc Hà bị xem xét kỷ luật
nhung con no ty do cua bidv duoi thoi ong tran bac ha

“Ghế nóng” chủ tịch BIDV

Tháng 9/2016, ông Trần Bắc Hà rời ghế chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam sau 9 năm nắm quyền, để lại chiếc ghế “nóng” trống người đảm nhiệm suốt từ đó cho đến nay. Thị trường cũng đôi lần dậy sóng tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà vì một số vấn đề tồn tại, yếu kém… song vẫn không có vụ khởi tố, bắt giữ nào xảy ra.

Sau khi ông Hà nghỉ hưu, đại án sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng mới được đưa ra xét xử. Với tư cách người có “quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” tới khoản cho vay của BIDV với nhóm công ty của Phạm Công Danh, song ông Hà đều vắng mặt toà án vì đang điều trị bệnh.

Tháng 5/2018 vừa qua, Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã công bố kết luật về những vi phạm rất nghiêm trọng tại Ngân hàng BIDV. Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc…

Uỷ ban kiểm tra Trung ương kết luận: vi phạm của ông Trần Bắc Hà là “rất nghiêm trọng và đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”. Dưới thời điều hành của ông Trần Bắc Hà, ban lãnh đạo BIDV đã đưa ra những quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn.

Cựu Chủ tịch Trần Bắc Hà cũng vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong đó, có sai phạm trong việc cho vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB)…

Được biết, trong đại án VNCB đưa ra xét xử, nhóm công ty của Phạm Công Danh được lập ra chóng vánh, để “vẽ” hồ sơ vay vốn của BIDV, rút tiền đem mua cổ phần ngân hàng TrustBank… Thực tế, VNCB hoạt động yếu kém, sai phạm nghiêm trọng, thua lỗ âm vốn, còn các lãnh đạo rút ruột, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng vốn của ngân hàng.

Có trách nhiệm để xảy ra những sai phạm tại BIDV nêu trên, các lãnh đạo khác của BIDV là ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc và ông Trần Lục Lang, Phó tổng giám đốc BIDV, cũng bị Uỷ ban Kiểm tra cho rằng “có vi phạm nghiêm trọng”.

nhung con no ty do cua bidv duoi thoi ong tran bac ha
Dưới thời điều hành của cựu Chủ tịch Trần Bắc Hà, BIDV có sai phạm khi cho nhóm công ty Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng

Hơn 2 năm rưỡi qua, BIDV vẫn hoạt động trong tình cảnh khuyết ghế chủ tịch HĐQT và liên tục có thay đổi nhân sự HĐQT. Ngân hàng mới chỉ giao quyền cho thành viên HĐQT phụ trách điều hành, mà chưa bầu được Chủ tịch HĐQT mới.

Dường như, những sai phạm nghiêm trọng, gây mất vốn tại BIDV trong đại án VNCB cũng như nhiều vấn đề tồn tại, sai phạm còn ẩn giấu… tạo áp lực lớn cho người đến sau ngồi vào ghế “nóng”.

“Hào phóng” cho vay

Trong 9 năm điều hành của Chủ tịch Trần Bắc Hà, ngân hàng BIDV vẫn tăng trưởng đều đặn song hiệu quả kinh doanh lại kém xa so với một số nhà băng cùng quy mô.

Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, năm 2016 BIDV ghi nhận kết quả kinh doanh èo uột, trong đó huy động vốn tăng 21,1% đạt hơn 797,7 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 17,85%, đạt hơn 751,4 nghìn tỷ đồng.

Lần đầu tiên khối nợ xấu của BIDV được lộ diện rõ ràng với dư nợ xấu tăng vọt 40% lên tới 14.429 tỷ đồng (chiếm 1,95% dư nợ), trong đó nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn chiếm tới 6.911 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng nhanh khiến BIDV phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp đôi năm trước, tới 9.198 tỷ đồng. Chi phí dự phòng này đã “ngốn” quá nửa lợi nhuận kinh doanh, khiến lãi trước thuế của ngân hàng chỉ còn 7.709 tỷ đồng, chỉ tăng 3,2% so với năm trước và lãi sau thuế 6.229 tỷ đồng.

Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV phải đối mặt với vấn đề xử lý nợ xấu khổng lồ, nhất là các khoản nợ xấu từ nhóm khách hàng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Thời điểm ông Hà nghỉ hưu vào 1/9/2016, HAGL bị lỗ luỹ kế 9 tháng lên tới 896 tỷ đồng và “chìm” trong khối nợ vay khủng lên tới 25.850 tỷ đồng… chưa rõ xoay sở ra sao?

Lũy kế cả năm 2016, Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai bị lỗ trước thuế hơn 1.980 tỷ đồng và là lần đầu tiên HAG báo lỗ trong vòng 10 năm qua. Năm 2017, tập đoàn mới khắc phục thua lỗ, báo lãi trước thuế 430 tỷ đồng..

Tổng nợ phải trả (báo cáo hợp nhất) đến cuối năm 2016 tăng vọt lên 36.103 tỷ đồng. Điểm đáng ngại là dòng tiền trả nợ của HAGL chủ yếu từ đi vay nợ 9.000 tỷ đồng, song đem trả nợ tới 9.879 tỷ đồng và áp lực “đảo nợ” ngày càng khó khăn khi lượng tiền vay được năm 2016 chỉ bằng 60% so với năm trước. Nếu không có dòng tiền vay mượn từ các ngân hàng chủ nợ hỗ trợ thì tập đoàn này có “sống” nổi không?

Thời gian cuối kỳ điều hành, ông Trần Bắc Hà đã phải họp bàn với hàng chục chủ nợ ngân hàng khác để tìm cách “giải cứu” khối nợ cho Hoàng Anh Gia Lai. Tập đoàn này có dư nợ hơn 10.862 tỷ đồng tại BIDV và công ty chứng khoán BSC của ngân hàng.

Chúa nợ HAGL đã được “giải cứu” tạm thời nhờ các ngân hàng chủ nợ cơ cấu lại, giãn hoãn thời gian trả nợ. Trong đó, 7 chủ nợ đã chấp nhận cơ cấu giãn lại hơn 12.360 tỷ đồng nợ trái phiếu trong khoảng 10 năm (từ năm 2017-2026) cho HAGL.

Riêng BIDV và BSC đã cơ cấu lại khối nợ trái phiếu 6.546 tỷ đồng này mới được phát hành ngày 31/12/2016, sẽ đáo hạn vào năm 2021 và 2026. Đến cuối năm 2017, HAGL vẫn còn dư nợ vay ngắn hạn hơn 172 tỷ đồng và hơn 5.876 tỷ đồng nợ trái phiếu tại BIDV (được đảm bảo bằng tài sản dự án cao su, đất đai và 45 triệu cổ phiếu HAG…).

Ngoài ra, BIDV còn cho vay nhiều doanh nghiệp, dự án lớn gây ra nợ xấu lớn hàng nghìn tỷ đồng. Mới đây, BIDV đã phải rao bán tài sản, xử lý thu hồi nợ gốc và lãi vay hơn 2.278 tỷ đồng của CTCP Thuận Thảo (Sài Gòn)…

Hào phóng cho vay hàng chục nghìn tỷ, để rồi con nợ HAGL mất khả năng cân đối tài chính trả nợ, buộc ngân hàng phải “cơ cấu nợ” trước nguy cơ đổ vỡ nợ xấu ở hàng chục ngân hàng khác, liệu rằng HĐQT và Hội đồng tín dụng của BIDV đã đánh giá, thẩm định và phê duyệt cho vay đúng quy định pháp luật hay không? Khi xảy ra nợ xấu, gây mất vốn Nhà nước tại BIDV thì trách nhiệm sẽ thuộc về những ai?

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hải Hà

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.