Nguy cơ chiến tranh thương mại 'phủ bóng đen' lên các công ty đa quốc gia
Lo chiến tranh thương mại, nhà đầu tư Mỹ bán tháo cổ phiếu gần mức cao kỷ lục |
Nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại do Mỹ áp mức thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại kéo theo việc trả đũa từ các nước này đang "phủ bóng đen" lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đa quốc gia toàn cầu.
Nhà sản xuất ôtô Đức Daimler AG là tập đoàn quốc tế lớn đầu tiên cảnh báo lợi nhuận có thể sụt giảm do chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump, theo đó chủ trương theo đuổi các biện pháp bảo hộ thương mại.
Trong một tuyên bố hồi tháng trước, Daimler AG đã coi xung đột thương mại toàn cầu và việc Tổng thống Trump áp đặt mức thuế nhập khẩu mới là "yếu tố quyết định" khiến dự báo doanh thu hàng năm sụt giảm. Lợi nhuận trước lãi vay và thuế của Daimler trong năm nay sẽ giảm nhẹ so với năm trước đó.
Daimler AG cũng cho biết BMW đã cùng với Huyndai và General Motors phản đối kế hoạch của Washington áp thuế đối với ôtô nhập khẩu và các nhà sản xuất xe hơi này đã gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ để bày tỏ quan ngại.
Trong khi đó, ngày 2/7 vừa qua, Phòng Thương mại Mỹ cũng cho rằng việc chính quyền của Tổng thống Trump áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu dường như có thể làm nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu khi các đối tác thương mại cũng tuyên bố tiến hành các biện pháp trả đũa nhằm vào các sản phẩm của Mỹ.
Cũng theo Phòng Thương mại Mỹ, động thái này sẽ tác động tới người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các nhà sản xuất, nông nghiệp, công ty công nghệ, dẫn tới quá trình hồi phục kinh tế số một thế giới bị chậm lại.
Một số công ty Mỹ cũng đã buộc phải hành động. Cuối tháng 6 vừa qua, hãng sản xuất xe máy Mỹ Harley-Davidson tuyên bố sẽ chuyển một phần sản xuất ra ngoài nước Mỹ để tránh các khoản thuế mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhằm đáp trả việc Washington áp mức thuế mới đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu. Theo Harley-Davidson, EU đã áp thuế nhập khẩu đối với hãng này từ 6% lên tới 31%.
Một nhóm gồm gần 60 hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Hội đồng Ngoại thương quốc gia, cũng đã kêu gọi Quốc hội tăng cường giám sát việc chính quyền Tổng thống Trump thực thi các chính sách thuế và thương mại.
Theo nhóm này, việc gia tăng đe dọa áp thuế và nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại với các đối tác của Mỹ, trong đó có một số nước là đồng minh thân cận nhất của Washington, đã kéo theo sự bất ổn trong tâm lý người dân và các doanh nghiệp Mỹ./.