Năm 2018 và những cái bắt tay mới của doanh nghiệp địa ốc
Một cây làm chẳng nên non
Xu hướng bắt tay liên kết phát triển dự án bất động sản bắt đầu nổi lên mạnh mẽ từ những năm 2014 khi thị trường khởi động chu kỳ phát triển trở lại. Dư địa cho hoạt động hợp tác rất lớn bởi thị trường trước đó đã trải qua giai đoạn “đóng băng” kéo dài, tạo ra nhiều dự án “đắp chiếu”.
Khi đó, những nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính hợp tác với doanh nghiệp có quỹ đất để phát triển dự án. Doanh nghiệp có đất đóng vai trò là chủ đầu tư, doanh nghiệp có vốn đóng vai nhà phát triển dự án. Đơn cử như Hưng Thịnh Corp chỉ trong năm 2017 đã phát triển 5 dự án thì tất cả 5 dự án đều được doanh nghiệp này góp vốn phát triển.
Ảnh minh họa. |
Với Công ty cổ phần Nhà Mơ, sau khi góp vốn phát triển dự án Dream Home Palace tại quận 8, đơn vị này tiếp tục bắt tay với Tập đoàn The Global Group, nhà đầu tư, phát triển và quản lý bất động sản hàng đầu Nhật Bản để triển khai xây dựng dự án này.
Các doanh nghiệp lớn như Novaland cũng hợp tác với khá nhiều chủ đầu tư khác để phát triển dự án khắp địa bàn phía Nam. Hay Him Lam Land năm 2016 bắt tay cùng Công ty cổ phần Bất động sản Phú Đông Group phát triển Dự án Him Lam Phú Đông tại tỉnh Bình Dương…
Những thương vụ hợp tác giữa nhà đầu tư nước ngoài với chủ đầu tư bất động sản trong nước còn gây ồn ào hơn. Và có vẻ sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, nhà đầu tư Nhật Bản đã trở lại dồn dập.
Đơn cử như năm 2016, Công ty cổ phần bất động sản Phát Đạt ký kết hợp tác góp vốn với hai nhà đầu tư là An Gia Investment - Creed Group (Nhật Bản) hợp tác đầu tư dự án River City tại quận 7, TP HCM.
Cũng năm 2016, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long bắt tay cùng hai nhà đầu tư Nhật Bản - Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác phát triển dự án Kikyo Residence tại quận 9. Đây là dự án thứ 3 liên tiếp được Nam Long kết hợp với hai nhà đầu tư Nhật Bản sau Flora Sakura và Fuji Residence cùng triển khai.
Công ty Maeda (Nhật Bản) cũng “bắt tay” với Công ty Thiên Đức phát triển dự án Waterina tại quận 2 (TP HCM). Maeda hiện là đơn vị thi công đoạn đi ngầm tại khu vực quận 1 (TP HCM) của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.Có những thương vụ hợp tác triển khai các dự án cụ thể, nhưng cũng có những cam kết hợp tác phát triển nói chung. Chẳng hạn cái bắt tay lâu dài giữa Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Tiến Phước và Keppel (doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Singapores) với mục tiêu phát triển các dự án tại TP HCM. Hay Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) tiếp tục rót vốn vào Công ty cổ phần đầu tư bất động sản An Gia để thâu tóm dự án, biến An Gia từ doanh nghiệp môi giới thành doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản tại TP HCM.
Trong đó, năm 2017 đã có những cái bắt tay góp vốn rất lớn, đơn cử như thương vụ Công ty Nishi Nippon và Hankyu đến từ Nhật Bản hợp tác cùng Nam Long triển khai Dự án khu dân cư Mizuki Park diện tích rộng 26 ha tại quận Bình Chánh, TP HCM, tổng vốn đầu tư 351 triệu USD hồi tháng 7 vừa qua.
Tiếp đó, Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Sơn Kim (Sơn Kim Land) đã kêu gọi thành công số vốn 100 triệu USD từ nhà đầu tư Nhật Bản để phát triển dự án bất động sản tại TP HCM.
Mới đây, ngày 24/12/2017, Tập đoàn Mitsubishi đã rót vốn vào Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) trong việc phát triển dự án nhà ở theo tiêu chuẩn công trình xanh tại TP HCM.
Theo đó, Mitsubishi (49%) và Phuc Khang (51%) thống nhất thành lập Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) để cùng đầu tư, phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus, dự án nhà ở đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ) - một tiêu chuẩn công trình xanh uy tín và phổ biến tại 150 quốc gia trên thế giới.
Khoản đầu tư đầu tiên của PKMC được giải ngân thực hiện ngay trong tháng 1/2018 có giá trị 30 triệu USD vào dự án Diamond Lotus Riverside tại quận 8, TP HCM.
Liên doanh PKMC Holding thống nhất sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20 ha (phức hợp thương mại, chung cư cao tầng) trong khu vực trung tâm TP. HCM, gồm: quận 1, quận 2, quận 8, quận 10, Tân Bình, Tân Phú… và 1.000 ha ở các vùng lân cận chỉ cách CBD TP. HCM từ 20-30 km.
Keppel Land Việt Nam (công ty có vốn 100% Singapore) cũng vừa tiến hành M&A 2 dự án tại TP HCM với số vốn lên đến 297 triệu USD…
Xu hướng mở rộng
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), với nền tảng kinh tế chung vững vàng và nhu cầu nhà ở còn cao tại Việt Nam, xu thế hợp tác cùng phát triển dự án giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018 này. Đồng thời, ngoài cái bắt tay giữa các chủ đầu tư với nhau thì còn nổi lên xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp môi giới hay bắt tay liên kết theo vùng để phủ kín địa bàn phân phối.
Hoạt động hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp môi giới được ông Ngô Quang Phúc, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, sẽ theo mô hình các doanh nghiệp nhỏ bắt tay nhau làm sàn F1, lấy số lượng hàng lớn từ dự án rồi chia nhỏ ra cùng nhau phân phối.
Còn sự hợp tác liên kết theo vùng như một số mô hình hợp tác đang xuất hiện tại tỉnh Long An hiện nay là việc các doanh nghiệp lớn và nhỏ sẽ bắt tay nhau phân chia thị phần, gắn kết lẫn nhau phát triển. Điểm lợi thế của cái bắt tay này đó là các doanh nghiệp địa ốc tại Long An đóng hai vai trò vừa là chủ đầu tư lại có cả sàn giao dịch để khép kín chuỗi phát triển, đồng mở mở rộng danh sách khách hàng trên địa bàn.
“Chúng tôi bắt tay nhau bằng việc khi dự án mở bán, không chỉ sàn chúng tôi bán mà các sàn doanh nghiệp trên địa bàn cùng bán, từ đây tạo doanh thu cho các sàn với nhau, bên cạnh đó là lượng hàng bán ra nhanh. Ngoài ra, sự liên kết trong việc tạo chỗ đứng để phát triển bền vững, không đặt nặng tính cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp với nhau. Từ đó tạo ra một thị trường bất động sản bền vững, khách hàng hưởng lợi”, ông Hà Văn Thiện, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Group nói.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam nhận định, năm 2018 dòng vốn đầu tư của các "đại gia" địa ốc đến từ các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và đặc biệt là Nhật Bản sẽ còn tăng mạnh. Điều này cho thấy thị trường sắp bùng nổ một cuộc cạnh tranh khá gay gắt từ những dòng sản phẩm mang phong cách và chất lượng ngoại. Trong cuộc cạnh tranh này, người tiêu dùng sẽ là bên hưởng lợi nhất.
“Năm 2017, dòng vốn nước ngoài vào bất động sản đứng đầu trong các ngành thu hút vốn FDI tại TP HCM. Với chính sách giãn dân và cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, dự báo năm 2018, bất động sản sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, mà trong đó các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á đặc biệt là Nhật Bản vẫn chiếm đa số. Từ đây sẽ tạo cho thị trường những dòng sản phẩm chất lượng cao”, bà Dung nói.