|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp địa ốc đẩy mạnh cơ cấu lại tài sản

08:03 | 09/10/2023
Chia sẻ
Đây vẫn là giai đoạn khó khăn đối với những doanh nghiệp địa ốc đang phải cơ cấu lại nợ. Còn với những doanh nghiệp nợ ít thì đây đang là giai đoạn tích lũy tài chính để đi thâu tóm dự án.

(Ảnh minh họa).

Hoạt động M&A bất động sản có sự sôi động rõ rệt hơn kể từ quý III/2023 khi ngày càng có nhiều thương vụ lộ diện.

Đơn cử, Vinhomes cùng các công ty con mới đây đã mua thêm 51,33% cổ phần của CTCP Du lịch Cá Tầm từ các đối tác, chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 100%.

Vinhomes cho biết, tổng giá phí hợp nhất kinh doanh từ Du lịch Cá Tầm là 197,56 tỷ đồng. Trong đó, 153,78 tỷ đồng đã được thanh toán bằng tiền; 43,77 tỷ đồng là giá trị của khoản đầu tư của Vinhomes và các công ty con vào 48,67% phần vốn góp của Công ty Cá Tầm trước đó.

Du lịch Cá Tầm được biết đến là chủ đầu tư dự án Cam Ranh Bay Cottages với quy mô 15 ha tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh tại xã Cam Hài Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

CTCP Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group, Mã: SGR) cũng vừa hoàn tất nhận chuyển nhượng 90% vốn của Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại & Xuất nhập khẩu Đức Nhi, qua đó chính thức trở thành chủ sở hữu của khu đất có tổng diện tích khoảng 7.700 m2, tọa lạc trên mặt tiền đường Lê Sát, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP HCM.

Ban lãnh đạo Saigonres Group chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, khi quỹ đất sạch tại khu vực TP HCM ngày càng khan hiếm, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc vì nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau thì việc Saigonres Group sở hữu được khu đất trong một quận nội thành là một điều không hề dễ dàng.

"Khu đất này được đánh giá là một tài sản rất có giá trị để phát triển dự án tại TP HCM của tổng công ty trong thời gian tới. Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại & Xuất nhập khẩu Đức Nhi - Thành viên của Saigonres Group sẽ là đơn vị trực tiếp thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và phát triển dự án", Saingonres Group cho biết thêm.

CTCP Địa ốc First Real (Mã: FIR) hồi đầu tháng 9 vừa qua chính thức công bố trở thành cổ đông lớn của CTCP Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng (gọi tắt là Bạch Đằng Complex) với tỷ lệ sở hữu 22%. Theo đó, First Real đã hoàn tất nhận chuyển nhượng thỏa thuận gần 10 triệu cổ phiếu Bạch Đằng Complex với giá trị giao dịch 200 tỷ đồng.

Bạch Đằng Complex đang sở hữu dự án Khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng có vị trí đắc địa tại 50 Bạch Đằng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Khu phức hợp này nằm trên khu đất có diện tích hơn 6.879 m2, bao gồm 1 tòa khách sạn 29 tầng (Hilton Da Nang) và 1 tòa tháp cao 25 tầng bao gồm căn hộ thuê văn phòng và khu thương mại.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp tính chuyện cơ cấu lại tài sản bằng cách bán bớt dự án để có tiền trả nợ.

HĐQT CTCP Đầu tư LDG (Mã: LDG) vừa thông qua thực hiện phương án hợp tác phát triển dự án, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần đang sở hữu hoặc công ty con đang sở hữu để giải quyết nhu cầu về tài chính của LDG phục vụ cho việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu, nợ ngân hàng, đảm bảo nguồn tài chính để phát triển dự án.

Cụ thể, gồm dự án Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà do CTCP Hải Duy làm chủ đầu tư; dự án Khu chung cư lô C1 tại phường Bình An, TP Dĩ An, Bình Dương do LDG làm chủ đầu tư và các tài sản, dự án khác thuộc công ty.

Về phương án cơ cấu tài sản, dự án bao gồm hợp tác với đối tác có năng lực tài chính để phát triển dự án; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án của LDG, cổ phần sở hữu của LDG tại công ty con. Giá trị xác định để hợp tác hoặc chuyển nhượng dự án, cổ phần không thấp hơn giá vốn được LDG ghi nhận.

CTCP Đầu tư Bất động sản F.I.T (F.I.T Land) hồi đầu tháng 9 thông báo đã hoàn tất thoái toàn bộ vốn tại CTCP Bất động sản Cap Padaran Mũi Dinh. Điều này đồng nghĩa với việc Tập đoàn F.I.T chính thức rút khỏi dự án Cap Padaran Mũi Dinh tại Ninh Thuận.

Tập đoàn cho biết, đây là một quyết định kịp thời trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cho dù có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau dịch COVID-19 nhưng phải mất nhiều năm nữa mới thực sự tháo gỡ được những vướng mắc lớn về vấn đề lớn tầm vĩ mô.

Hay HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) vừa qua đã có quyết định thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đang nắm giữ tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang - chủ đầu tư dự án TM1 thuộc dự án khu dân cư Cồn Tân Lập (TP Nha Trang, Khánh Hòa),…

Khó khăn vẫn bủa vây

Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup cho biết, thị trường M&A trong thời gian vừa qua đã có sự thay đổi. Trong năm 2022, phần lớn các thương vụ đến từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Tuy nhiên bắt đầu sang năm 2023, do khó khăn của các doanh nghiệp Việt nên các doanh nghiệp nước ngoài vươn lên trong hoạt động M&A, đặc biệt những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn.

“Họ xác định đây là thời điểm khó khăn nhưng lại là cơ hội cho việc mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Vì vậy, số lượng giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong thời gian 6 tháng vừa qua. Trong đó, hai lĩnh vực “hút” giao dịch M&A lớn nhất tại Việt Nam là lĩnh vực bất động sản và ngân hàng “, ông Đồng cho hay.

Cũng theo vị này, các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Singapore, Hong Kong và Thái Lan tương đối tích cực trên thị trường Việt Nam nửa đầu năm 2023.

Nhìn chung, hiện nay những doanh nghiệp đang phải cơ cấu lại nợ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Còn với những doanh nghiệp nợ ít thì đây đang là giai đoạn tích lũy tài chính để đi thâu tóm dự án và những doanh nghiệp này vẫn sống khỏe.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc dự báo, thị trường bất động sản sẽ mất một thời gian dài nữa để điều chỉnh. Hiện nay mới chỉ có một vài điểm sáng le lói nhưng chưa đủ, dự báo cuối năm nay vẫn còn trầm lắng.

Theo vị này, các doanh nghiệp địa ốc hiện tại đa phần vẫn đang rất khó khăn, rất hiếm hoi có những công ty có tiền mặt và đang nợ rất nhiều. Mặc dù đã được giãn, hoãn nợ nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, giống như uống thuốc giảm đau, nhưng nợ vẫn còn đó, lãi vẫn phải trả. Trong khi đó, sản phẩm không bán được, nợ vẫn phình to. Do đó, họ phải tìm cách tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục.

H.L

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).