Lỡ hẹn kế hoạch niêm yết, ngân hàng toan tính chuyện gì?
Cổ phiếu ngân hàng có đang cố tình lỡ hẹn với kế hoạch niêm yết? (Ảnh minh hoạ) |
Ba năm qua, ngoài BIDV thì chưa có thêm ngân hàng nào niêm yết cổ phiếu dù kế hoạch đưa ra rất rầm rộ. Hiện có 9 ngân hàng trên sàn chứng khoán gồm VietinBank (Mã: CTG), Vietcombank (Mã: VCB), BIDV (Mã: BID), ACB (Mã: ACB), SHB (Mã: SHB), Eximbank (Mã: EIB), Sacombank (Mã: STB), MBBank (Mã: MBB) và NCB (Mã: NVB).
Đáng chú ý hai năm trở lại đây được xem là thời kỳ hưng thịnh của cổ phiếu ngân hàng khi trở thành ngành hot và dẫn dắt thị trường chứng khoán.
Thống kê từ đầu năm đến ngày 25/6 cho thấy, các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá, mức tăng bình quân đạt trên 46%, con số này vào cuối quý I vừa qua là khoảng 18%.
Tăng trưởng thị giá cổ phiếu từ đầu năm 2017 đến 25/6/2017 (Ảnh: Diệp Bình tổng hợp) |
Tăng mạnh nhất là cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đạt gần gấp đôi giá đầu năm. Đáng chú ý có 4/9 ngân hàng có mức tăng trên 50% gồm MBB, SHB, STB và NVB. Cổ phiếu tăng ít nhất là VCB của Vietcombank chỉ khoảng 2%.
Ảnh: Diệp Bình tổng hợp (Nguồn: Vietstock Finance) |
Sau nhiều năm chờ đợi, chỉ số VN-Index đã vượt 710 điểm (kể từ phiên 21/2/2008) và HNX-Index vượt mức 100 điểm (kể từ tháng 2/2011). Phiên sáng 26/6, VN-Index và HNX-Index đang giao dịch trên 770 và 98 điểm. Nhiều chuyên gia nhận định trong năm nay, VN-Index có thể đạt 780 điểm.
Thị trường chứng khoán trong xu hướng được xem là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Mới đây nhất là Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua. "Cục máu đông" nợ xấu sau nhiều năm gây nhức nhối cuối cùng cũng đã có cơ chế khơi thông.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đây là thông tin tích cực đối với ngành ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhiều nợ xấu như BIDV, Sacombank. Yếu tố này mang tính trung hạn và các cổ phiếu ngân hàng hoàn toàn có khả năng duy trì xu hướng tích cực.
Mặt khác, theo Thông tư 180/2015/TT-BTC, các ngân hàng phải thực hiện niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán hoặc phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM trước ngày 31/12/2016.
Qua đó, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch niêm yết trong năm năy. VIB và KienLongBank đã hoàn tất việc đăng ký giao dịch trên UPCoM, bước đệm chuẩn bị niêm yết.
Một số ngân hàng dự kiến bỏ qua UPCoM để niêm yết thẳng lên sàn HNX và HOSE. Đơn cử như Techcombank, đại hội thường niên đã chốt phương án niêm yết trên HOSE. Tại VPBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngô Chí Dũng cho biết ngân hàng sẽ thực hiện niêm yết trên HOSE, dự kiến trong quý III/2017.
Cùng mong muốn niêm yết để tăng tính thanh khoản nhưng LienVietPostBank lại xác định đi từng bước dần dần. Nguyên Chủ tịch LienVietPostBank Dương Công Minh cho biết dự kiến trong quý III, ngân hàng sẽ thực hiện việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.
Đến nay, Techcombank, VPbank, TPBank, LienVietPostBank,… đã thông báo đăng ký lưu ký chứng khoán trên Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Ngược lại có không ít ngân hàng chây ỳ việc nêm yết cổ phiếu với nhiều lý do khác nhau.
Chưa đủ điều kiện niêm yết
Niêm yết đòi hỏi ngân hàng phải minh bạch hoá thông tin quản trị, tài chính, thực hiện khá nhiều thủ tục theo quy định. VPBank, một trong những cổ phiếu có thị giá tương đối cao trên OTC trong khoảng 33.000 đến 47.000 đồng/cp, đã có thông báo chốt danh sách để lưu ký chứng khoán trên VSD chuẩn bị niêm yết. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết vì một số lý do khách quan từ cơ quan đăng ký nên phải lùi lịch đăng ký lưu ký trên VSD.
Tương tự đối với Techcombank, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng sẽ cố gắng đưa cổ phiếu lên sàn ngay trong năm 2017, song còn phụ thuộc vào thời điểm hồ sơ được các cơ quan quản lý chấp thuận.
Nhà băng này công bố kế hoạch mua lại gần 222 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 25% tổng số cổ phần đang lưu hành. Nhiều khả năng HSBC sẽ thực hiện thoái vốn khỏi Techcombank trong năm nay. Sự kiện này đã làm xáo trộn kế hoạch tăng vốn bởi ngân hàng sẽ không thể phát hành thêm cổ phiếu hoặc thực hiện việc niêm yết cho đến khi bán ra toàn bộ cổ phiếu quỹ.
Chưa đến thời điểm thuận lợi?
Một "điệp khúc" khác được các ngân hàng "ca cẩm" là chưa lựa chọn được thời điểm thuận lợi. Lãnh đạo ngân hàng cho rằng nếu niêm yết vào thời điểm thị trường ảm đạm, lao dốc, ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, cổ phiếu không thể tăng giá, thậm chí còn giảm xuống dưới mệnh giá. Tuy nhiên nhìn vào diễn biến thị trường hiện nay thì "điệp khúc" này liệu có thỏa đáng?
ĐHĐCĐ Ngân hàng OCB: Giá cổ phiếu 'rẻ như rau' làm sao có thể niêm yết? |
Nam A Bank: Lãi sau thuế quý I đạt 8 tỷ, giảm 88% cùng kỳ |
Đại hội cổ đông OCB vừa qua "nóng" vấn đề giá cổ phiếu rẻ như rau làm lỡ kế hoạch lên sàn. Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn trấn an, OCB muốn tăng trưởng phải tăng vốn và niêm yết nhằm mục đích tăng vốn chứ không theo trào lưu. Do đó cần thời gian phù hợp nhưng cũng không để cổ đông đợi lâu.
Giá cổ phiếu OCB trên OTC đang giao dịch quanh 9.000 đồng/cp, tăng khoảng 30% trong 3 tháng qua.
VIB đã hoàn thành giao dịch trên UPCoM năm 2017, nhưng đại diện VIB cho biết, kế hoạch niêm yết trên sàn trong năm 2018 có thể bị hoãn lại từ 1 – 2 năm nếu diễn biến của thị trường chứng khoán không tốt.
Đối với HDBank, cổ đông bày tỏ nguyện vọng mong ngân hàng sớm lên sàn thì mới xác định được giá trị thực và tạo được tính thanh khoản cao cho cổ phiếu. Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo, HDBank đã đáp ứng đủ chuẩn để được niêm yết trên HOSE, nhưng giá cổ phiếu trên thị trường hiện nay chưa có lợi nên HDBank thấy rằng chưa phù hợp để niêm yết.
"Nếu chưa phải thời điểm thích hợp mà chúng ta cố niêm yết để rồi giao dịch dưới mệnh giá thì cũng không được gì" - bà Thảo cho biết. Thị giá của cổ phiếu HDBank trên OTC vào khoảng 16.000 đồng/cp.
Năm qua, Nam A Bank cũng lỡ hẹn niêm yết. Ngân hàng lý giải, cổ phiếu ngân hàng chưa được sự quan tâm nên Nam A Bank nhận thấy việc niêm yết thời điểm này khó gia tăng giá trị cho cổ đông.
Nhiều ý kiến lại cho rằng ngân hàng ngại lên sàn vì yêu cầu phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính. Đặc biệt là những ngân hàng có lợi nhuận thấp, nợ xấu cao sẽ không muốn công khai vì lo ngại ảnh hưởng hoạt động và giá cổ phiếu.
Cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng, mặc kệ... nợ xấu?
Trong hai tuần qua, cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ cột dẫn dắt thị trường. Nhìn vào lịch sử giá của nhóm này có ... |
Vì đâu cổ phiếu ngân hàng bật mạnh từ đầu năm?
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt mức tăng trưởng bình quân gần 18% tính từ đầu năm 2017, số cổ phiếu tăng giá chiếm áp ... |
Cổ phiếu ngân hàng không dễ có người mua
Các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vẫn đang trong lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó ngân hàng là một trong ... |