NHNN phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm 2017
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố một số thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 9/2017 và định hướng những tháng cuối năm 2017.
Về diễn biến tiền tệ, đến ngày 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (tăng 15,36% so cùng kỳ 2016). Thanh khoản của TCTD được đảm bảo, dư thừa ở mức hợp lý để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ Bộ Tài chính phát hành thành công TPCP kỳ hạn dài và lãi suất thấp.
NHNN phấn đấu giảm lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa). |
Lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn ở mức 6-6,5%/năm
Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định và giảm mặc dù có sức ép tăng trong 6 tháng đầu năm 2017. Từ ngày 10/7/2017, NHNN giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN.
Kết quả, các TCTD giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm (từ mức phổ biến 9-10,5%/năm trước đó), triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.
Đồng thời, các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 8-10,5%/năm; đối với SXKD thông thường, khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.
Tín dụng tăng đều qua các tháng, cho vay DN ứng dụng công nghệ cao tăng mạnh nhất
Về tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tăng đều qua các tháng. Đến ngày 20/9/2017, tín dụng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%). Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực SXKD, trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.
Cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2016. Cụ thể: Tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn đến tháng 8/2017 đạt 1.222 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 20,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Tín dụng đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại (đến cuối tháng 8/2017): Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu đạt 207 nghìn tỷ đồng, tăng 8,14%; Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 35 nghìn tỷ đồng, tăng 25,12%; Tín dụng công nghiệp ưu tiên phát triển đạt 153,8 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.292 nghìn tỷ đồng, tăng 7,49%.
Thanh khoản thị trường ngoại tệ tốt, TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tỷ giá diễn biến cơ bản ổn định so với cuối năm 2016.
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm 2017
Định hướng những tháng cuối năm, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, xem xét điều chỉnh lộ trình áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để sử dụng cho vay trung, dài hạn phù hợp, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và giảm áp lực thanh khoản, hỗ trợ các TCTD ổn định mặt bằng lãi suất huy động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
NHNN tiếp tục các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực SXKD.