Cổ phiếu ngân hàng không dễ có người mua
Với lượng lớn vốn ngân hàng được rao bán, câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua? |
Cuối tuần qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phải hủy tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) do tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sở hữu vào ngày 10-3-2017 do không có người mua. Rõ ràng với mức giá khởi điểm 11.900 đồng/cổ phiếu cho phiên đấu giá đã không hấp dẫn nhà đầu tư (hiện giá cổ phiếu này trên sàn OTC chỉ khoảng 3.000-4.000 đồng). Trước đó, vào tháng 8-2011 và tháng 4-2015, VNPT cũng ráo bán đấu giá lượng cổ phần này nhưng cũng không thành với cùng một lý do như vậy.
Điều này phần nào cho thấy việc thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong lĩnh vực tài chính là hết sức khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Trong khi đó, việc thoái vốn giữa các ngân hàng cũng không dễ. Hiện tại quy định một ngân hàng chỉ được nắm giữ cổ phần tối đa ở hai tổ chức tín dụng (TCTD) với tỷ lệ không quá 5%. Đối chiếu với quy định này, hiện vẫn còn ngân hàng đang vượt quá tỷ lệ cho phép. Trong khi đó, áp lực tăng vốn của các ngân hàng đang ngày càng nhiều hơn để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo các quy định mới mà vẫn có thể mở rộng phát triển kinh doanh.
Với lượng lớn vốn ngân hàng được rao bán, câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua? Về cơ bản trên thị trường sẽ có ba nhóm nhà đầu tư sau: nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tuy nhiên, với cơ chế và điều kiện hiện tại, ba nhóm nhà đầu tư này đều có những khó khăn riêng trong việc đầu tư góp vốn vào ngân hàng.
Thứ nhất, với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, đó là giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa (room). Chính sách tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài đối với TCTD đã được đưa ra, tuy nhiên sự thay đổi diễn ra khá chậm. Thực tế với tỷ lệ sở hữu tối đa đã tăng từ 20% lên 30% nhưng vẫn chưa đủ thu hút các cổ đông nước ngoài - những tổ chức luôn muốn sở hữu tỷ lệ cổ phần quá bán nhằm kiểm soát hoạt động của các ngân hàng hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy một số TCTD bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài nhưng vẫn duy trì yếu tố gia đình trị, có thể tự quyết định đến hoạt động của ngân hàng theo ý muốn và gây rủi ro trong hoạt động. Ngoài ra, với chính sách mở cửa thị trường, các tổ chức tài chính quốc tế đã có thêm lựa chọn thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài kể từ năm 2009, thay vì phải đầu tư, góp vốn vào các TCTD trong nước.
Thứ hai, với các nhà đầu tư trong nước là những tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tư nhân thì hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh chính, nói gì đến việc đầu tư vào các ngành khác. Với các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có nguồn vốn dồi dào để đầu tư, thì ngành ngân hàng hiện tại đang chìm trong khó khăn và tỷ lệ sinh lời ở mức quá thấp, không đủ hấp dẫn họ. Bên cạnh đó, với chính sách quản lý chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu và hạn chế cho các cổ đông lớn vay của NHNN trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng không còn mặn mà với hoạt động góp vốn, đầu tư vào các ngân hàng như trước đây.
Thứ ba, với các nhà đầu tư cá nhân trong nước, việc đầu tư vào các TCTD hiện tại thì rủi ro nhiều hơn so với lợi ích. Việc NHNN mua lại ba TCTD với giá 0 đồng vừa qua đã khiến họ chùn tay, trong khi tiến độ tái cấu trúc của ngân hàng hay định hướng sáp nhập như thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới biết.
Trong khi đó, những khó khăn trong giao dịch, tính thanh khoản thấp cũng làm hạn chế các nhà đầu tư cá nhân, khi hiện tại chỉ mới có 10/35 ngân hàng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc đầu tư vào các TCTD chưa niêm yết đòi hỏi các nhà đầu tư cá nhân không những phải xác định đầu tư lâu dài mà còn phải trường vốn. Như vậy, với những khó khăn kể trên, người mua cổ phần tại các ngân hàng chắc chắn sẽ hạn chế.
Ngoại trừ các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn, hiện tại đa số cổ phiếu của các ngân hàng đều nằm dưới mệnh giá. Mặc dù đã có chính sách bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhằm hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu, nhưng với tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro là 20%/năm cho trái phiếu đặc biệt trong thời gian năm năm, thì khoản này là rất lớn, bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng. Như vậy, giữa thời điểm các doanh nghiệp, cá nhân cần thoái vốn, các TCTD cần tăng vốn thì cổ phiếu các ngân hàng lại bị rớt giá thê thảm.