|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những cái tên mới chào sàn HOSE, HNX có gì nổi bật?

10:30 | 19/07/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán liên tục bứt phá trong khoảng hai tháng gần đây với thanh khoản cải thiện rõ rệt. Giai đoạn hai tháng 5 và 6, số lượng tài khoản mở mới đều tăng trên 100.000 đơn vị, khác biệt so với mức đáy chỉ khoảng 23.000 tài khoản vào tháng 4. Sức hút thị trường gia tăng trở lại là yếu tố tích cực cho việc niêm yết mới cổ phiếu lên sàn.

HOSE chấp thuận niêm yết Đầu tư Sài Gòn VRG và Sơn Đông Á

Vào ngày 1/8, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP) sẽ hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để chuyển sang sàn HOSE. Theo dự kiến, gần 91 triệu cổ phiếu SIP sẽ giao dịch lần đầu trên HOSE vào ngày 8/8. Tổng giá trị niêm yết tính theo mệnh giá đạt 909 tỷ đồng.

Kế hoạch niêm yết đã liên tục được ĐHĐCĐ thường niên 2021, 2022 và 2023 thông qua. Tại đại hội gần nhất , Chủ tịch HĐQT Trần Mạnh Hùng cho biết công ty nộp hồ sơ đăng ký niêm yết vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) có yêu cầu công ty cập nhật số liệu và đầu tháng 6 công ty gửi lại hồ sơ cập nhật. Cuối cùng, đến 29/6, SIP đã được HOSE chấp thuận niêm yết. Tổng giá trị niêm yết tính theo mệnh giá đạt 909 tỷ đồng.

Đầu tư Sài Gòn VRG được thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và khu dân cư. Đến cuối quý I, đơn vị có 4 cổ đông lớn gồm: Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), KCN Nam Tân Uyên (Mã: NTC) và ông Lư Thanh Nhã, Tổng Giám đốc.

Cơ cấu cổ đông của VRG tại 31/3/2023. (Nguồn: Xuân Nghĩa tổng hợp từ BCTC).

Giai đoạn 2016 - 2022, doanh thu thuần của công ty tăng trưởng đều đặn, đạt 6.034 tỷ đồng năm 2022, gấp 3,3 lần sau 6 năm. Trong đó, mảng dịch vụ tiện ích điện, nước chiếm tới hơn 80% cơ cấu doanh thu. Ngoài ra, SIP còn ghi nhận doanh thu việc cho thuê đất, bán thành phẩm khác.

Năm 2023, SIP đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất gần 5.313 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 25% so với kết quả năm ngoái. Nửa đầu năm, công ty ước tính có doanh thu khoảng 2.894 tỷ đồng và lãi sau thuế 445 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 12% so với cùng kỳ 2022. Với kết quả này, đơn vị đã thực hiện được lần lượt 54% và 59% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm đề ra.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu SIP tăng hơn 80% kể từ đầu năm, lên 119.200 đồng/cp vào phiên 14/7. Thanh khoản bình quân phiên đạt khoảng 65.000 đơn vị.

Trường hợp của Sơn Đông Á (Mã: ADP), đơn vị được chấp thuận niêm yết với khối lượng 23 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá hơn 230 tỷ đồng.

Sơn Á Đông được thành lập từ năm 1970, tiền thân là xí nghiệp Sơn Á Đông, trụ sở chính đặt tại quận 8, TP HCM. Đến tháng 9/2000, công ty được cổ phần hóa và chuyển thành CTCP Sơn Á Đông.

Đến năm 2010, cổ phiếu ADP được giao dịch trên sàn UPCoM. Kể từ khi giao dịch trên UPCoM đến nay, công ty ghi nhận xu hướng tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận từ năm 2020 đến nay đã giảm bình quân 20-28% mỗi năm. Quý I/2023, công ty báo cáo doanh thu thuần ở mức 108 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, lãi ròng thu được 9 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Theo cáo bạch niêm yết, công ty có 5 cổ đông lớn đến thời điểm 18/5, đều là cá nhân trong nước. Tổng sở hữu nhóm cổ đông lớn đạt 48,77%.

Cổ phiếu ADP vừa mới hủy đăng ký giao dịch sàn UPCoM vào ngày 14/7 để chuẩn bị niêm yết HOSE. Giai đoạn từ đầu năm đến phiên 13/7, ADP ghi nhận tăng giá 38% lên 20.500 đồng/cp với khối lượng bình quân phiên thấp, chỉ đạt khoảng 1.600 đơn vị.

Hơn chục doanh nghiệp đang chờ đợi HOSE “gật đầu”

Bên cạnh các đơn vị đã được chấp thuận, nhiều trường hợp vẫn còn chờ quyết định của HOSE, phải bổ sung thêm các giấy tờ hay chưa đáp ứng đủ điều kiện...

Như CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), hồ sơ niêm yết của ông lớn này đang gặp vướng mắc, liên quan đến kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp mà Lọc hóa dầu Bình Sơn góp vốn từ nhiều năm trước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hướng dẫn công ty xin ý kiến Bộ Tài chính để tháo gỡ vấn đề kỹ thuật này, qua đó có căn cứ cấp phép niêm yết mới. Nếu thuận lợi, công ty có thể chuyển sàn trong quý III năm nay . BSR có khối lượng cổ phiếu đang lưu hành lên đến 3,1 tỷ cổ phiếu.

BSR có thể niêm yết trong quý III. (Ảnh minh họa).

Theo dữ liệu HOSE, trong hơn một năm nay, sở đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của 15 đơn vị khác, bao gồm 14 công ty cổ phần và một ngân hàng. Tổng khối lượng đăng ký niêm yết của nhóm đơn vị này đạt tổng cộng gần 2,3 tỷ cổ phiếu. Trong đó, các đơn vị đăng ký khối lượng niêm yết lớn nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (hơn 846 triệu cổ phiếu) và Tập đoàn Bất động sản CRV (hơn 672 triệu cổ phiếu).

Danh sách các đơn vị đã đăng ký niêm yết tại HOSE tính đến 14/7. (Nguồn: Xuân Nghĩa tổng hợp từ HOSE).

Đáng chú ý, trong khi đa số doanh nghiệp muốn nhanh chóng được HOSE “gật đầu” chấp thuận, một số công ty lại quyết định rút hồ sơ, gồm trường hợp Tôn Đông Á và Chứng khoán Phú Hưng.

Vào đầu tháng 4, HOSE thông báo nhận công văn kèm nghị quyết HĐQT của Tôn Đông Á về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết. Lý do công ty đưa ra là tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước không thuận lợi khiến cho kết quả kinh doanh năm 2022 của toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không khả quan. Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định tại điểm a và điểm c Khoản 1 Điều 109 Nghị định số 155/2020.

Trong năm 2022, Tôn Đông Á báo lỗ sau thuế gần 277 tỷ đồng nên không đáp ứng điều kiện kinh doanh có lãi trong hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết.

Chứng khoán Phú Hưng (Mã: PHS) cũng xin rút hồ sơ vào đầu tháng 4. Lý do công ty chứng khoán đưa ra là tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích của cổ đông. Sau khi tình hình thuận lợi hơn, Phú Hưng sẽ tiến hành các bước theo quy định của pháp luật nếu tiếp tục triển khai việc niêm yết cổ phiếu. Trước đó, ngày 8/11/2022, HOSE đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 150 triệu cổ phiếu PHS của Chứng khoán Phú Hưng, tương ứng vốn điều lệ hơn 1.500 tỷ đồng.

Như vậy, HOSE sẽ ngừng việc xem xét hồ sơ niêm yết của Chứng khoán Phú Hưng cũng như Tôn Đông Á. Trường hợp các công ty này nộp lại hồ sơ, sở sẽ thực hiện xem xét hồ sơ lại từ đầu.

HNX chấp thuận niêm yết Chứng khoán Nhất Việt

Ngày 26/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận niêm yết đối với CTCP Chứng khoán Nhất Việt (Mã: VFS). Số lượng đăng ký là 80,25 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị niêm yết theo mệnh giá đạt trên 802 tỷ đồng.

Kế hoạch niêm yết là một mục tiêu quan trọng được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua với mục đích nâng cao vị thế và có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư hơn. Trước đó, kế hoạch chuyển sàn của VFS được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhưng chưa thành công. Vào tháng 12/2022, Nhất Việt từng rút hồ sơ niêm yết HOSE do đánh giá thị trường diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi.

Cổ đông Nhất Việt cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên mức 2.400 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền dự kiến thu được sẽ dùng phục vụ hoạt động tự doanh chứng khoán (800 tỷ đồng) và cho vay ký quỹ (797,5 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II-III/2023 và quý IV/2023-I/2024.

Chứng khoán Nhất Việt được HNX chấp thuận niêm yết (Ảnh minh họa).

CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 135 tỷ đồng. Sau 15 năm hoạt động, vốn điều lệ của Công ty tăng gấp 6 lần lên 802.5 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản vượt trên ngưỡng 1,000 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2022, danh sách cổ đông lớn bao gồm Tổng Giám đốc Trần Anh Thắng (nắm giữ 10,73%) và CTCP Amber Capital Holdings (10,97%).

Năm 2023, VFS kỳ vọng tổng doanh thu và lãi sau thuế đạt hơn 230 tỷ đồng và 80 tỷ đồng, tăng 35% và 27% so với thực hiện 2022. Kết thúc quý I/2023, VFS ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 96 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế chỉ hơn 6,5 tỷ đồng, giảm 6%.

Mới nhất, sàn HNX đã đón nhận hai tân binh gồm Petro Times (Mã: PPT) (niêm yết 15 triệu cổ phiếu ngày 26/6) và Dược phẩm Tipharco (Mã: DTG) (niêm yết 6,3 triệu cổ phiếu ngày 12/7). Trong đó, đáng chú ý khi chỉ sau ba phiên, thị giá DTG đã tăng đến 55% lên 38.800 đồng/cp, bao gồm hai phiên tăng trần (30% vào 12/7, 10% vào 13/7) và phiên 14/7 tăng 9%. Khối lượng giao dịch bình quân qua ba phiên đầu tiên đạt trên 29.000 đơn vị.

Trường hợp chào sàn ấn tượng như DTG không phải hiếm. Trong quá khứ, cổ phiếu ABS của CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco) thậm chí đã tăng 16 phiên trần liên tiếp. Thị giá theo đó tăng dựng đứng 226%. Tuy nhiên ABS đã giảm sàn 10 phiên liên tiếp ngay sau đó. Hay như TTA của Trường Thành Group, thị giá bật tăng 32% chỉ sau ba phiên đầu tiên 18-22/9/2020. Tuy nhiên sau đó, TTA đã có nhiều phiên giảm sâu và nhanh chóng rơi về vùng 12.000 đồng/cp vào đầu tháng 10/2020. 

Diễn biến thị giá ABS lúc chào sàn vào năm 2020. (Đồ thị: FireAnt).

Những pha mở màn hoành tráng như trên không còn mới lạ trên thị trường chứng khoán, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn lựa chọn chiến lược “săn” cổ phiếu chào sàn và may may có lợi nhuận nhất định. Nhiều chuyên gia lý giải việc bật tăng khi mới lên sàn đến từ việc những doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết sẽ được các công ty tư vấn niêm yết định giá để đưa ra khoảng giá hợp lý có thể hấp dẫn nhà đầu tư và tăng giá. Cũng có ý kiến cho rằng việc leo dốc trong những ngày giao dịch đầu tiên xuất phát từ tính chất đầu cơ, do đó đà tăng cổ phiếu không bền vững và có thể nhanh chóng đảo chiều.

Xuân Nghĩa