|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo Gemadept: Muốn dành khoảng 1.200 tỷ đồng đầu tư nhiều dự án logistics phía Nam

20:00 | 15/12/2023
Chia sẻ
Gemadept đang có chiến lược tập trung vào các vùng trọng điểm và thoái vốn ở những cảng hoạt động chưa hiệu quả đồng thời sẵn sàng tìm kiếm các thương vụ M&A để mở rộng cảng ICD làm hậu phương cho Gemalink.

 Ảnh: HSC.

Ngành cảng biển sẽ tích cực so với 2023

Tại buổi hội thảo về ngành cảng biển năm 2024 do Chứng khoán HSC tổ chức chiều 14/12, các chuyên gia HSC đánh giá sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thời gian qua có xu hướng hồi phục, tuy nhiên tốc độ vẫn còn chậm.

Sản lượng container thông qua các cảng trong quý I giảm mạnh, trong đó tháng 1 có khi giảm tới 25% so với cùng kỳ. Quý II cải thiện hơn với mức giảm từ 8 – 11% và tăng trưởng dương bắt đầu từ tháng 8. Tuy nhiên mức tăng trưởng này chỉ dao động 3 – 7%.

Theo bà Chế Thị Mai Trang, Trưởng phòng phân tích cao cấp ngành hàng công nghiệp HSC, ngoài yếu tố khó khăn kinh tế toàn cầu, lạm phát hay chính sách thắt chặt tiền tệ, yếu tố hàng tồn kho cũng rất cần quan tâm.

Mỹ là thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên chỉ số hàng tồn kho cao và nền kinh tế xuống dốc khiến số lượng đặt hàng của Mỹ giảm mạnh từ nửa cuối 2022. Thời gian gần đây, tình hình mới được cải thiện.

Đánh giá về triển vọng năm 2024, bà Trang cho rằng, dựa trên tình hình sản lượng 2023 thấp, chỉ số hàng tồn ổn định và không còn tình trạng cắt giảm đơn hàng, năm 2024 sẽ có tăng trưởng về sản lượng so với cùng kỳ.

Chuyên gia phân tích này dự báo giá cước được điều chỉnh tăng khoảng 10% sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Ở thời điểm hiện tại, giá cước tại Việt Nam ở mức thấp so với khu vực, chỉ bằng khoảng 30 - 50% so với Singapore, thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia.

 Giá cước của Việt Nam so với khu vực. (Ảnh chụp màn hình).

Mỗi khu vực sẽ có mức tăng khác nhau. Chẳng hạn, khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ có sự bứt phá trở lại trong năm 2024 sau khi chứng kiến tác động nặng nề từ đại dịch.

Khu vực TP HCM và Hải Phòng – vốn có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp và mạnh hơn ở khu vực nội Á nên không bị ảnh hưởng nhiều thời gian qua, sẽ có độ bật tăng trưởng không cao.

Với mức tăng giá cước thấp nhất từ 5 – 10%, bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc tài chính kiêm Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Gemadept (Mã: GMD) đánh giá nếu không tăng thì vị thế của Việt Nam dễ đánh mất so với các đối thủ.

Việc tăng giá cước cũng để tránh gây thất thu ngân sách nhà nước. Các cơ quan ban ngành cũng đã tính toán điều này không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số CPI. Bà Hương lưu ý là đây là mức cước chỉ thu ở những hãng tàu nước ngoài và không có tác động nhiều đến doanh nghiệp nội địa.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Gemadept cũng chung nhận định rằng 2024 sẽ khó có thể phục hồi hoàn toàn nhưng vẫn có sự tăng trưởng nhẹ và tích cực hơn 2023.

Lãnh đạo Gemadept kỳ vọng thị trường châu Âu không quá tệ, thị trường Trung Quốc tốt hơn khi một số mặt hàng sẽ đi chính ngạch thời gian tới, giúp triển vọng ngành cảng 2024 sẽ tốt hơn năm nay.

Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ liên quan đến tăng trưởng đầu tư công, đầu tư hệ thống giao thông kết nối cũng như các hỗ trợ chung cho ngành logistics và hoạt động cảng biển sẽ giúp Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng tốt ở khu vực.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Gemadept. (Ảnh chụp màn hình).

"Gemadep muốn trở thành người chơi chính trên thị trường"

Trả lời câu hỏi của cổ đông về mức độ cạnh tranh giữa khu vực TP HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng Giám đốc Gemadept đánh giá TP HCM không cao bằng khu vực còn lại. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, công suất khả dụng vẫn còn dư địa và có nhiều terminal hơn (khu chức năng, chuyên thực hiện công tác bốc dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khác).

Tuy nhiên, nếu nói về nguồn hàng và tuyến hàng, có sự khác biệt giữa hai khu vực này. Bà Rịa – Vũng Tàu cho tàu công suất lớn hơn, đi châu Âu và Mỹ là chủ yếu, trong khi TP HCM lại tập trung khu vực nội Á.

Xu hướng hiện tại là dịch chuyển từ cảng sông ra cảng biển nước sâu. Khu vực Bà Rịa cũng tạo được thuận lợi cho chủ hàng như về các vấn đề hải quan,…

Riêng về cảng nước sâu Gemalink thuộc Gemadept, cảng này tuy triển khai sau nhưng có vị trí thuận lợi, lợi thế chuyên biệt. Ông Bình cho biết thời gian tới sẽ thuận lợi hơn khi đón được nhiều tuyến tàu, đặc biệt trên 22.000 Teus và những tàu đi châu Âu. Bên cạnh đó cảng cũng nhận đi Mỹ và nội Á.

Tuy nhiên vấn đề của Gemalink bây giờ là cảng cạn ICD. Hậu phương của Gemalink cũng như Gemadept là cảng ICD Phước Long (TP HCM) và Bình Dương, tuy nhiên hai khu vực này đang gặp khó khăn ở thời kỳ cao điểm. Công ty đang tìm kiếm vị trí mới hoặc vị trí đã có sẵn và sẵn sàng thực hiện M&A nếu điều kiện cho phép.

Bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc tài chính Gemadept cho biết công ty đang có kế hoạch nghiên cứu đầu tư thêm các dự án logistics tại phía Nam quy mô 10 ha, tổng đầu tư 1.200 tỷ đồng, nhằm mở rộng hệ sinh thái cảng và logistics. Công ty sẽ xem xét các hình thức huy động vốn, bao gồm cân nhắc phương án huy động vốn từ cổ đông.

"Chiến lược của Gemadept là hướng tới tối ưu những dự án lớn, phát triển quy mô đủ lớn để có tiếng nói, thành người chơi chính trên thị trường", lãnh đạo Gemadept tuyên bố.

Hiện tại khu vực Hải Phòng tập trung nhiều cảng nước sâu. Sau khi thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ, công ty sẽ tiếp tục thoái vốn Cảng Nam Hải thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 99,98% cổ phần nắm giữ.

Cảng Nam Hải có công suất thiết kế đạt 200.000 Teus, là cảng đầu tiên của Gemadept tại miền Bắc. Tuy nhiên hiện nay khi nhiều cảng mới với công suất thiết kế lớn được xây dựng, cùng với việc sở hữu vị trí thiếu cạnh tranh (nằm sâu hơn vào phía đất liền, mất khả năng đón tàu lớn sau khi cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động), cảng Nam Hải đang ngày càng đón ít tàu hơn, chủ yếu chuyển qua các hoạt động lưu kho bãi.

Minh Hằng

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).