Những chuyến săn mồi thót tim của 'cá mập háu ăn nhất thế giới' (Kỳ 1)
Năm ngoái, Cheng Wei, người sáng lập hãng gọi xe trực tuyến Didi Chuxing, nhận cuộc gọi từ Masayoshi Son, nhà đầu tư huyền thoại ở Nhật Bản. Son muốn rót vốn vào Didi Chuxing nhưng Cheng không muốn. Một số người liên quan tới vụ việc kể Cheng nói với tổng giám đốc tập đoàn SoftBank rằng ông không cần tiền vì Didi Chuxing đã huy động 10 tỷ USD.
"Tốt thôi. Vậy tôi sẽ đầu tư cho một trong các đối thủ của anh", Son đáp.
Ngay sau đó Cheng buộc phải nghĩ lại và đồng ý nhận 5 tỷ USD - khoản đầu tư lớn nhất mà một doanh nghiệp công nghệ trên thế giới từng nhận - từ SoftBank.
Masayoshi Son từng đầu tư 20 triệu USD vào công ty Alibaba của Jack Ma. Sự thành công của Alibaba khiến ông trở nên nổi tiếng trong giới đầu tư. Ông thường xuyên áp dụng chiến thuật dọa dẫm để ép các công ty nhận tiền đầu tư Ảnh: Bloomberg |
Son từng thực hiện biện pháp tương tự hồi tháng 11 năm ngoái. Ông công khai cảnh báo Uber rằng nếu họ không nhận khoản đầu tư từ SoftBank, ông sẽ rót vốn cho kình địch của họ là Lyft. Vì thế, Uber quyết định nhận 9 tỷ USD từ SoftBank.
Quả thực Masayoshi Son đã trở thành thế lực không thể ngăn cản trong thế giới công nghệ vào năm ngoái. Với sự hậu thuẫn của nhiều nhân vật tiếng tăm - như Thái tử Saudi Arabia hay Tim Cook, CEO của Apple - đối với Quỹ Tầm nhìn trị giá 100 tỷ USD do ông thành lập, ông đã mua cổ phần của hàng loạt công ty trong nhiều lĩnh vực như đặt xe trực tuyến, sản xuất vi mạch, chia sẻ không gian làm việc, chế tạo vệ tinh, sản xuất robot, trồng rau trong nhà.
Phong cách thương lượng kỳ quái của Masayoshi Son khiến cả những người hâm mộ và bài xích ông sửng sốt trong nhiều năm. Thương vụ với Uber cũng không phải ngoại lệ. Theo những người liên quan tới các thương vụ đầu tư của Son, trong mọi cuộc đàm phán, ông luôn gặp trực tiếp những người sáng lập doanh nghiệp, khuyến khích họ nhận khoản tiền lớn hơn so với nhu cầu của họ và dùng vốn khủng như một vũ khí. Trong quá trình đàm phán, ông dọa các đối tác bằng uy thế ngày càng tăng của ông. Bằng cách đó, ông đã thay đổi luật chơi trong hoạt động đầu tư cho công ty khởi nghiệp và chưa ai biết sự thay đổi đó tốt hay xấu.
"Chúng ta chưa từng thấy kiểu thuyết phục công ty khởi nghiệp như thế. Thời gian sẽ cho chúng ta thấy phong cách của Son phát huy hiệu quả hay không", Steven Kaplan, một giáo sư kinh tế của Đại học Chicago, bình luận.
Chiến lược đầu tư của Son rất khó lường. Ông tự mô tả bản thân là người tin tưởng vào cuộc cách mạng thông tin. Song ông cũng luôn tỏ ra hoài nghi.
Vị tỷ phú 60 tuổi đã thực hiện hơn 100 vụ đầu tư sau khi ông thành lập SoftBank vào năm 1981 và trở thành người giàu nhất thế giới trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhờ sự bùng nổ của Internet. Tuy nhiên, phần lớn vụ đầu tư mà ông thực hiện đã thất bại. Danh tiếng của Son chỉ tồn tại nhờ một thương vụ duy nhất. Đó là thương vụ rót 20 triệu USD vào tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma vào năm 2000.
'Biết mình dốt cũng là điểm mạnh của người khởi nghiệp' |
Điều trị bệnh tâm thần trở thành cơ hội làm giàu ở Trung Quốc |