|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Người Sing chọn Thần giữ của GIC

09:38 | 11/06/2018
Chia sẻ
Ra đời gần 40 năm, GIC đã có một loạt hoạt động đầu tư tại Việt Nam với giá trị lên đến hàng tỉ USD.
nguoi sing chon than giu cua gic

Theo truyền thuyết, thần giữ của là một tạo vật phi vật thể có nhiệm vụ gìn giữ gia tài cho gia chủ, bảo toàn nguyên vẹn kho báu được giao phó. Không ly kỳ cũng không vô hình như truyền thuyết, tại đảo quốc Singapore cũng có một vị “thần giữ của” như thế, đó là GIC. Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC) được Chính phủ và người dân Singapore giao phó trách nhiệm gìn giữ, bảo toàn và phát triển dự trữ ngoại hối của quốc đảo sư tử.

Ra đời gần 40 năm, GIC đã có một loạt hoạt động đầu tư tại Việt Nam với giá trị lên đến hàng tỉ USD. Vậy mục đích của “thần giữ của” đến từ quốc đảo Singapore là gì?

Đức tin của “thần giữ của”

GIC được thành lập với một đức tin vững chắc là bảo toàn lượng thanh khoản thặng dư của đất nước và tái đầu tư sinh lợi nguồn tài nguyên ấy vì một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước và người dân Singapore. GIC là đứa con tinh thần của Tiến sĩ Goh Keng Swee, người sau này là Phó Thủ tướng và Chủ tịch Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore.

Theo thông tin từ GIC, hiện quỹ này đã đầu tư hơn 100 tỉ USD tài sản trên toàn thế giới. Theo bảng xếp hạng của SWF Institute, tổng tài sản quản lý của GIC thực tế có thể lên đến 390 tỉ USD, được xếp hạng thứ 8 về tài sản nắm giữ trong số các quỹ đầu tư quốc gia. Riêng tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, tổng giá trị các khoản đầu tư của GIC ước tính gần 44.500 tỉ đồng.

Nếu châu Á là một khu vực đầy tiềm năng, thì Việt Nam nổi lên như một nền kinh tế năng động trong con mắt của GIC. Cơ sở củng cố cho quan điểm trên là vị thế đầu tư của GIC tại các định chế kinh tế lớn của Việt Nam. Qua tìm hiểu của NCĐT, GIC nắm cổ phần khá lớn tại Vietjet (4,97% - 22,4 triệu cổ phiếu), Masan (5,43% - 56,8 triệu cổ phiếu), Vinamilk (0,7%), FPT (3,52% - 21,5 triệu cổ phiếu), Pan Group (4,88% - 5,7 triệu cổ phiếu) và Vinasun (7,97% - 5,4 triệu cổ phiếu). Theo các nguồn thạo tin, tổng giá trị đầu tư được ước tính vào khoảng 15.000 tỉ đồng.

Ngoài các khoản đầu tư trên, GIC cũng tham gia vào sự kiện IPO lớn nhất của Vinhomes. Ngày 20.4.2018, GIC phát ra thông báo mua vào 153,85 triệu cổ phiếu Vinhomes, tương ứng tỉ lệ sở hữu 5,74% với khoảng đầu tư lên đến 1,3 tỉ USD (29.500 tỉ đồng). Thêm vào đó, năm 2016 thị trường đã chứng kiến biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Vietcombank và GIC. Theo đó, GIC sẽ mua lại 305,82 triệu cổ phiếu VCB của Vietcombank với tổng giá trị giao dịch gần 400 triệu USD. Nhưng vì nhiều lý do, thương vụ giữa Vietcombank và GIC đã bị tạm hoãn. Gần đây nhất, Vietcombank đang có kế hoạch chào bán 350 triệu cổ phiếu (tương đương 10% vốn điều lệ), GIC lẫn Mizuho là hai cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong danh sách người mua tiềm năng.

Cánh tay vươn dài của GIC

Trong báo cáo đầu tư năm 2017, có một tín niệm sắt đá mà GIC liên tục lặp đi lặp lại: “Nguyên tắc đầu tư của GIC là bảo đảm mức lợi nhuận thu hồi khả quan so với lạm phát và phải bảo toàn sức mua quốc tế của các tài sản được đầu tư bằng thặng dư ngoại hối quốc gia”. Thực vậy, GIC luôn “chọn mặt gửi vàng”. Trong 6 tháng gần đây, nhiều thương vụ đầu tư của GIC đều được đồng tiến hành với các tổ chức tín dụng lớn khác với mục đích duy nhất là giảm thiểu rủi ro cho các khoản đầu tư.

Ngoài ra, 2 gam màu chủ đạo khác trong định hướng đầu tư tương lai của GIC gồm xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán tại các quốc gia phát triển, cũng như việc chọn Mỹ và châu Á là các vùng đất tiềm năng để thâu tóm tài sản.

Bằng chứng là một chuỗi các giao dịch GIC thực hiện gần đây. Tháng 9.2017, GIC đã bắt tay với Invincible Investment để thâu tóm khách sạn Sheraton Grand Hotel nằm tại vịnh Tokyo. Số tiền mà GIC đầu tư là 909 triệu USD, tương đương với cổ phần chi phối 51% trong thương vụ này. Một tháng sau đó, GIC đã tham gia gầy vốn gần 4 tỉ USD cho Meituan Dianping, một nền tảng thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc với hơn 5 triệu cửa hàng và 280 triệu khách hàng tham gia. Giao dịch này được đồng đầu tư với các tên tuổi lớn khác như The Priceline Group, Sequoia Capital, Trustbridge Partners, China - UAE Investment Cooperation Fund.

Về mảng bất động sản, ngày 20.11.2017 GIC công bố bắt tay với Urbanest, Melbourne Uni và Lendlease để đầu tư cải tạo khu vực thương mại - dân cư sầm uất phía Bắc trung tâm Melbourne. Dù giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng GIC xác nhận họ nắm cổ phần chi phối trong giao dịch này. Tại thị trường Canada và Mỹ, GIC và The Scion Group đã thành lập liên doanh Scion Student Communities để thâu tóm một danh mục gồm 24 bất động sản cao cấp trị giá hơn 1,1 tỉ USD. Thương vụ được thực hiện vào ngày 3.1.2018.

Trong báo cáo đầu tư năm 2017, tỉ trọng danh mục đầu tư của GIC gồm chứng khoán các quốc gia phát triển (27%), chứng khoán các nước đang phát triển (17%), trái phiếu (35%), trái phiếu điều chỉnh theo lạm phát (5%), bất động sản (7%), đầu tư vốn tư nhân (9%). Vùng lãnh thổ trọng điểm mà GIC đang nắm giữ tài sản gồm Mỹ (34%), châu Á (19%), châu Âu (12%), Nhật (12%), Trung Đông (6%), Anh (6%), Canada và Mexico (6%), châu Mỹ Latinh (3%), Úc (2%).

nguoi sing chon than giu cua gicCũng cần nói thêm, GIC từng thẳng thắn thảo luận về chiến lược nắm giữ tài sản sau khi thâu tóm - một điều rất quan trọng với các đối tác Việt Nam mà GIC đang đầu tư. Theo báo cáo đầu tư năm 2017, GIC thể hiện niềm tin của họ vào giá trị cốt lõi lâu dài hơn là xu hướng thị trường tạm thời. Nói cách khác, họ sẵn sàng làm ngơ “sóng ảo” thị trường khi tài sản đang nắm giữ còn tiềm năng phát triển đột phá về lâu dài. Tuy nhiên, nguyên tắc đầu tư của GIC sẽ không bao giờ bảo thủ; nếu một thị trường liên tục xuất hiện “sóng ảo” cao hơn giá trị thực của tài sản trong một thời gian quá dài, GIC sẽ có xu hướng thanh lý tài sản đó. Không vì lý do gì cả, trách nhiệm quốc gia đối với họ luôn là quan trọng nhất. GIC cũng thể hiện quan điểm ủng hộ nguyên tắc quản trị phù hợp luật pháp địa phương và quốc tế của các đối tác mà GIC đang hợp tác.

Đây cũng là bài học quý giá cho thị trường Việt Nam. Đó là Việt Nam cần một thị trường minh bạch, nơi mà nhà đầu tư quyết định dựa trên các dữ liệu có thể kiểm chứng, hơn là tin đồn thiếu căn cứ.

Xem thêm

Hồ Điệp

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.