|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhân viên ngân hàng 'lao đao' vì nợ xấu

10:56 | 19/05/2017
Chia sẻ
Không chỉ những người lãnh đạo hay ban điều hành của ngân hàng, nhân viên ngân hàng là người "gặp gỡ" đầu tiên và cũng chịu nhiều áp lực không kém từ các khoản nợ xấu.
nhan vien ngan hang lao dao vi no xau
Nhân viên ngân hàng cũng "đau đầu" vì nợ xấu (Ảnh minh hoạ)

Nợ xấu là vấn đề muôn thuở và làm đau đầu các nhà quản trị các ngân hàng. Nợ xấu không những ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của chính ngân hàng, mà nếu xét về vĩ mô nó ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng và sự phát triển của nền kinh tế.

Đây cũng là chủ đề được nhiều chuyên gia nhắc đến nhiều lần và được xem là vấn đề nóng nhất trong lĩnh vực ngân hàng thời điểm hiện nay. Nhất là khi dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu chuẩn bị được trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 này.

Tuy nhiên, không phải nhiều người biết được rằng chính nhân viên ngân hàng lại là một trong những đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi nợ xấu xuất hiện. Áp lực từ nợ xấu đã khiến cho nhiều người phải nghỉ việc, thậm chí dính vào vòng xoáy pháp lý.

Nợ xấu bắt đầu từ đâu?

Một khoản nợ được xác định có vấn đề từ khi việc trả nợ định kỳ của khách hàng mất ổn định, không còn trả đúng thời hạn đã cam kết. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như hoạt động kinh doanh thua lỗ, thu nhập giảm sút, xuất hiện khoản chi bất thường,… ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của khách hàng. Nhân viên ngân hàng là người theo dõi và kiểm tra tình hình tài chính của khách hàng để đánh giá và đưa ra hướng giải quyết khoản nợ.

Theo quy định của Ngân hàng nhà nước, các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày sẽ được xếp vào nhóm 3 và tính vào nợ xấu của ngân hàng.

Khi tần suất trả nợ trễ nhiều hơn, thời gian vượt quá quy định, khoản nợ của khách hàng sẽ bị chuyển thành nợ xấu.

Tuy nhiên, đối với nhân viên ngân hàng, các khoản nợ chuyển sang nhóm 2 (quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày) đã bị tính vào nợ xấu của nhân viên. Thời điểm mà tỷ lệ nợ xấu thuộc danh mục quản lý vượt ngưỡng quy định của ngân hàng thì việc bán hàng của nhân viên sẽ có thể bị tạm dừng cho đến khi nợ xấu được xử lý.

Trong một số trường hợp, nhân viên quản lý khoản vay phải trực tiếp thúc nợ thậm chí trực chờ trước cửa nhà khách hàng để thu nợ. Điều này gây cảm giác căng thẳng và chán nản khi mọi áp lực đổ dồn vào họ.

Việc phải "ôm" khoản nợ xấu trong một khoảng thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng kinh doanh và tinh thần của nhân viên. Tại một số ngân hàng, nhân viên kinh doanh bị điều chuyển thành nhân viên thu hồi nợ do phải trực tiếp giải quyết những sự vụ liên quan đến khoản vay mình quản lý.

Không thoát được "bóng ma" nợ xấu

Tại một số ngân hàng, việc nhắc nợ, thu nợ được phân công thành một bộ phận riêng để hỗ trợ nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa phủ nhận trách nhiệm của nhân viên kinh doanh trực tiếp trong viêc thu hồi nợ. Là người hiểu rõ khách hàng nhất nên nhân viên kinh doanh vẫn phải buộc tham gia đốc thúc nợ.

Chị Linh - nhân viên kinh doanh của Ngân hàng Agribank cho biết, chị đã phải theo một khoản nợ xấu của công ty do mình quản lý đến 4 năm, kể cả khi sau khi ngân hàng đã bán nợ cho VAMC. Do tỷ lệ nợ xấu do cá nhân chị quản lý cao nên tất cả việc phát triển kinh doanh của chị bị hầu như đứng yên một chỗ. Khi phát sinh việc xử lý tài sản liên quan đến khoản nợ quá hạn, chị cũng phải chạy theo hỗ trợ xử lý mọi việc. Điều này gây áp lực tâm lý rất lớn, nhiều lần chị đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc.

Trong khi đó, chị Minh - nhân viên cũ của Techcombank cũng cho hay, chị đã rời bỏ công việc tại ngân hàng trước khi danh sách khách hàng của chị phát sinh nợ xấu vượt ngưỡng. Tuy nhiên, sau khi nộp đơn xin làm tại một ngân hàng khác, hồ sơ xin việc của chị bị tạm ngưng xử lý mặc dù trước đó Ngân hàng đã nhận lời. Lý do là một số khoản vay chị quản lý ở nơi làm việc cũ trở thành nợ không thể thu hồi, điều này đã không làm hài lòng nhà tuyển dụng.

Có thể thấy nợ xấu quả thật sự ảnh hưởng ghê gớm đối với mọi quá trình hoạt động của ngân hàng. Từ những nhân viên kinh doanh đến những người quản lý cấp cao. "Bóng ma" xấu sẽ còn chưa được giải quyết cho đến khi được xử lý một cách triệt để.

Chính vì vậy, để hạn chế gánh nặng này, trước hết những nhân viên ngân hàng cần tự nâng cao trình độ đánh giá, thẩm định khách hàng, tránh làm qua loa chủ quan. Đồng thời, phải bám sát hoạt động kinh doanh của khách hàng để nắm được tình hình tài chính của họ, có hướng xử lý kịp thời khi nợ xấu có dấu hiệu xuất hiện.

Sắp tới đây, Nghị định về sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng sẽ được trình lên Quốc Hội. Trong đó có quy định chi tiết một số tồn đọng trong quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tổ chức tín dụng hiện nay. Quy định mới được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu còn tồn đọng trong thời gian qua, giảm áp lực nợ xấu trên toàn hệ thống.

nhan vien ngan hang lao dao vi no xau Giải phóng sớm nợ xấu sẽ tạo điều kiện giảm lãi vay

Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ, nếu Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ ...

nhan vien ngan hang lao dao vi no xau Ngân hàng Việt Nam trước triển vọng tái tạo hơn 600.000 tỷ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã nhất trí về sự cần thiết ban hành một nghị quyết ...

nhan vien ngan hang lao dao vi no xau Làm ngân hàng phải biết 'sợ'

Nghề ngân hàng thường được biết đến là một nghề "sang chảnh", vừa ăn mặc đẹp vừa thu nhập cao nhưng thực ra lại chứa ...

Trúc Minh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.