Những bước lùi của Apple, Samsung và hàng loạt đại gia công nghệ
Người đứng sau sự thành công của Amazon hay Facebook, Microsoft, Apple |
Sự suy giảm của Apple kéo theo hàng loạt công ty liên quan
“Phát súng” tiên phong cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh doanh thuộc về Apple. Tập đoàn khổng lồ đã hạ dự báo doanh thu quí I (kết thúc ngày 29/12/2018) từ 89-93 tỉ USD xuống còn 84 tỉ USD do doanh số èo uột tại thị trường Trung Quốc. Sau đó, giá cổ phiếu Apple đã bốc hơi gần 10%, ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2013.
Từ mức đỉnh 52 tuần, giá cổ phiếu Apple đã giảm hơn 38%, lún sâu trong vùng “thị trường gấu”. Vốn hóa thị trường bị thổi bay 450 tỉ USD kể từ con số 1.160 tỉ USD đạt được hổi tháng 10 năm ngoái. Ngạc nhiên rằng, mức vốn hóa Apple bay hơi còn lớn hơn toàn bộ vốn hóa của Facebook (384 tỉ USD) cũng như GDP của nhiều quốc gia gồm Iran, Áo và Na Uy. Vị trí công ty vốn hóa lớn nhất đã nhường lại cho Alphabet (công ty mẹ của Google), theo sau là Amazon và Microsoft.
Theo Bloomberg, tính đến 30/9/2018, 63% tổng doanh thu Apple đến từ iPhone và 20% tổng doanh thu thì đến từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Apple hạ kì vọng doanh số iPhone đã tác động lên doanh thu của các nhà cung ứng linh kiện điện thoại gồm, Lumentum Holdings, Dialog Semiconductor, Qorvo, Cirrus Logic, Skyworks Solutions, Broadcom và Japan Display.
Và đơn vị có khả năng chịu thiệt hai nhiều nhất là Cirrus Logic. Uớc tính, 77% tổng doanh thu Cirrus Logic đến từ iPhone, trong đó có 15,5% doanh số iPhone ghi nhận ở Trung Quốc.
Gần đây, Foxconn cũng thông báo doanh thu tháng 12/2018 giảm 8,3% so với năm trước, xuống còn 20 tỉ USD, chủ yếu do sự sụt giảm khá lớn của các sản phẩm dành cho người tiêu dùng.
Lumentum là công ty cung cấp công nghệ Face ID cho iPhone cũng dự báo hạ 11% doanh thu trong ba tháng cuối năm, còn 358,5 triệu USD.
Tương tự, công ty bán dẫn Skyworks Solutions cũng đưa ra cảnh báo về mức doanh thu thấp hơn trong quý IV/2018. Trong khi đó, Cirrus Logic, đơn vị chuyên cung cấp mô-đun âm thanh cho iPhone ghi nhận giá trị cổ phiếu chạm mức thấp nhất trong suốt 52 tuần. Dự báo doanh thu của Cirrus Logic giảm 34% xuống còn 319,4 triệu USD.
Với Dialog Semiconductor, giới phân tích ước tính doanh thu cũng giảm 2% trong quý IV.
Ước tính % doanh thu từ iPhone của các doanh nghiệp tại Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg |
Khi những ông lớn công nghệ lao đao
Trải qua năm 2018 nhiều biến động, nhiều ông lớn công nghệ trên thế giới thể hiện rõ sự lo lắng hay “chùn chân” khi lần lượt cắt giảm mục tiêu doanh thu quý cuối cùng của năm.
Mới đây nhất là việc hãng sản xuất TV lớn thứ hai thế giới - LG dự báo lợi nhuận quý IV/2018 chỉ đạt 73,5 tỷ Won (67 triệu USD), kém gần 5 lần so với dự báo trung bình 387 tỷ Won theo khảo sát của I/B/E/S Refinitiv.
Doanh thu của công ty có thể giảm 7% xuống còn 15.800 tỷ won so với dự báo 16.300 tỷ Won của các nhà phân tích. LG dự kiến công bố kết quả kinh doanh này vào cuối tháng 1. Nguyên nhân được cho rằng các khoản thưởng cuối năm và chi phí marketing cho các dòng smartphone mới đã tiêu tốn khá nhiều ngân sách của ông lớn này.
Trước đó, Phó chủ tịch điều hành cấp cao Ichiro Takagi của Sony đã chia sẻ tại Hội chợ điện tử tiêu dùng (CES): “Nếu thuế quan tăng từ 10% lên 25%, chúng tôi sẽ xem xét sản xuất ở các quốc gia và khu vực khác”.
Tại Trung Quốc, Sony sản xuất máy quay video và trong số các sản phẩm khác, có thể liên quan đến vấn đề thương mại Mỹ - Trung. Takagi cho biết công ty đang “theo dõi chặt chẽ các sự kiện” và sẵn sàng tránh rủi ro giống như bất kỳ tập đoàn nào.
Tháng 7/2018, Channel News Asia dẫn lời nguồn tin cho biết Sony chuẩn bị rút khỏi thị trường di động Australia và đang đánh giá “tính khả thi của kinh doanh” tại Trung Đông, châu Phi và Thổ Nhĩ Kỳ giống như việc đóng cửa nhà máy tại Việt Nam cách đây hơn 10 năm.
Được biết, phân khúc smartphone của Sony liên tục gặp khó trong vài năm gần đây. Những đối thủ như Apple, Samsung hay thậm chí các hãng Trung Quốc như Huawei, Oppo, Xiaomi đều bỏ xa công ty về doanh số.
Nếu hiệp định thương mại với EU kí thành công trong tháng 3/2019, Việt Nam được kì vọng có nhiều cơ hội đón nguồn đầu tư đến từ các nước châu Âu như Đức, Pháp, Ý.... Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp Hàn quốc vào thị trường Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng cao.
Ngoài Sony, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung cũng dự báo lợi nhuận quí IV/2018 đạt khoảng 10.800 tỉ won (9,6 tỉ USD), giảm 28,7% so với cùng kì năm trước. Con số này cũng thấp hơn 18% so với kì vọng của các nhà phân tích thị trường (13.200 tỉ won).
Doanh thu hợp nhất được ước tính khoảng 59.000 tỉ won, thấp hơn dự báo 62.800 tỉ won của các nhà phân tích được Reuters khảo sát và giảm 10,5% so với một năm trước. Samsung cho biết nhu cầu về chip nhớ sụt giảm khiến doanh số và giá dòng sản phẩm này đi xuống.
Đối với mảng smartphone, do thị trường đã bão hòa và cạnh tranh gay gắt, chi phí marketing quá cao trong khi doanh thu không tăng trưởng khiến cho lợi nhuận đi xuống. Riêng năm 2017, Samsung đã chi tới hơn 11 tỷ USD cho các hình thức quảng cáo và các chương trình khuyến mãi, tăng 13% so với năm 2016. Theo số liệu của International Data Corporation, doanh số xuất khẩu smartphone toàn cầu của Samsung trong ba quí đầu năm 2018 đã giảm 13% so với cùng kì năm trước.
Khi Samsung mất lợi thế trong thị trường đại lục, sự sụt giảm kéo dài có thể khiến hãng thu hẹp sản xuất hơn nữa. Hiện tại, Samsung sản xuất điện thoại thông minh tại các quốc gia gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là trung tâm lớn nhất, chiếm 40% sản lượng năm 2018. Samsung cũng chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong 10 năm qua, đã đầu tư tổng cộng 17 tỉ USD trong giai đoạn này.
Hiện nay, trước sự cạnh tranh từ những doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei Technologies, Samsung từ ngôi vị nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tụt xuống vị trí thứ hai.
Mới đây, Bắc Kinh đã công bố dự thảo các quy định mới về việc cắt giảm thuế, nằm trong đợt cải cách luật thuế thu nhập cá nhân của quốc gia này. Viện nghiên cứu Nomura ngày 22/10 cho rằng chính sách nói trên sẽ giúp thu nhập sau thuế của toàn bộ người dân Trung Quốc tăng 116 tỷ nhân dân tệ và tiêu dùng quốc dân tăng 81 tỷ nhân dân tệ. Theo Nomura, chính sách này cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng thêm 0,22 điểm phần trăm và tăng trưởng GDP danh nghĩa thêm 0,08 điểm phần trăm trong năm 2019.