Mục tiêu điện gió đạt 800 MW vào năm 2020 có khả thi?
Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn. Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới, nguồn tài nguyên gió tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam là 27 GW; các dự toán khác đưa ra con số còn cao hơn.
Dự kiến đến năm 2025 nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 10%. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia ban hành vào năm 2011 và điều chỉnh vào năm 2016 đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện, và đến năm 2030 đạt 6,9%. Trong đó, công suất điện gió năm 2020 đạt 800 MW và 6.000 MW vào năm 2030.
Mục tiêu điện gió 2020 đạt 800 MW có khả thi? Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, công suất các nhà máy điện gió hiện tại chỉ ở mức 197 MW đồng nghĩa Việt Nam còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2020 và 2030. Nhiều ý kiến cho rằng giá điện gió hiện nay vẫn còn rẻ, hợp đồng mua bán điện ẩn chứa nhiều rủi ro khiến việc tiếp cận vốn còn hạn chế. Điều này khiến sức hút của các dự án điện gió đối với các nhà đầu tư không nhiều.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành, phó tổng cục trưởng, cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết chủ trương của Việt Nam trong thời gian tới là khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
"Mặc dù vậy, trong giai vừa qua việc đưa điện gió vào thực tiễn còn nhiều hạn chế như khó khăn tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, giải quyết vấn đề đấu nối điện, giá điện gió thấp… Theo quan điểm của các nhà đầu tư, giá điện gió hiện nay vẫn chưa đủ hấp dẫn", ông Thành cho hay.
Ông Lê Trường Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Mai Châu cho rằng mục tiêu công suất điện gió đạt 6.000 MW vào năm 2030 khó khả thi do công suất các nhà máy hiện nay còn thấp. Bên cạnh đó, giá điện gió hiện nay thấp (chỉ dừng lại ở mức 7,8 UScent/kWh). Ông cho rằng giá điện gió cần phải bằng với giá điện năng lượng mặt trời (9,35 UScent/kWh) mới đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Hợp đồng mẫu mua bán điện ẩn chứa nhiều rủi ro, khiến nhà đầu tư khó tiếp cận vốn. Ông Bùi Vinh Thắng, Quản lý Phát triển Kinh doanh công ty Mainstream Renewable đã chỉ ra ba hạn chế lớn nhất của hợp đồng này.
Đầu tiên, điều khoản kết thúc hợp đồng mua bán tạo ra bất lợi cho nhà đầu tư. Theo đó, EVN có quyền kết thúc hợp đồng bất cứ lúc nào mà chỉ phải bồi thường tiền điện trong một năm.
Thứ hai, vấn đề giải quyết tranh chấp sẽ được xử lý theo luật Việt Nam mà không theo luật quốc tế. Điều này khiến các doanh nghiệp FDI còn e dè trong việc đầu tư vào các dự án điện gió.
Bất cập cuối cùng trong hợp đồng mua bán điện là trong quá trình bảo dưỡng, bảo hành mạng lưới điện, EVN có quyền tạm dừng hoạt động phát điện của các nhà máy.
"Quá trình tạm dừng nhà máy có thể kéo dài tới hai tuần. Nhà máy không phát điện, nhà đầu tư không có tiền. Trong khi đó, EVN không phải trả bất kỳ khoản bồi thường nào hết. Đây là điều khoản rất sơ sài", ông Thắng nói.
Để giải quyết vấn đề giá điện gió rẻ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đưa ra giá điện gió hài hòa hơn, đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với công nghệ trên thế giới, ông Thành cho hay.
Tháng 9/2017, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Chính phủ điều chỉnh quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, trong đó đề xuất tăng giá mua điện gió đất liền lên 8,77 US cent/kWh, trên biển là 9,97 US cent/kWh. |
Theo ông Thành, Bộ Công Thương đang giao cho EVN giải quyết các công trình đấu nối có thể hấp thụ các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có điện gió. Hợp đồng điện mẫu đưa ra đã xem xét để chia sẻ rủi ro giữa người mua và bán.
Về vấn đề nhà đầu tư phải chịu rủi ro trong trường hợp xảy ra sự cố đấu nối, ông Thành cho hay hiện nay, các nhà máy điện Việt Nam đang được thiết kế với hệ số an toàn n-1. Khi một đường dây gặp sự cố sẽ có đường dây khác dự phòng. Tương tự đối với đường dây nối điện gió, vấn đề rủi ro có thể xảy ra nhưng xác suất là rất thấp.