|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lộ diện các khoản lỗ lớn quý đầu năm, nhóm bất động sản chiếm sóng

07:39 | 07/05/2024
Chia sẻ
Có thể nói đây là một quý đầu năm hiếm hoi ghi nhận nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trong ngành báo lỗ.

Thống kê từ Wichart có thấy đã có khoảng 1.000 doanh nghiệp trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) công bố báo cáo tài chính. Trong đó có trên 190 đơn vị báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) âm.

  Nguồn: HK tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

Hai khoản lỗ lớn trong ngành điện

Hai đại diện trong ngành điện ghi nhận lỗ lớn quý I là Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3 - Mã: PGV) lỗ ròng 655 tỷ và CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) lỗ ròng 158 tỷ.

EVNGenco3 cho biết việc lỗ lớn quý đầu năm do giá bán điện bình quân thấp hơn và sản lượng điện bán thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Thêm vào đó, tổng công ty cũng ghi nhận khoản lỗ lớn từ chênh lệch tỷ giá trong khi cùng kỳ có lãi, đẩy chi phí tài chính leo thang ăn mòn lợi nhuận. Đây là quý thua lỗ thứ ba liên tiếp của EVNGenco3 và là khoản lỗ quý lớn nhất kể từ khi cổ phần hoá.

Còn NT2 giải trình việc thua lỗ là do quý I/2024, sản lượng điện chỉ đạt 151,5 triệu kWh, trong khi sản lượng điện cùng kỳ năm 2023 đạt hơn 1 tỷ kWh khiến doanh thu sản xuất điện giảm 88% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn nên NT2 lỗ đậm quý đầu năm và cũng là quý lỗ kỷ lục của NT2.

Một doanh nghiệp thép lỗ quý thứ 8 liên tiếp

Tính tới hiện tại, CTCP Thép Pomina (Mã: POM) là đơn vị trên sàn chứng khoán ghi nhận khoản lỗ lớn nhất ngành thép.

Pomina cho biết nhà máy thép Pomina 3 và nhà máy Pomina 1 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu chi phí quản lý, lãi vay. Trong đó, lãi vay chiếm tỷ trọng nhiều nhất nên doanh nghiệp lỗ trong kỳ. Doanh nghiệp cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc lại để có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất. 

Doanh thu thuần của Pomina tiếp tục giảm 71% so với cùng kỳ còn 471 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thép tiêu thụ nội địa giảm 58% còn 282 tỷ đồng. Còn doanh thu xuất khẩu giảm 37% so với cùng kỳ còn 188 tỷ đồng.

Pomina ghi nhận lợi nhuận gộp âm. Chi phí lãi vay tiếp tục leo thang, tăng 89% lên 145 tỷ kỳ này. Trừ đi các chi phí, Pomina báo lỗ sau thuế 225 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 187 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ liên tiếp thứ 8 của Pomina và nâng tổng lỗ luỹ kế tính tới ngày 31/3 lên 1.697 tỷ.

Quý buồn của nhóm bất động sản

Trong nhóm lỗ lớn có tới 4 doanh nghiệp ở nhóm bất động sản gồm: Novaland (Mã: NVL) lỗ ròng 567 tỷ, DIC Corp (Mã: DIG) lỗ ròng 117 tỷ, Đầu tư LDG (Mã: LDG) lỗ ròng 125 tỷ, Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) lỗ 86 tỷ, Nam Long (Mã: NLG) lỗ ròng 77 tỷ.

Có thể nói đây là một quý buồn của nhóm bất động sản dân cư khi nhiều đơn vị trong ngành báo lỗ bên cạnh ông lớn Vinhomes (Mã: VHM) cũng ghi nhận lợi nhuận sụt 93% so với cùng kỳ hay Khang Điền (Mã: KDH) giảm 63% lợi nhuận ròng quý đầu năm.

Nói về khoản lỗ quý đầu tiên trong vòng 10 năm qua, Nam Long cho biết việc do giảm doanh thu bán căn hộ và giảm phần lãi nhận được từ công ty liên doanh Mizuki so với cùng kỳ 2023. Còn Novaland giải trình việc thua lỗ lớn quý đầu năm do hụt nguồn thu tài chính, cụ thể là lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư. 

DIC Corp lỗ lớn quý I do kinh doanh dưới giá vốn khi ghi nhận hàng bán bị trả lại với giá trị 186 tỷ đồng, dẫn đến lỗ gộp gần 51 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 117 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 79 tỷ đồng).

Tương tự DIC Corp, LDG ghi nhận quý thứ 3 có doanh thu thuần âm do ghi nhận giảm trừ doanh thu vì hàng bán bị trả lại. 

Còn doanh thu của ông trùm bất động sản khu công nghiệp - Kinh Bắc giảm 93% so với cùng kỳ năm trước về 2.213 tỷ đồng do không ghi nhận doanh thu từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng, trong khi đây là nguồn thu chính của công ty. Trừ đi các chi phí nên Kinh Bắc lỗ ròng quý I. 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác báo lỗ lớn quý đầu năm như: HAGL Agrico (Mã: HNG), Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã: BTS), CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Mã: NOS), Chứng khoán SBS (Mã: SBS), Thuỷ sản Cavodimex (Mã: CAD), Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1), Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: PSH),...

Một doanh nghiệp khai khoáng gặp khó

Quý đầu năm, CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) ghi nhận mức lỗ ròng 718 tỷ. Phía MSR giải trình kết quả thua lỗ do khả năng sinh lời trong kỳ bị ảnh hưởng bởi EBITDA thấp hơn do gián đoạn dịch vụ nổ mìn và nhu cầu từ thị trường thấp. 

Trong đó, doanh thu từ Vonfram (chiếm 87% tổng doanh thu) - giảm 10% so với cùng kỳ do sản lượng hàng thấp và nhu cầu thị trường giảm.

Công ty vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự gián đoạn dịch vụ nổ mìn tại mỏ Núi Pháo từ tháng 4/2023. Do vậy, khối lượng quặng nguyên khai khai thác bị giảm đáng kể, dẫn tới chi phí vận hành tăng cao và khả năng sinh lời của công ty giảm rõ rệt trong năm tài chính 2023 cũng như quý I/2024.

Doanh thu từ đồng tiếp tục đạt 188 tỷ đồng nhờ tăng sản lượng bán hàng cho khách hàng trong nước.

Mặc dù EBITDA vẫn dương nhưng lợi nhuận ròng của công ty vẫn bị ảnh hưởng từ chi phí lãi vay. Ban lãnh đạo cho hay đang xem xét các phương án khác nhau để giảm bớt nợ trên bảng cân đối kế toán, giảm chi phí lãi vay và cải thiện khả năng sinh lời của công ty.

 Nguồn: Công bố thông tin của MSR.

Phía MSR thông tin sẽ bắt đầu nổ mìn trở lại vào tháng 3/2024 sau khi đạt được thỏa thuận về các điều khoản thương mại và tài chính với đơn vị cung cấp dịch vụ mới, dự kiến giảm 20% chi phí nổ mìn so với hợp đồng cũ.

Dựa vào kết quả năm tài chính 2023, MSR dự kiến doanh thu trong năm tài chính 2024 sẽ đạt khoảng 15.000 - 15.800 tỷ đồng, tăng 6-12% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số dự báo này vẫn có thể thay đổi và phụ thuộc và các phê duyệt của công ty.

Hoàng Kiều