Kỳ vọng từ nới room và M&A liệu có giúp Dược Hậu Giang vượt khó?
Kênh OTC của Dược Hậu Giang đang mất thị phần ở bệnh viện? |
Kỳ vọng từ nhà máy tiêu chuẩn PIC/s, PMDA và M&A
Theo dự báo từ Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), doanh thu 2018 của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (Mã: DHG) khoảng 4.056 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 678 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ. Phú Hưng giả định biên lợi nhuận gộp và mức thuế phải nộp (tỷ lệ trên lợi nhuận trước thuế) năm 2018 sẽ tương đương 2017, lần lượt đạt 44% và 11%.
Nguồn: Báo cáo của CTCK Phú Hưng |
Nhờ vào hỗ trợ của cổ đông Taisho trong xây dựng tiêu chuẩn dây chuyền sủi bọt tại nhà máy Dược Hậu Giang Pharma, kế hoạch nâng cấp đã hoàn thành nghiệm thu hầu hết các hạng mục. Cục Quản lý dược Malaysia đã đánh giá và nhiều khả năng dây chuyền sẽ được cấp tiêu chuẩn PIC/s - Malaysia trong tháng 12/2018.
Sau khi được cấp phép, Dược Hậu Giang sẽ xuất khẩu 2 sản phẩm Hapacol gói và viên vào nước này và là sản phẩm gói duy nhất tại đây. Bên cạnh đó, cổ đông Taisho sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của Dược Hậu Giang để tiến hành đánh giá một số dây chuyền sản phẩm chiến lược lên tiêu chuẩn PMDA của Nhật Bản và PIC/s-EU. Đây sẽ là tiền đề để Dược Hậu Giang đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu năm 2020 đạt 5 triệu USD.
Nguồn: Báo cáo của CTCK Phú Hưng |
Trong tháng 3 vừa qua, Vinamilk và Dược Hậu Giang đã ký kết hợp tác chiến lược trong hoạt động R&D, Marketing, phân phối các dòng sản phẩm chức năng. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho cả Vinamilk và Dược Hậu Giang, đặc biệt là dòng sản phẩm thực phẩm chức năng.
Kỳ vọng vào nới room ngoại 100%Ngày 7/6 vừa qua, Dược Hậu Giang đã nộp hồ sơ nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên UBCKNN xin nới room từ 49% lên 100%. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Dược Hậu Giang đang là 47,7%. Trong đó, cổ đông ngoại Taisho của Nhật Bản chiếm tỷ lệ lớn nhất với sở hữu 24.44% vốn và đang muốn mua thêm cổ phần tại Dược Hậu Giang. |
Tháng 7, Dược Hậu Giang dự kiến sáp nhập hai công ty con là Dược Hậu Giang PP1 (In Bao bì) và Dược Hậu Giang Pharma (sản xuất dược phẩm) với mục tiêu tinh gọn bộ máy quản lý, giảm chi phí và phục vụ nới room. Bên cạnh đó, thực hiện điều này còn đảm bảo cho Dược Hậu Giang được sản xuất phân phối sản phẩm do chính công ty mẹ sản xuất.
Trước đây, nhà máy sản xuất dược phẩm Dược Hậu Giang Pharma thuộc sở hữu của công ty con Dược Hậu Giang Pharma, các sản phẩm từ nhà máy này sẽ được phân phối qua công ty mẹ để đến tay người tiêu dùng. Với kế hoạch loại bỏ hoạt động phân phối dược phẩm để nới room, việc sáp nhập này sẽ hỗ trợ Dược Hậu Giang giảm nhẹ tác động từ đóng góp doanh thu mảng thương mại.
Doanh thu từ nhóm dược phẩm chiếm tỷ trọng hơn 82%, theo sau là nhóm thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm chiếm 9%. Trong đó, các sản phẩm thuốc chính của Dược Hậu Giang bao gồm: thuốc kháng sinh (chiếm 31% cơ cấu thuốc) và thuốc giảm đau hạ sốt (chiếm 20%), đem lại doanh thu trên 100 tỷ đồng nhờ kháng sinh Haginat và Klamentin, thuốc giảm đau hạ sốt Hapacol và thuốc huyết áp Apitim. Mục tiêu của Dược Hậu Giang đến năm 2020 có ít nhất một nhãn hàng đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, dự kiến là thuốc Hapacol.
Nguồn: Báo cáo của CTCK Phú Hưng |
Rủi ro từ điều chỉnh thuế, nhập khẩu nguyên liệu và cạnh tranh dược phẩm
Mặc dù Dược Hậu Giang đang hưởng lợi nhờ hai công ty con là Công ty TNHH In Bao bì Dược Hậu Giang 1 và Công ty TNHH Dược phẩm Dược Hậu Giang do thuộc diện ưu đãi thuế. Tuy nhiên trong năm 2017, mức thuế phải nộp của công ty vẫn tăng mạnh lên 11%.
Ngoài việc bị truy thu thuế gần 31 tỷ đồng (đã nộp trước 60 tỷ cho cơ quan thuế trước khi bị truy thu) do vi phạm về thuế, Dược Hậu Giang còn phải điều chỉnh mức thuế theo quy định mới đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (có quan hệ sở hữu từ 25% vốn).
Trong quý I/2018, công ty công bố mức thuế phải nộp là 203 triệu đồng. Tuy nhiên mức thuế này có thể sẽ bị điều chình tăng trong báo cáo năm sau khi có sự kiểm tra của cơ quan thuế. Do phụ thuộc gần 90% vào nguyên liệu nhập khẩu, Dược Hậu Giang luôn phải đối mặt với việc chi phí giá vốn có thể tăng cao hơn so với doanh thu.
Trong khi đó, kênh phân phối chính của Dược Hậu Giang là qua kênh nhà thuốc (OTC) mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao tuy nhiên khả năng thâm nhập lớn nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, quy định mới về triển khai lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân có thể sẽ khiến kênh OTC mất dần thị phần vào kênh bệnh viện (ETC), điều này có thể gây khó khăn cho kết quả kinh doanh của Dược Hậu Giang.
Thị trường xuất khẩu chỉ chiếm 1% doanh thu
Tại thị trường nội địa, nhờ lợi thế từ hệ thống phân phối rộng khắp, công ty tập trung khai thác kênh OTC (chiếm trên 86% doanh thu) trong khi tỷ trọng kênh ETC chỉ khoảng 14%. Bên cạnh đó, công ty mở rộng hợp tác với các đối tác bán lẻ như siêu thị/ trung tâm thương mại/ cửa hàng tiện lợi (siêu thị Aeon Mall, BigC và chuỗi cửa hàng tiện lợi Gaurdian và Pharmacity).
Tại thị trường xuất khẩu, công ty đã xuất khẩu thành công vào 13 quốc gia bao gồm Moldova, Ukraina, Myanmar, Nga, Mông Cổ, Campuchia, Nigieria, Lào, Singapore, Jordan, SriLanka, Rumani, Bắc Triều Tiên.
Nguồn: Báo cáo của CTCK Phú Hưng |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/