|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điều trị bệnh tâm thần trở thành cơ hội làm giàu ở Trung Quốc

16:29 | 04/01/2018
Chia sẻ
Một doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường điều trị bệnh tâm thần ở Trung Quốc, nơi 173 triệu người mắc ít nhất một dạng bệnh thần kinh.

Số lượng người Trung Quốc điều trị trầm uất, lo lắng, lạm dụng rượu, mất trí nhớ và các bệnh tâm thần khác tăng 25% trong khoảng thời gian từ năm 2014 tới 2016, theo số liệu của chính phủ Trung Quốc. Một thống kê gần đây cho thấy số lượng những người đó lên tới 173 triệu. Chỉ 20 triệu người trong số họ điều trị theo biện pháp chuyên môn, theo Bloomberg.

Định kiến xã hội lâu đời và sự thiếu vắng các cơ sở điều trị là lý do khiến đa số người mắc bệnh thần kinh không thể chữa trị bài bản. Song tình hình đang dần trở nên sáng sủa hơn. Chuỗi Bệnh viện Kiện Ninh (nghĩa là "khỏe mạnh") ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc - gồm những bệnh viện chuyên điều trị các bệnh tâm thần, đang muốn huy động 29,5 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Họ là doanh nghiệp điều trị thần kinh đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc đại lục. Đương nhiên, đây không phải là IPO hấp dẫn hay đáng chú ý nhất trong năm 2018, nhưng nó có ý nghĩa xã hội rất lớn.

Nhu cầu điều trị bệnh thần kinh ở Trung Quốc rất cấp bách. Sự phát triển kinh tế trong 4 thập kỷ đã làm tăng mức sống, song cũng ào mòn các mối liên kết xã hội và tạo ra những áp lực xã hội mới. từ một xã hội nông thôn - nơi người dân sống trong những gia đình gồm nhiều thế hệ, giờ đây Trung Quốc trở thành xã hội đô thị, nơi một đứa trẻ phải cạnh tranh khốc liệt ngay từ khi học mẫu giáo. Trầm cảm, lo lắng, mất ngủ là những hội chứng thần kinh đang gia tăng ở thanh niên, trong khi mất trí nhớ ngày càng trở nên phổ biến ở bộ phận dân số già.

Tình trạng thiếu cơ sở điều trị người mắc bệnh tâm thần là vấn đề văn hóa. Ở Trung Quốc, cộng đồng luôn xa lánh những người mắc các chứng thần kinh. Người mắc bệnh và thân nhân của họ thường giấu bệnh vì sợ bạn bè, đồng nghiệp xa lánh.

dieu tri benh tam than tro thanh mo vang de khoi nghiep o trung quoc
Chỉ 20 triệu trong tổng số 173 triệu người mắc bệnh tâm thần ở Trung Quốc có cơ hội điều trị bài bản. Ảnh: Bloomberg

Sinh viên ngành y khoa ở Trung Quốc không muốn làm trong bệnh viện tâm thần. Một khảo sát gần đây cho thấy sinh viên y khoa không muốn làm bác sĩ tâm thần vì lương thấp hơn so với các bác sĩ chuyên khoa khác, đặc biệt là trong bệnh viện công, trong khi công việc rất vất vả, nguy hiểm. Cha, mẹ của các bác sĩ tâm thần cũng không hãnh diện về nghề nghiệp của con. Do những nguyên nhân đó, bác sĩ tâm thần là nghề "mạt hạng" ở Trung Quốc. Hậu quả là số lượng bệnh viện tâm thần và chuyên gia điều trị bệnh thần kinh đều nhỏ. Tỷ lệ bác sĩ tâm thần ở Trung Quốc là 2 trên 100.000 dân, trong khi con số này ở Mỹ là 12 trên 100.000 dân.

Trong bối cảnh hệ thống bệnh viện công không thể đáp ứng nhu cầu điều trị tâm thần, các bệnh viện tư - chiếm khoảng 57,2% số cơ sở y tế ở Trung Quốc - đang tìm cách lấp khoảng trống của thị trường. Kiện Ninh là chuỗi bệnh viện lớn nhất tập trung vào điều trị tâm thần. Ra đời vào năm 1996, chuỗi có 8 bệnh viện với gần 2.600 giường bệnh ở vùng duyên hải phía đông Trung Quốc. Đa số bệnh nhân ngoại trú của Kiện Ninh ở đây là nhân viên văn phòng, thanh niên. Hội chứng phổ biến của họ là trầm uất và lo lắng. Hoạt động kinh doanh rất phát đạt. Tập đoàn thông báo biên lợi nhuận vượt mức 38% từ năm 2014. Thị trường điều trị bệnh tâm thần ở đại lục có thể đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2019.

Lợi nhuận và những dự đoán khả quan như thế cho phép Kiện Ninh thực hiện những việc mà bệnh viện công không thể làm - như tự đào tạo bác sĩ, trả lương cao và dành cho họ nhiều thời gian hơn so với bác sĩ bệnh viện công để đánh giá bệnh nhân. Mô hình của Kiện Ninh tạo dựng nhân phẩm cho bệnh nhân và khuyến khích người bệnh cũng như thân nhân của họ tìm cách điều trị. Đương nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều có thể điều trị. Với mức phí có thể lên tới 750 USD mỗi đêm cho phòng riêng, tầng lớp người có thu nhập thấp sẽ không thể điều trị ở Kiện Ninh. Song họ có thể điều trị ở những bệnh viện tư nhân khác, bởi nhiều doanh nghiệp đã theo bước Kiện Ninh để khai thác thị trường đầy tiềm năng.

Một điều quan trọng không kém là người Trung Quốc thường quan niệm "tiền nào của nấy". Vì thế, mức phí cao của Kiện Ninh cùng những bệnh nhân giàu mà họ phục vụ khiến định kiến về bệnh tâm thần giảm dần.

Năm 2015, Kiện Ninh từng niêm yết thành công ở thị trường chứng khoán Hong Kong. 5 năm trước đó, rất ít người Trung Quốc muốn mua cổ phiếu của một doanh nghiệp liên quan tới điều trị tâm thần. Khi giới đầu tư không còn ngại, đương nhiên người bệnh cũng có tâm lý đó. Đối với Trung Quốc, thành công của Kiện Ninh là một bước ngoặt có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, và làm tăng thu nhập của hàng nghìn nhà đầu tư.

Kim Cương/Bloomberg