NHNN xử phạt hàng loạt sai phạm của các TCTD
NHNN: xử phạt 2,4 tỷ đồng và thu 6.000 USD tang vật trong quý I/2017 |
Theo báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 về hoạt động giám sát, trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng cường thanh tra, kiểm soát và xử lý sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Xử phạt 8,4 tỷ đồng trong năm 2016 và 2,4 tỷ đồng trong quý I/2017
Theo đó, NHNN đã thực hiện 1.250 cuộc thanh tra, kiểm tra cả theo kế hoạch và đột xuất. Riêng trong quý I/2017 đã thực hiện 209 cuộc thanh tra, kiểm tra (166 cuộc theo kế hoạch và 43 cuộc đột xuất).
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại, sai phạm của các Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: vi phạm về giới hạn cấp tín dụng; vi phạm về hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; vi phạm điều kiện vay vốn; thẩm định, xét duyệt cho vay; hồ sơ vay; kiểm tra, giám sát vốn vay; định giá tài sản bảo đảm; vi phạm về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả.
Căn cứ kết quả thanh tra đã đưa ra các 7.696 kiến nghị trong năm 2016 và quý I/2017 có 1.280 kiến nghị yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm. Tính đến hết quý I/2017 đã thực hiện được 728/1.280 kiến nghị.
Trên cơ sở những sai phạm được phát hiện, năm 2016, NHNN đã ban hành 121 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân và quý I/2017 đã ban hành hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tổng số tiền phạt thu được trong năm 2016 là 8,4 tỷ đồng và tịch thu 26.721 nhân dân tệ. Con số này trong quý I/2017 là 2,4 tỷ đồng và thu 6.000 USD tang vật.
NHNN cũng xác định rõ trọng tâm công tác giám sát năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 tập trung vào việc chấp hành tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động ở tầm vĩ mô toàn hệ thống và vi mô từng TCTD. Đồng thời, tập trung giám sát vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, sai phạm.
Tăng cường thanh tra hoạt động tín dụng
Công tác thanh tra tập trung vào các nội dung chủ yếu như: chất lượng tín dụng, huy động vốn, đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần, kinh doanh vàng, ngoại tệ, chấp hành quy định về lãi suất, quản trị, điều hành, thực trạng tài chính và việc triển khai các phương án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu được duyệt.
Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nội dung và kế hoạch thanh tra, kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập.
Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động mà còn chú trọng đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của TCTD. Phạm vi giám sát được mở rộng, bao gồm cả các công ty con, chi nhánh của TCTD ở nước ngoài, sở hữu vốn, đầu tư tài chính của TCTD.
Đặc biệt, NHNN đã ứng dụng, phát triển và triển khai các công cụ giám sát giúp cảnh báo sớm rủi ro như mô hình dự báo tài chính (FPM), kiểm tra sức chịu đựng (Stress-testing), đo lường - đánh giá hiệu quả hoạt động (DEA) để phát hiện những xu hướng tiêu cực, cảnh báo sớm rủi ro và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đã xử lý được hơn 611.000 tỷ đồng nợ xấu
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện đề án xử lý nợ xấu, đến nay, toàn hệ ... |
Nợ được cơ cấu lại năm 2015 dự thu lãi hơn 50.500 tỷ đồng
Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của NHNN chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu. Một số TCTD bị kiểm soát ... |
Lãi suất đang phải đứng sau tỷ giá và lạm phát
Quan sát diễn biến trên thị trường mở (OMO) trong khoảng hai tháng trở lại đây, không khó để nhận ra việc Ngân hàng Nhà ... |