|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Khẩu chiến' tại đại hội cổ đông PNC

08:46 | 16/02/2017
Chia sẻ
Cuộc họp cổ đông diễn ra trong không khí căng thẳng khi nhiều luật sư, pháp chế được ủy quyền tham dự liên tục tranh luận về quy chế bầu cử và chiến lược kinh doanh của PNC.

Ngày 10/2, đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (MCK: PNC) không thể tiến hành do số cổ đông tham dự chỉ đại diện 32% cổ phiếu có quyền biểu quyết. Theo thông báo mời họp lần 2, đại hội diễn ra sáng nay nhằm thông báo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016 và biểu quyết kế hoạch năm nay, đồng thời miễn nhiệm và bầu mới Hội đồng quản trị.

Ngay lúc khai mạc, nhiều cổ đông bày tỏ bức xúc và không đồng tình với cách biểu quyết thông qua ban kiểm phiếu được chủ tọa do bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT Văn hóa Phương Nam đề xuất. Hai luồng ý kiến đề nghị cổ đông biểu quyết bằng giơ tay đồng ý với danh sách có sẵn để “thực hiện nhanh phần thủ tục”, trong khi một số cho rằng phải biểu quyết đối vốn theo luật định, tức căn cứ theo tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông.

Do trong số 40 cổ đông (đại diện 90,1% cổ phần có quyền biểu quyết) có mặt, nhiều người là luật sư và pháp chế được ủy quyền tham dự nên tranh luận căng thẳng liên tục xảy ra. Chương trình cũng phải kéo dài đến chiều, thay vì một buổi như dự kiến.

Tháp tùng Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển kinh doanh Thành Vinh - cổ đông sở hữu 22,78% cổ phần tại PNC, đại diện pháp chế của đơn vị này bày tỏ bức xúc vì thời gian mời họp và tổ chức diễn ra gấp rút cách nhau chưa đầy 5 ngày.

“Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cũng có văn bản ý kiến về thời gian tổ chức Đại hội cổ đông thường niên lần hai cách nhau chưa đến 10 ngày là chưa phù hợp quy định của Luật Doanh nghiệp, nhưng tại sao chương trình vẫn được ấn định diễn ra”, vị đại diện này thắc mắc và cho biết thêm đã có đơn kiến nghị gửi Tòa án Nhân dân Thành phố đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm bà Lệ tổ chức đại hội.

khau chien tai dai hoi co dong pnc
Mâu thuẫn nội bộ kéo dài khiến PNC chưa thoát khỏi khó khăn. Ảnh: Phương Đông

Trong phần công bố kết quả kinh doanh năm qua, đại diện lãnh đạo công ty cho biết, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 ghi nhận 542,6 tỷ đồng doanh thu thuần và 3,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 26% và 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lỗ sau thuế chưa phân phối của công ty vẫn lên đến 39,3 tỷ đồng.

Hiện cổ phiếu PNC vẫn nằm trong diện cảnh báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM do lũy kế lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2016 tiếp tục âm hơn 39,3 tỷ đồng và đồng thời bị kiểm soát đặc biệt do vi phạm công bố thông tin.

Giải trình về nguyên nhân tăng trưởng mạnh nhưng vẫn báo lỗ, đại diện ban lãnh đạo công ty cho biết, trong năm qua đơn vị này liên doanh với Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam và ghi nhận lợi nhuận đối tác tăng gấp 3 lần năm trước lên mức 93,3 tỷ đồng, nên chia theo tỷ lệ sở hữu vốn thì đơn vị này hưởng 18,6 tỷ. Số tiền này bù vào khoản lỗ cho 3 công ty liên kết khác nên lợi nhuận âm được thu hẹp so với các năm trước.

Năm 2017, công ty đặt kết hoạch doanh thu đạt 600 tỷ đồng, tăng 17% so với năm ngoái và lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng. Đại diện công ty cho biết, đây là mức đề xuất khiêm tốn bởi "thời gian qua PNC đang tăng trưởng tốt và dự báo sẽ đột phá trong năm nay".

Tuy nhiên, một số cổ đông vẫn hoài nghi về chiến lược đầu tư của PNC vào các đơn vị liên kết khi tình hình hoạt động không khả quan, đặc biệt có công ty đã tính đến việc giải thể trong năm nay.

Phần báo cáo này cũng khiến cuộc “khẩu chiến” quyết liệt hơn khi cổ đông liên tục đứng dậy chất vấn HĐQT và đơn vị kiểm toán của công ty.

Ông Khoa, luật sư đại diện một cổ đông tham dự đại hội đề nghị công ty giải thích lý do tiếp tục duy trì hoạt động của công ty con PNMEG. Theo đó, công ty này vẫn chưa có chức năng nhập phim chiếu rạp sau nhiều lần xin bổ sung và ĐHCĐ chưa thông qua nhưng vẫn hoạt động trong lĩnh vực này khiến lỗ ngày càng tăng. Cụ thể, PNMEG lỗ xấp xỉ 5 tỷ đồng trong năm 2015 và tăng lên 9,3 tỷ đồng trong năm vừa qua.

“Tôi đề nghị giải thể công ty này trong năm nay vì hoạt động liên tục thua lỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của cổ đông”, ông Nguyên – một cổ đông khác đề nghị.

Theo ban lãnh đạo công ty thì khoản lỗ này xuất phát từ việc chi phí đầu tư ban đầu cho nguyên vật liệu, marketing… tương đối lớn và thời hạn phim ra rạp chậm hơn dự kiến vì khâu kiểm duyệt kéo dài. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì hoạt động do lĩnh vực này có nhiều tiềm năng, sau khi có quan hệ và kinh nghiệm chọn phim, phát hành phim và kinh doanh rạp chiếu thì lợi nhuận sẽ tăng nhanh.

Tại ĐHCĐ lần 2, hầu hết các báo cáo, tờ trình của Ban kiểm soát trong Đại hội đều không được thông qua do đại diện 2 cổ đông lớn không tán thành. Sau khi công bố kết quả biểu quyết, bà Phan Thị Lệ chia sẻ chính việc mâu thuẫn nội bộ diễn ra liên tục trong thời gian dài, đặc biệt ngay ở các chương trình đại hội khiến hoạt động kinh doanh không thể suôn sẻ, ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh tiếng của thương hiệu.

Trao đổi với VnExpress, một cổ đông của PNC cho biết tình trạng mâu thuẫn nội bộ giữa cổ đông lớn với HĐQT bắt đầu từ khi công ty niêm yết. Công ty chưa thích ứng với mô hình doanh nghiệp cổ phần dẫn đến nhiều bất đồng trong tầm nhìn đầu tư, kinh doanh.

Việc các cổ đông bác tất cả báo cáo, kế hoạch kinh doanh và tờ trình cũng từng xảy ra tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, do đó sau khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất, công ty cũng không có cơ sở để đánh giá tỷ lệ hoàn thành kế hoạch. Do vướng nhiều lùm xùm liên quan đến điều hành, quản trị công ty nên trong năm 2016, PNC không tổ chức ĐHCĐ.

Giai đoạn trước 2014, Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam từng rơi vào diện hủy niêm yết do lỗ 2 năm liên tiếp. Sau khi nhận khoản hỗ trợ từ phía đối tác CJ thông qua hợp đồng dịch vụ trị giá 600.000 USD, tình hình kinh doanh của PNC có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn khá chật vật.

Phương Đông

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.