Ngân hàng số tại Việt Nam, 'cuộc chơi' ngày càng đông đảo
Chuyện bán lẻ và ngân hàng số của TPBank | |
Tại sao các ngân hàng truyền thống chậm chạp trong việc số hóa? |
Digital banking hay ngân hàng số là con đường tất yếu của ngành ngân hàng. Với việc phát triển mobile Banking, Internet banking hay ví điện tử,... các ngân hàng Việt đang dần số hóa, nhưng đó chưa phải là một định nghĩa đầy đủ về ngân hàng số.
Với những bước nhập cuộc đầu tiên trong cuộc cách mạng “không giấy tờ - không chi nhánh – không giới hạn thời gian”, nhắc đến ngân hàng số tại Việt Nam, người ta nói đến Timo, nói đến TPBank LiveBank, và mới đây là sự nhập cuộc của tay chơi mới - OCB OMNI.
Timo – Ngân hàng số đầu đời tại Việt Nam
Ra đời sớm nhất từ năm 2016 và được biết đến như ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam chính là Timo, được đồng bảo trợ bởi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB).
Ông Don Lam là một trong những nhà sáng lập của Timo. Ông là một người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, giữ vị trí quản lý tại các ngân hàng ngoại (Deutsche Bank và Coopers & Lybrand), từng là Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, đồng thời là nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của quỹ VinaCapital.
Cách đây vài năm, trong một lần ông ngồi café cùng một người bạn. Cuộc nói chuyện của hai người đứt đoạn… với lý do người bạn của ông cần phải đến ngân hàng trong giờ hành chính khi ngân hàng còn làm việc.
Ý tưởng về một ngân hàng, không giới hạn thời gian giao dịch và mang hơi hướng của không gian café đến với Don Lam. Ngân hàng số Timo và Timo hang out – khái niệm giao dịch tại không gian “rất cool” của quán café được ra đời.
Ngân hàng số Timo phát triển website và ứng dụng trên điện thoại, khách hàng có thể giao dịch tài chính với khối lượng từ nhỏ đến lớn thông qua internet. Hiện tại, tài khoản Timo không yêu cầu số dư, miễn phí mở thẻ, phí thường niên và không tính bất kỳ phí nào khác. Bên cạnh đó, thẻ Timo rút tiền ở tất cả các ATM ngân hàng tại Việt Nam mà không mất phí.
Khách hàng đăng ký mở tài khoản trực tuyến và nhân viên Timo sẽ liên lạc để đặt lịch hẹn nhận thẻ tại chi nhánh Timo Hangout – mô hình được mô tả là rất “cool”, không gian kết hợp giữa quán café và quầy giao dịch. Tại Timo Hangout, có đặt hai máy CDM (ATM thông minh có chức năng nạp tiền), trong đó, có một máy làm việc 24/7.
Timo Hangout theo phong cách quán cafe. Nguồn: Timo |
Khách hàng muốn nộp tiền vào tài khoản Timo có thể sử dụng hai cách. Một là chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng khác sang (sẽ bị tính phí theo phí dịch vụ của ngân hàng). Hoặc nộp tiền trực tiếp vào CDM được đặt tại Timo Hangout.
Ưu điểm so với các phòng giao dịch hay chi nhánh ngân hàng truyền thống, Timo Hangout làm việc ngoài giờ hành chính (từ 9h đến 20h) từ thứ 2 đến thứ 7 và hiện có mặt tại trung tâm của 4 thành phố lớn: TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng.
TPBank phủ sóng, định vị ngân hàng số bằng LiveBank
Nếu như Timo đi đầu cho cách mạng ngân hàng số với chủ trương ít chi nhánh, ít phòng giao dịch, thì Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) lại hướng đến việc phủ sóng mật độ các cây ATM tự động (LiveBank).
Còn nhớ, 5 năm trước đây, TPBank là cái tên bị liệt kê vào danh sách ngân hàng yếu kém. Cũng thời gian đó, hệ thống ngân hàng bị NHNN siết chặt khi mỗi ngân hàng chỉ được phép thành lập tối đa 5 chi nhánh mỗi năm. Ở vị thế một ngân hàng bé chỉ có 20 chi nhánh, TPBank rơi vào tình thế "cá gặp cạn" khi muốn mở rộng quy mô, mạng lưới của mình. Cái khó ló cái khôn, TPBank đã lựa chọn phát triển ngân hàng số để tiếp cận đông đảo khách hàng.
Ra đời từ tháng 2/2017, LiveBank chứng tỏ mình khi giao dịch gần như hoàn toàn tự động. Khách hàng giao dịch tại LiveBank tương tác với giao dịch viên ảo, giao dịch trên 24/24. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng Livebank đã lên tới con số 50, đánh dấu trên bản đồ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Vinh, Hưng Yên, Nha Trang…
TPBank LiveBank. |
Với mô hình giao dịch trực tuyến hoạt động 24/7, khách hàng có thể thực hiện gần như toàn bộ các nhu cầu giao dịch với ngân hàng tại LiveBank, không bị giới hạn bởi địa điểm cũng như thời gian: mở tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, nộp tiền mặt vào tài khoản, tư vấn qua video call với tư vấn viên 24/7…
Tại LiveBank, khách hàng mở tài khoản sẽ cần lấy dấu vân tay với công nghệ sinh trắc học Biometrics giúp tăng cường tính bảo mật; các quy trình vận hành hoàn toàn tự động cùng công nghệ OCR tự động chuyển hình ảnh từ các bản scan thành chữ trên các đơn đăng ký giúp khách hàng tiết kiệm thời gian hơn hẳn giao dịch tại quầy…
Hiện tại hệ thống LiveBank chưa có các giao dịch cho vay mà chỉ tập trung ở huy động nên đóng góp của mảng này cho tăng trưởng tín dụng 2018 của Ngân hàng là không đáng kể.
OCB và nền tảng OMNI Channel
Vào tháng 3/2018, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng vừa ra mắt OCB OMNI áp dụng nền tảng Omni-Channel (hợp kênh) vào các hoạt động của ngân hàng.
OCB triển khai xây dựng nền tảng Omni-Channel với sự hợp tác của đối tác Asseco group – có mặt tại hầu hết các nước Châu Âu, Canada, Mỹ, Nhật, Isreal và đối tác Fintek – Công ty tư vấn, phát triển và cung cấp dịch vụ công nghệ tại Việt Nam.
Các sản phẩm đầu tiên của giai đoạn một, nổi bật là các sản phẩm và tính năng như: quản lý tài chính, giỏ thanh toán, thanh toán định kỳ/tương lai, sổ tay tiện ích (widget), mở sổ tiết kiệm online…
Nền tảng Omni-Channel (hợp kênh) tích hợp tất cả các kênh giao dịch của ngân hàng, tạo nên một sự kết nối xuyên suốt và liền mạch khi người dùng trải nghiệm trên bất kỳ kênh giao dịch nào. Người dùng có thể bắt đầu quá trình giao dịch tại một thiết bị cá nhân và kết thúc quá trình tại chi nhánh/điểm giao dịch của ngân hàng.
Lễ ra mắt OCB OMNI của OCB. |
Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ, các ngân hàng hiện nay học tập các nhà bán lẻ, sử dụng nền tảng Omni Channel và đưa ra các gợi ý sản phẩm có liên quan, phù hợp với nhu cầu cá nhân và khác biệt mỗi khách hàng dựa trên thói quen mua sắm đã được thiết lập.
Được xây dựng trên chiến lược hợp kênh cho phép mọi lúc, mọi nơi bất kỳ khi nào truy cập vào thiết bị với trải nghiệm nhất quán qua các kênh, OMNI Channel cho phép tương tác qua nhiều điểm tiếp xúc của khách hàng hướng tới cá nhân hóa và tối ưu hoá.
Năm 2018, như nhiều tuyên bố về cuộc cách mạng ngân hàng số của VPBank hay VIB… , danh sách những cái tên về ngân số tại Việt Nam hứa hẹn có sự thay đổi lớn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/