|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

KOLs chốt đơn thất thế tại Trung Quốc khi các doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc, tự xây dựng đội ngũ streamer riêng

07:43 | 22/11/2021
Chia sẻ
Ngành công nghiệp livestream Trung Quốc có quy mô hàng trăm tỷ USD, và một số người nổi tiếng có thể chốt đơn giá trị cả tỷ USD trong mỗi buổi bán hàng

Ngay cả khi các tiểu thương Trung Quốc kiếm được rất nhiều tiền từ việc livestream bán hàng, các doanh nghiệp vẫn phải nghĩ ra những chiến lược khác để mọi thứ hoạt động tốt hơn, theo CNBC.

Nhiều nhà phân tích tin rằng việc livestream bán hàng tại Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại, nhưng việc dựa vào một hệ thống và quan điểm cũ trên internet sẽ không còn phù hợp.

Ngành công nghiệp livestream bán hàng, còn được gọi là "live commerce" hay "livestreaming e-commerce" đã bùng nổ tại Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm ngoái. Giờ đây, ngành công nghiệp này đang phát triển ở những quốc gia khác.

Xin Youzhi, một người bán hàng thông qua livestream với 95,6 triệu người theo dõi trên ứng dụng video Kuaishou cho biết điểm khác biệt của ngành công nhiệp này trong năm 2021 so với năm 2020 là chất lượng. Đó là một thách thức đối với ngành công nghiệp này trong tương lai, vì quy mô giá trị thị trường đã tăng lên khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (312,5 tỷ USD) bằng cách dựa nhiều vào khối lượng bán hàng hơn là tập trung vào chất lượng sản phẩm.

Xin hiện tại cũng đang điều hành công ty riêng, Xinxuan Group, với đội ngũ 1.400 người để sàng lọc hàng hóa, phát triển sản phẩm và đào tạo những người bán hàng chuyên nghiệp. Xin hy vọng một ngày nào đó công ty có thể đào tạo 1.000 nhà thiết kế sản phẩm của riêng mình.

Xu hướng bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc, ngay cả trước đại dịch, đã được thống trị bởi những người nổi tiếng trên internet như Austin Li, 29 tuổi. Anh nổi tiếng nhờ bán son môi và mới lập kỷ lục vào tháng trước khi bán được số tiền tương đương 1,8 tỷ USD trong một buổi livestream kéo dài 12,5 giờ trên Taobao, trước sự kiện mua sắm Ngày Độc thân 11/11.

Theo công ty nghiên cứu ngành Hongrendianji, nữ hoàng livestream Viya cũng ghi nhận khối lượng giao dịch khoảng 1,3 tỷ USD trong khoảng 14,5 giờ trong cùng một sự kiện quảng cáo. Các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm là một trong những sản phẩm được bán phổ biến nhất, công ty cho biết.

Ngành công nghiệp livestream Trung Quốc: Doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào người nổi tiếng, tự xây dựng đội ngũ 'chốt đơn' riêng - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu giảm dần sự phụ thuộc vào những người nổi tiếng. (Ảnh: CNBC).

Các doanh nghiệp xây dựng đội ngũ bán hàng livestream

Mặc dù có thể thu được doanh số bán hàng khổng lồ chỉ trong một thời gian ngắn nhờ hợp tác với những người nổi tiếng trên internet, nhiều công ty đang quyết định đào tạo nhân viên của riêng họ để tổ chức các buổi livestream.

"Hợp tác với những người nổi tiếng không phải là cách duy nhất, và đôi khi nó có thể là một cách 'tồi tệ', đặc biệt nếu công ty chỉ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, vì những người nổi tiếng thường không có sự trung thành với các thương hiệu và đôi khi phải thương lượng nhiều vấn đề với họ", Jialu Shan, nhà kinh tế tại Viện Phát triển Quản lý Quốc tế cho biết.

Theo chuyên gia Dave Xie của Oliver Wyman, một công ty tư vấn quản lý của Mỹ, việc sử dụng nhân viên nội bộ để thực hiện các buổi bán hàng trực tiếp cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, vì những người có ảnh hưởng tính phí hoa hồng khá cao, thậm chí họ còn nhận từ 20% đến 30% doanh thu kiếm được từ khối lượng giao dịch trong các buổi bán hàng.

Đặc biệt trong Ngày Độc thân năm nay, những người nổi tiếng trên internet đã tạo ra nhiều lợi thế bán hàng, Pedro Yip, người đứng đầu bộ phận bán lẻ và hàng tiêu dùng tại Oliver Wyman cho biết.

Lợi nhuận bị giới hạn từ ngành bán hàng livestream

Các số liệu ban đầu về ngành công nghiệp bán hàng livestream cũng chỉ ra những con số không mấy rõ ràng về lợi nhuận đầu tư của các thương hiệu.

Xiaofeng Wang, nhà phân tích của Forrester, cho biết số lượt xem hoặc lượng giao dịch không còn đủ để đánh giá mức độ thành công của một buổi livestream. Ông lưu ý rằng dữ liệu về lượng người xem có thể bị "loãng".

"Nhiều thương hiệu thực sự nhận thấy rằng việc livestream không mang lại lợi nhuận nếu chỉ tính riêng một phiên giao dịch. Có rất nhiều chiến thuật mà họ cần học. Về cơ bản, chúng tôi chưa có sách hướng dẫn cho việc bán hàng livestream, nhưng các thương hiệu phải rút ra bài học sau mỗi buổi bán hàng, và nếu họ lưu ý đến các chỉ số đó, họ có thể nhanh chóng nhận ra nhiều điều", ông Wang nhấn mạnh.

Thị trường vẫn đang phát triển nhanh chóng. Đối với những gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba, công bố thu nhập cho thấy tổng lượng hàng hóa trực tiếp (GMV) của nền tảng bán hàng Taobao đạt 500 tỷ nhân dân tệ trong năm tài chính 2020. Tuy nhiên, GMV trực tiếp trên Taobao trong năm tài chính 2020 chỉ bằng 6,7% GMV trên thị trường bán lẻ Trung Quốc của Alibaba trong cùng thời gian.

Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử khác và việc chính phủ Bắc Kinh thắt chặt quy định đối với hành vi độc quyền mang đến cho các doanh nghiệp nhỏ nhiều cơ hội hơn.

Chuyên gia Xie nói thêm rằng các doanh nghiệp hiện đang xây dựng đội ngũ để bán hàng trực tiếp trên các nền tảng, từ Alibaba đến Douyin, hay TikTok. Ông Xie cho biết một người bán bán mỹ phẩm trên Douyin có thể tạo ra khoảng 10% doanh số bán hàng từ việc livestream, tăng cao so với con số 1% trong năm 2018.

Giá trị thị trường bán hàng livestream có thể tăng gấp đôi hoặc hơn, nhưng sẽ cần những thay đổi lớn. "Liệu thị trường này có thể đạt giá trị 5 nghìn tỷ nhân dân tệ hay không, quy mô 10 nghìn tỷ nhân dân tệ chỉ có thể được nhìn thấy sau khi ngành công nghiệp này có những tiêu chuẩn cao hơn", ông Xie nhấn mạnh.

Trong tương lai, Xin cho biết những người bán hàng livestream ngày càng quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng. Kiến thức và sự kết nối với chuỗi cung ứng sản xuất sẽ giúp những người này trở nên chuyên nghiệp hơn và phát triển các thương hiệu hiệu quả hơn.

Quốc Anh