Loạt dự án thua lỗ của Vinachem: 'È cổ' trả vài trăm tỷ tiền lãi vay đầu tư mỗi năm
Bốn đại dự án yếu kém của Tập đoàn Hoá chất: Hết lỗ là bán! | |
Tận mục dự án muối mỏ nghìn tỷ 'đắp chiếu' của Vinachem |
"È cổ" gánh nặng chi phí lãi vay
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo về phương án sản xuất kinh doanh trong 3 năm tới (2018-2020) đối với 4 dự án hoạt động kém hiệu quả thuộc Tập đoàn.
Trong số 12 dự án có vốn đầu tư nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương thì Vinachem chiếm tới 4 dự án, bao gồm: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem, DAP số 2 - Vinachem.
Từ 2018 - 2020, mỗi năm Đạm Hà Bắc phải trả 767,45 tỷ đồng tiền lãi vay đầu tư. |
Đáng lưu ý, phần kế hoạch các chỉ tiêu chủ yếu trong 3 năm tới (2018-2020) cho thấy, hầu hết các dự án này đều phải lo gáng "gánh nặng" chi phí tài chính rất lớn, trong đó chủ yếu là cho khoản lãi vay đầu tư.
Cụ thể, tại dự án phân đạm và hoá chất Hà Bắc, nếu tính gộp cả 3 năm thì khoản tổng số lãi vay đầu tư phải trả là 2.302,3 tỷ đồng, bình quân mỗi năm phải trả 767,45 tỷ đồng.
Tại dự án Đạm Ninh Bình, theo kế hoạch tổng cả 3 năm sẽ phải trả 1.112 tỷ đồng, trong đó năm 2018 phải trả 491 tỷ đồng, năm 2019 là 368 tỷ đồng và năm 2019 là 253 tỷ đồng.
Còn tại DAP số 2 Lào Cai, khoản lãi vay đầu tư phải trả cho năm 2018 là 269 tỷ đồng, 275 tỷ đồng (năm 2019) và 272 tỷ đồng (năm 2020).
Chi phí lãi vay đầu tư phải trả trong 3 năm tới của 4 dự án. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Riêng tại dự án DAP - Vinachem, Công ty sẽ chỉ phải trả 9 tỷ đồng lãi vay đầu tư cho năm 2018. Kể từ năm 2019 trở đi, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi "gánh nặng" về chi phí lãi vay đầu tư. Đây cũng là điểm sáng nhất trong số các dự án nghìn tỷ của Vinachem khi báo lãi trong năm 2017 và dự kiến tiếp tục lãi trong các năm tiếp theo.
Một loạt kiến nghị gỡ khó
Để giúp các dự án nói trên bớt khó khăn và hoạt động hiệu quả hơn, Tập đoàn Hoá chất đề nghị Bộ Công Thương giải quyết, tiếp tục hỗ trợ và đề xuất Chính phủ, các bộ ban ngành giải quyết một số kiến nghị, trong đó đặc biệt là vấn đề về tín dụng.
Cụ thể, Vinachem đã kiến nghị xem xét, quyết định các giải pháp đối với khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam của dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số Lào Cai như sau:
Kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng thành 20 năm (trong đó công ty DAP số 2 từ 10 năm thành 20 năm; Công ty Đạm Hà Bắc từ 12 năm thành 20 năm; Công ty Đạm Ninh Bình từ 15 năm thành 20 năm); thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, không tính lãi quá hạn kể từ khi phát sinh.
Đồng thời cho phép cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của các Ngân hàng tài trợ vốn cho dự án, lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau.
Ngoài ra, Tập đoàn cũng kiến nghị được hỗ trợ điều chỉnh lãi suất tiền vay như sau: Trong 5 năm từ 2018 đến 2022 lãi suất 3%/năm. Từ năm 2023 trở đi các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh cề mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước (Tại thời điểm hiện nay là 8,55%/năm).
Nợ lãi chưa trả đến 31/12/2017 được trả dần trong 5 năm tiếp theo từ 2018 đến 2020. Khoanh nợ gốc và không tính lãi khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho dự án Đạm Ninh Bình trong thời gian 5 năm tới (2028-2022).
Vinachem cũng mong muốn được hỗ trợ đối với các khoản vay các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, tại dự án Đạm Hà Bắc, Vinachem kiến nghị VietinBank và các ngân hàng đồng tài trợ (ngân hàng ACB, Ngân hàng Indovina, Ngân hàng Cathay) giảm lãi suất tiền vay bằng USD từ 6%/năm về 4,5%/năm và cho phép được cơ cấu thời hạn trả nợ lãi, cân đối lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vay của các ngân hàng tài trợ vốn vay, lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau, không tính lãi quá hạn.
Còn tại dự án DAP số 2, Vinachem kiến nghị VietinBank kéo dài thời hạn vay từ 12 năm thành 20 năm, giảm lãi suất tiền vay từ 9,5%/năm xuống 8,55%/năm, thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, không tính lãi quá hạn.
Tương tự đối với dự án đạm Ninh Bình, Vinachem cũng kiến nghị VietinBank kéo dài thời hạn vay từ 12 năm thành 20 năm, giảm lãi suất, thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, không tính lãi quá hạn… Đồng thời xem xét cho Công ty Đạm Ninh Bình vay gói tín dụng riêng 120 tỷ đồng để sửa chữa, củng cố máy móc thiết bị.
Tập đoàn Vinachem cũng kiến nghị Bộ Công Thương cho phép tập đoàn xem xét thực hiện việc khoanh nợ không tính lãi phát sinh, cơ cấu lại các khoản nợ của Công ty Đạm Ninh Bình đối với Tập đoàn trong 3 năm (2018-2020).
Năm 2017, cả 4 dự án nói trên đều đã khắc phục được phần nào khó khăn, giảm và cắt lỗ. Các dự án giảm được lỗ như Đạm Ninh Bình lỗ 933 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với năm 2016. Đạm Hà Bắc lỗ 602 tỷ đồng, giảm 449 tỷ đồng, DAP số 2 lỗ 530 tỷ đồng, giảm 376 tỷ đồng. Riêng DAP - Vinachem báo lãi 15 tỷ đồng.
Nếu các kiến nghị được giải quyết, đồng thời với việc cơ cấu lại sản xuất, Vinachem khẳng định các dự án nói trên đều sẽ có kết quả sản xuất kinh doanh sáng sủa hơn rất nhiều. Cụ thể sẽ có 2 đơn vị DAP là Công ty CP DAP - Vinachem và Công ty CP DAP số 2 - Vinachem có kết quả có lãi, 2 đơn vị còn lại Phân Đạm Hà Bắc và Đạm Binh Bình vẫn lỗ nhưng khoản lỗ sẽ được giảm đi rất nhiều.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/