Mỗi ngày nhà sách Phương Nam bán hơn 785 triệu tiền sách
Với hơn 40 cửa hàng sách bán lẻ trên toàn quốc cùng hệ thống hàng chục của hàng book cafe, nhà sách Phương Nam là một trong số những đơn vị cung cấp đầu sách lớn nhất thị trường Việt Nam hiện nay cùng với những cái tên như Fahasa, Tiền Phong…
Phương Nam là thương hiệu nhà sách thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC). Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, trước áp lực cạnh tranh từ các nhà sách khác trên thị trường, kết quả kinh doanh của Phương Nam tương đối bấp bênh. Mới đây, nhà sách này cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 với những kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi.
Theo đó, riêng quý II, nhà sách Phương Nam thu về tới 149 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, gần 71 tỷ đồng, tương đương 48% là thu từ bán sách. Sản phẩm đóng góp nhiều thứ 2 vào doanh thu là văn phòng phẩm, đồ chơi, lưu niệm... mang về hơn 67 tỷ đồng trong 3 tháng vừa qua. Ngoài ra, doanh thu từ hệ thống book cafe cũng đạt hơn 5 tỷ đồng và bán băng đĩa mang về 487 triệu đồng.
Như vậy, trong 3 tháng gần nhất, bình quân mỗi ngày nhà sách Phương Nam bán được tới 785 triệu đồng chỉ riêng tiền sách. Nếu tính cả tiền văn phòng phẩm, đồ chơi, đồ lưu niệm... bình quân mỗi ngày Phương Nam thu về tới 1,66 tỷ đồng doanh thu.
Doanh thu tăng mạnh nhưng chi phí bán hàng cũng tăng tương ứng khiến lợi nhuận ròng quý II nhà sách này chỉ đạt vỏn vẹn 7,4 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ (cùng kỳ lãi hơn 16 tỷ đồng).
Tính trong nửa đầu năm, doanh thu thuần từ các hoạt động bán sách và văn phòng phẩm, đồ chơi... của nhà sách Phương Nam đạt trên 270 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, tương đương mức doanh thu 1,5 tỷ đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, vẫn là bài toán giá vốn hàng bán cùng với chi phí bán hàng tăng mạnh khiến kết quả lợi nhuận của nhà sách này bị bào mòn.
Kết quả, nửa năm 2017 trôi qua nhà sách Phương Nam mới chỉ thu về chưa tới 11 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 24% so với cùng kỳ.
Thậm chí, kết quả kinh doanh vẫn báo lãi dương nhưng thực tế Phương Nam đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 28,5 tỷ đồng. Khoản lỗ này bắt nguồn từ năm 2011 khi Phương Nam lần đầu tiên ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 850 triệu đồng. Liên tiếp những năm sau đó, khoản lỗ lũy kế tại nhà sách này ngày càng lên cao, đỉnh điểm là đầu năm 2015 với khoản lỗ lên tới 68,5 tỷ đồng.
Không chỉ khó khăn về mặt kinh doanh, chính từ nội bộ trong đội ngũ cổ đông tại Phương Nam từ nhiều năm nay đã xảy ra mâu thuẫn khi liên tiếp trong những cuộc ĐHĐCĐ các tờ trình đều không được thông qua.
Mới đây nhất, Phương Nam tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường lần 3 vào ngày 21/7 để biểu quyết thông qua các tờ trình trong các kỳ đại hội trước đó chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, cũng như những lần trước, các nội dung được trình như báo cáo tổng kết năm 2016 và kế hoạch năm 2017, báo cáo của Ban kiểm soát, báo cáo kiểm toán độc lập 2016, tờ trình chọn đơn vị kiểm toán độc lập năm 2017 và tờ trình thù lao HĐQT và BKS đều không được cổ đông thông qua.
Biến động thị giá cổ phiếu PNC trên sàn chứng khoán từ đầu năm 2017. Đồ họa: Stockbiz.
Duy nhất chỉ một Nghị quyết về việc bổ sung một Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 được thông qua, theo đó, ông Nguyễn Hải Sản trúng cử vào HĐQT Phương Nam nhiệm kỳ mới. Phía Phương Nam cho biết công ty sẽ tiếp tục tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong thời gian sớm nhất để thông qua các nội dung chưa được thông qua và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 còn thiếu.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Phương Nam là CTCP Phát triển kinh doanh Trường Phát sở hữu 24,84% vốn và CTCP Phát triển kinh doanh Thành Vinh nắm giữ 23,29% vốn. Ngoài ra, nhà sách này còn có một số cổ đông cá nhân nắm giữ trên 5% vốn điều lệ như ông Nguyễn Hữu Đức, Lê Lam Viên, Phan Thị Lệ…
'Khẩu chiến' tại đại hội cổ đông PNC Cuộc họp cổ đông diễn ra trong không khí căng thẳng khi nhiều luật sư, pháp chế được ủy quyền tham dự liên tục tranh ... |
Bất đồng tại Phương Nam: Loay hoay chưa chọn xong đơn vị kiểm toán Tờ trình xác định đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016 được lấy ý kiến cổ đông thông qua hình thức văn ... |
Đằng sau cuộc rượt đuổi mua cổ phiếu PNC Hai công ty liên quan tới hai thành viên HĐQT PNC đang từng bước nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 48% và có thể ... |