Nguồn cung căn hộ TP HCM năm 2018 có thể đạt tới 50.000 căn
Condotel có dấu hiệu giảm nhiệt, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 33% nguồn cung mới trong năm 2017 |
BĐS trung cấp tăng trưởng mạnh có gây áp lực cho phân khúc cao cấp trong năm 2018? |
“Soán ngôi” khu Đông TP HCM, khu Tây vượt lên chiếm 43% nguồn cung căn hộ
Báo cáo mới đây của Công ty DKRA cho biết, năm 2017, nguồn cung thị trường căn hộ tiếp tục dồi dào với khoảng 41,388 căn. Trong đó, căn hộ hạng B và hạng C là phân khúc chủ đạo, chiếm đến 78% tổng nguồn cung. Trái ngược với sự độc chiếm của khu Đông trong mấy năm trước, năm nay thị trường đã có sự “đảo chiều” khi khu Tây vượt lên chiếm đến 43%, dẫn đầu nguồn cung toàn thị trường.
Tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường khá ấn tượng, lên tới 88% nguồn cung mới. Trong đó, căn hộ hạng B có tỉ lệ hấp thụ cao nhất, lên đến 92%, điều này cùng với khảo sát về nhu cầu của khách mua đã cho thấy mức sống của người dân tại TP HCM đang được nâng cao hơn, yêu cầu chất lượng tốt hơn.
Nguồn cung căn hộ TP HCM năm 2018 có thể đạt khoảng 45.000 – 50.000 căn, lượng tiêu thụ tích cực đạt mức 35.000 – 40.000 căn, phân khúc này luôn khá ổn định, giá bán tăng đều qua các năm. (Ảnh minh họa) |
DKRA Việt Nam dự báo, nguồn cung căn hộ TP HCM năm 2018 có thể đạt khoảng 45.000 – 50.000 căn, lượng tiêu thụ tích cực đạt mức 35.000 – 40.000 căn. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp hạng B, hạng C sẽ tiếp tục giữ tỷ lệ lớn và thu hút sự chú ý của chủ đầu tư và người mua; dù vậy phân khúc căn hộ hạng A và hạng B được dự báo là sự lựa chọn hàng đầu của cả người mua để ở và để đầu tư.
Khu Đông tiếp tục là khu vực dẫn dắt thị trường năm 2018. Khách nước ngoài sẽ tiếp tục tìm đến thị trường BĐS Việt Nam (Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc…), đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển các dự án hạng sang, cao cấp và BĐS nghỉ dưỡng.
BĐS TP HCM có biên độ tăng giá cao nhất cả nước
Sau giai đoạn đóng băng từ năm 2010 – 2013, thị trường BĐS TP HCM bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển sôi động; bắt đầu từ năm 2014, thị trường khởi sắc trở lại. Đến nay, BĐS TP HCM đã thiết lập nên mặt bằng giá mới với giá trị BĐS cao hơn hẳn so với năm 2012.
Riêng tại phân khúc căn hộ, mặc dù có nhiều quan ngại về nguồn cung dư thừa, song ghi nhận cho thấy, phân khúc này vẫn luôn là thị trường khá ổn định, giá bán tăng đều qua các năm, đặc biệt là phân khúc căn hộ hạng B và hạng C vốn phù hợp với thu nhập của nhiều gia đình tại TP HCM.
Nguyên nhân là do quỹ đất tại TP HCM đang dần khan hiếm, đất nền có mức giá cao và phải đi xa trung tâm nên các căn hộ vừa túi tiền, gần trung tâm luôn là sự lựa chọn của nhiều gia đình có thu nhập tầm trung. Mặt khác, mức thu nhập trung bình của gia đình trẻ đang được cải thiện, sự trẻ hóa đối tượng người mua BĐS cùng sự linh hoạt trong chính sách bán hàng của chủ đầu tư đã tác động rất lớn đến tâm lý và tính thanh khoản của thị trường, kích thích giá của căn hộ tăng trưởng.
Theo ghi nhận của DKRA Việt Nam, phân khúc căn hộ hạng C năm 2012 có mức giá trung bình khoảng 13 triệu đồng/m2 thì đến 2017 có giá trung bình dao động khoảng từ 18 - 20 triệu đồng/m2, tính ra tăng 54% sau 5 năm. Phân khúc căn hộ hạng B năm 2012 có mức giá khoảng 18 – 20 triệu đồng/m2 thì đến nay, giá mới tại thị trường này rơi vào khoảng 27 - 30 triệu đồng/m2, tăng 67%. Phân khúc căn hộ hạng A năm 2012 có mức giá trung bình khoảng 33 triệu/m2 thì đến nay rơi vào khoảng 55 triệu đồng/m2, tăng 47%.
DKRA nhận định, TP HCM là nơi có biên độ tăng giá BĐS cao nhất trong cả nước, đồng thời cũng là thị trường có chu kỳ thiết lập mặt bằng giá mới ngắn hơn so với các tỉnh thành khác. Biên độ tăng giá của các khu vực và các phân khúc nhà ở tại TP HCM không đồng đều, nhìn chung giá khởi điểm càng thấp, biên độ tăng giá càng cao và ngược lại.
Mức giá của thị trường BĐS TP HCM chịu sự tác động của nhiều yếu tố: sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội; lượng lớn chuyên gia và lao động đến TP HCM làm việc và an cư, tạo nguồn cầu về nhà ở. Các dự án càng về sau càng có mức giá cao hơn các dự án chào bán trước bởi chất lượng dự án ngày càng được chủ đầu tư cải thiện tốt hơn, chi phí đầu vào tăng...
Những cơn sốt đất nền vùng ven, đặc biệt trong năm 2016 và đầu 2017 cũng đã góp phần ảnh hưởng đến sự tăng giá của thị trường, mặc dù sau cơn sốt đất giá đã được điều chỉnh nhưng khó trở về mức bán đầu. Ngoài ra, mức giá bán BĐS tại TP HCM còn chịu sự tác động mạnh mẽ của việc phát triển hạ tầng giao thông và các thông tin quy hoạch vùng; chịu ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế GDP, thu nhập bình quân theo đầu người, CPI, lãi suất, tỉ giá, giá vàng, chứng khoán…