Mỹ đang cho thấy sự bất lực của mình bằng việc cấm vận Nga?
Tổng thống Mỹ cân nhắc quay trở lại TPP |
Tổng cộng 21 cá nhân mang quốc tịch Nga và Ukraine cùng 9 doanh nghiệp đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ vào ngày 26/1, phần lớn các công ty này đều thuộc lĩnh vực năng lượng. Khi được hỏi về động thái này của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ không run sợ trước sức ép từ bên ngoài và sẽ đáp trả cần thiết.
Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích Mỹ |
“Washington vẫn chưa gạt bỏ được suy nghĩ rằng chúng ta sẽ ngần ngại trước việc họ từ chối visa hay ngăn các hoạt động thương mại đối với chúng ta. Họ nghĩ chúng ta có thể bị ép phải từ bỏ lập trường của mình trên trường quốc tế và từ bỏ lợi ích quốc gia của mình”, tuyên bố của Bộ này cho biết.
Bộ Ngoại giao Nga cũng nói rằng “chiến dịch cấm vận vô lý” mà Washington đang tiến hành cho đến nay không tác động đến chính sách đối ngoại của Nga, và rằng nó sẽ chỉ khiến các doanh nghiệp Mỹ chịu tổn thất về tài chính.
“Các cố vấn ở Washington một lần nữa đã cho thấy sự bất lực của mình trước toàn thế giới”, Bộ này cho biết, đồng thời nói thêm rằng lệnh cấm vận phần nào cũng khiến người ta nghi ngờ vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014 cũng như tiếp tục khiến xung đột ở Ukraine trở nên căng thẳng.
Động thái mới nhất của Mỹ diễn ra chỉ vài giờ sau khi Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đăng tải một bài viết nói rằng Mỹ “có thể và phải cải thiện quan hệ với Nga”.
“Ai cũng biết rằng quan hệ giữa hai nước đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Người dân Mỹ cho hay họ muốn quan hệ Mỹ - Nga được cải thiện”, ông Huntsman viết trên báo Moscow Times.
Trước sự trái ngược trong phát ngôn của ông Huntsman và chính phủ Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng họ cảm thấy tiếc khi “Washington không ủng hộ đại sứ của mình”.
Quan hệ Mỹ - Nga đã đi xuống trong những năm gần đây sau khi một cuộc đảo chính được cho là do phương Tây hậu thuẫn bùng nổ tại Kiev, qua đó châm ngòi cho một cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine nhằm chống lại chính phủ mới thành lập. Kiev đã tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào hai khu vực Donetsk và Lugansk và gọi các lực lượng ở đây là “các nhóm khủng bố”.
Chính phủ Ukraine đã chỉ trích Nga hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy và cung cấp vũ khí cho họ, song Nga đã một mực phủ nhận. Các lệnh cấm vận được áp dụng đối với Nga sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga cũng trong năm 2014 theo kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý mà phương Tây không chấp nhận.
Không những vậy, Washington cũng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Nga cũng phủ nhận hoàn toàn cáo buộc này và gọi đây là một lời buộc tội vô căn cứ.