|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư cá nhân nên hành động như thế nào khi thị trường rơi?

15:57 | 09/02/2018
Chia sẻ
Mọi băn khoăn của nhà đầu tư đều xuất phát từ việc bạn không thể chấp nhận mất mát khoản lỗ trạng thái đang hiện hữu trên tài khoản, hay bỏ đi một cơ hội tăng giá của cổ phiếu mà bạn dự đoán có thể xảy ra. Và thực tế đó chính là vấn đề mà mọi nhà đầu tư trên toàn thế giới đều khó khăn khi đối mặt.
nha dau tu ca nhan nen hanh dong nhu the nao khi thi truong roi Thị trường hoảng loạn, cổ đông nội bộ 'kẻ tham lam' gom hàng, 'người sợ hãi' bán tháo
nha dau tu ca nhan nen hanh dong nhu the nao khi thi truong roi Nhìn lại những phiên giảm kỷ lục của VN-Index, thổi bay hàng tỷ USD vốn hoá

Đầu tiên, một câu hỏi đặt ra là thị trường đã “tạo đỉnh” chưa, hay những phiên điều chỉnh vừa qua là phiên điều chỉnh kỹ thuật? Câu trả lời trên phương diện phân tích kỹ thuật (Technical Analysis) khá rõ, việc VN-Index đã phân phối đỉnh khi từ 1,130.1 điểm giảm về 983.1 điểm và hồi kỹ thuật chỉ tăng cao nhất đến 1,048.5 điểm, cây nến doji tạo nên vào ngày 7/2/2018 cho thấy lực cầu không thắng nổi lực cung ở vùng giá hồi.

nha dau tu ca nhan nen hanh dong nhu the nao khi thi truong roi

Sáng 09/02/2018, VN-Index quay đầu giảm mạnh sau 2 phiên “hồi kỹ thuật”, mức thấp nhất giao dịch sáng nay là 973.8 điểm, xuyên thủng dải bolinger dưới của đồ thị ngày VN-Index, trước mắt hướng về ngưỡng hỗ trợ ở vùng 940 điểm, liệu khi chạm có bật tăng?

Tuy nhiên, ngoài yếu tố phân tích kỹ thuật, thị trường chứng khoán ở mọi quốc gia, mọi thời đại đều có yếu tố unknown – tạm dịch là yếu tố khó đoán trước, bên cạnh sức khoẻ doanh nghiệp cụ thể, ngành nghề, yếu tố cung cầu tạo nên bởi các nhà đầu tư hiện hữu trong một cổ phiếu tại một thời điểm, sự thoả mãn/thất vọng của họ khi cổ phiếu đạt đến mức giá nhất định của nhiều loại nhà đầu tư cùng tham gia thị trường, còn yếu tố kế hoạch/phương án huy động vốn của doanh nghiệp trong thời đoạn đó. Và nhiều yếu tố biến đổi khác như tình hình chính trị trên thế giới, tỷ giá hối đoái, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam, chính sách của hệ thống tài chính thế giới, của Chính phủ Việt Nam, và quan trọng là kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được kỳ vọng tốt…

Do đó, việc VN-Index đã tạo đỉnh trong ngắn hạn hay chưa? Hay sẽ tiếp tục bật tăng? Khả năng nào cũng có thể xảy ra. Và là một nhà đầu tư cá nhân, điều quan trọng nhất là nên chính trực với bản thân, chỉ có một điều chắc chắn là chúng ta không biết được về diễn biến của thị trường, mà việc cần làm là đưa ra một chiến lược phù hợp cho khoản đầu tư của mình trong bối cảnh điều chỉnh.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử VN-Index vượt ngưỡng 1,100 điểm, bản chất của hai lần vượt đỉnh này không giống nhau. Còn nhớ phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2000, thị trường chỉ có 2 phiên giao dịch 1 tuần với vỏn vẹn 2 mã chứng khoán REE và SAM. Sau đó, vào ngày 12/2/2007 chỉ số VN-Index đạt đỉnh 1,170.67 điểm. VN-Index lần đầu “vượt mốc”, lúc ấy thị trường chứng khoán Việt chỉ như một đứa trẻ 7 tuổi khi số doanh nghiệp niêm yết là rất ít so với hiện nay và lực cầu áp đảo cung theo kiểu mọi góc phố ngõ hẻm bàn tán về việc mua chứng khoán sẽ lãi ngay sau một đêm hơn là phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật.

Đón 2018, kể từ phiên giao dịch đầu tiên 28/07/2000, VN-Index đã 18 tuổi với số lượng doanh nghiệp niêm yết ngày càng nhiều, nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm, thu hút được nguồn vốn ngoại. VN-Index - một đứa trẻ giờ đây đã trưởng thành cùng đất nước chuyển mình nhờ những thay đổi chính sách phù hợp từ chính phủ như: gói mở vay bất động sản, giảm tỷ lệ lãi vay ngân hàng … đã giúp VN-Index tăng đồng điệu cùng thế giới sau những năm trầm lắng của chu kỳ kinh tế trong và ngoài nước.

Do bản chất “vượt đỉnh” không giống nhau, và thành phần tham gia thị trường cũng khác, nên có thể kỳ vọng quá trình điều chỉnh kiểu “về mo” của lần lên đỉnh năm 2007 dự báo sẽ không xảy ra. Thay vào đó các phiên điều chỉnh là diễn biếnphân hoá của dòng vốn trên thị trường, những cổ phiếu đại diện cho những doanh nghiệp sử dụng “bẫy đầu tư giá trị” sẽ giảm mạnh và chính thức tạo một “isolated island” - tạm dịch là một ốc đảo cô quạnh trên đồ thị kỹ thuật. Điều này ngụ ý rằng, nhiều năm về sau, những nhà đầu tư đã mua vào ở mức giá đó sẽ không bao giờ có thể bán ra mức giá tương đương, và đó là những doanh nghiệp nên loại bỏ khỏi danh mục đầu tư trong dài hạn. Cổ phiếu của những doanh nghiệp lành mạnh khác trên thị trường sẽ không “về mo” mà điều chỉnh để đi vào giai đoạn ổn định và tăng trưởng.

Đi sâu vào bối cảnh hiện nay, có nhiều quan điểm phân loại cổ phiếu như vốn hoá lớn hay nhỏ, tăng trưởng hay đầu cơ, có vốn ngoại hay chỉ vốn nội, đang phân phối hay tích luỹ v.v… Mỗi phương pháp phân loại có một quan điểm và góc nhìn cụ thể đối về một doanh nghiệp, tuy nhiên đối với nhà đầu tư cá nhân, việc phân loại cổ phiếu có thể đơn giản là cổ phiếu sẽ tăng giá, giảm giá hay đi ngang.

Trong lúc thị trường rơi như hôm nay, thực tế đa phần loại cổ phiếu sẽ điều chỉnh cùng thị trường, ngoài việc nhà đầu tư chốt lời thì hiệu ứng domino bán tháo dây chuyền tạo ra từ phòng quản lý rủi ro của các công ty chứng khoán, khi họ ép nhà đầu tư bán hoặc nộp tiền vào những tài khoản có nợ margin chạm tỷ lệ rủi ro giá giảm. Nhà đầu tư khi bị ép bán thì họ thường chọn bán những mã có tỷ lệ lỗ ít trong danh mục đầu tư hoặc vẫn còn thanh khoản. Và từ đó tạo nên một cuộc thanh lọc trên diện rộng đối với rổ hàng hoá trong danh mục đầu tư, lượng dòng tiền rút khỏi thị trường sẽ không nhiều trong những phiên giao dịch như hôm nay, lý do là họ đã rút vốn trong những phiên hồi kỹ thuật, phiên giảm hôm nay do lượng hàng bắt đáy về tài khoản, cũng không phải là một điều bất ngờ.

Một yếu tố tiêu cực ảnh hưởng mạnh đến tâm lý là mức giảm lớn của thị trường Mỹ phiên giao dịch hôm qua. Tuy nhiên, với chiến lược cải cách kinh tế của Tổng thống Donald Trump rất khác biệt so với những người tiền nhiệm, nước Mỹ đang bước vào bước ngoặt lịch sử của nền kinh tế, họ có cơ hội để nghĩ về một nước Mỹ quay về thời hoàng kim hay sẽ đối mặt với một thời đoạn suy vong dài hạn khi chính sách cắt giảm thuế và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nước nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho người Mỹ, không chú trọng hội nhập toàn cầu. Những bất ổn nhất định đang hiện hữu ở nền kinh tế Mỹ và điều đó được thể hiện trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Bối cảnh trong nước của chúng ta có nhiều điểm khác biệt khi Việt Nam vẫn đi theo hướng hội nhập và phát triển cùng khu vực, nhiều cải cách của Chính phủ mang lại hiệu quả. Khép lại năm 2017, viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá là một năm thành công của kinh tế Việt Nam, GDP cả nước ước tăng 6.81% (mục tiêu 6.7%), lạm phát quý 4/2017 diễn biến ổn định, CPI bình quân 2017 tăng 3.53%, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư (3.4% GDP). Và điểm nhấn cho thị trường Việt là Ngân hàng Thế giới (WB) công bố chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) 2017-2018 tăng 14 bậc, cho thấy mức ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư đang tích cực. Rõ ràng, Việt Nam đang có một bối cảnh thị trường hoàn toàn khác với nước Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ.

Quay lại với tài khoản của nhà đầu tư nhỏ lẻ, điều gì đang chờ đợi?

Nếu bạn nhấc điện thoại gọi cho môi giới chứng khoán, người trước đây không lâu tư vấn cho bạn đầu tư với nhiều thông tin về tình hình kinh doanh tốt của doanh nghiệp... thì giờ đây có thể họ sẽ cho bạn một lời khuyên là nên “cẩn thận”, hoặc nên “bán bớt” cổ phiếu để tài khoản trở về trạng thái margin an toàn.

Nếu bạn tham khảo ý kiến trực tiếp từ doanh nghiệp niêm yết, có thể họ sẽ có câu trả lời cho bạn rằng mọi chuyện còn tuỳ thuộc vào “ngài thị trường”, còn doanh nghiệp của họ thì vẫn kinh doanh bình thường như khi thị trường chưa điều chỉnh.

Nếu bạn tham khảo ý kiến của nhà đầu tư khác. Những ai đang nắm giữ cổ phiếu sẽ có niềm tin mãnh liệt vào một vài yếu tố nào đó về cổ phiếu mà họ đang nắm giữ, và hy vọng nó sẽ diễn biến theo một kiểu riêng. Còn ai đã bán hết cổ phiếu thì sẽ nhắc nhở bạn về những phiên “trắng bên mua” của 10 năm về trước.

Thực tế chẳng ai có thể trả lời chính xác được. Mọi băn khoăn của nhà đầu tư đều xuất phát từ việc bạn không thể chấp nhận mất mát khoản lỗ trạng thái đang hiện hữu trên tài khoản, hay bỏ đi một cơ hội tăng giá của cổ phiếu mà bạn dự đoán có thể xảy ra. Và thực tế đó chính là vấn đề mà mọi nhà đầu tư trên toàn thế giới đều khó khăn khi đối mặt. Không có một giải pháp one-size-fits-all - tạm dịch là giải pháp đúng cho mọi nhà đầu tư. Thị trường chắc chắn là không biết trước được, sau đây là một số điều nhà đầu tư nên làm thay vì suy đoán hay hoảng loạn:

  • Hãy công nhận sức mạnh của hiệu ứng domino, tạm thời VN-Index sẽ điều chỉnh, và phần lớn cổ phiếu nào cũng có mức điều chỉnh nhất định.
  • Bỏ qua nỗi sợ hãi VN-Index sẽ “rơi tự do” như lần đầu vượt ngưỡng 1,000 vào năm 2007. Bình tĩnh xem xét lại mức độ lời/lỗ dựa theo phân tích kỹ thuật, ở những ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng theo đồ thị tuần như fibonaci 50%, 61.8%, đường trung bình dài hạn… những ngưỡng hỗ trợ mạnh nhất mà từng cổ phiếu đã duy trì được trong suốt nhiều năm vừa qua có thể được xem như một bước dừng của quá trình điều chỉnh. Dựa vào đó, nhà đầu tư so sánh khoản lỗ có thể xảy ra với cơ hội có lãi kỳ vọng. Nếu vùng hỗ trợ còn quá xa so với giá hiện tại thì nên giảm tỷ trọng cổ phiếu, và ngược lại bình tĩnh xử lý tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt nếu vùng hỗ trợ mạnh đã rất gần giá hiện tại, tránh hoảng loạn bán ra ngay tại giá đáy.
  • Sàng lọc lại danh mục đầu tư. Những cổ phiếu sử dụng “bẩy đầu tư giá trị” sẽ hiện rõ mức độ hoảng loạn trong những phiên giao dịch điều chỉnh, và giá không tăng nhiều trong những phiên hồi kỹ thuật cùng thị trường. Đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể chọn mua được những cổ phiếu tốt với giá rẻ, cho dù phải chấp nhận lỗ ở những cổ phiếu bán ra với giá thấp. Tuy nhiên, khoản lãi từ những cổ phiếu tốt sẽ lấp đầy khoản lỗ đó nhanh hơn sự hồi phục khoản lỗ sinh ra từ những cổ phiếu sẽ không tăng giá trở lại trong thời gian tới.
  • Nếu nhà đầu tư không tin tưởng vào mọi nhận định thì việc bán hết danh mục và giữ tiền mặt là phương án tối ưu. Đầu tư chưa bao giờ là may rủi. Thị trường luôn có nhiều cơ hội nhưng số vốn đầu tư của bạn một khi mất đi sẽ rất khó quay về.

ThS. Đinh Hạ Vân