|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Kiện CBPG thép HRC cần xem xét năng lực của doanh nghiệp nội địa'

07:30 | 21/04/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia việc kiện CBPG thép HRC nhập khẩu cần có sự tham chiếu giữa năng lực sản xuất, giá thành của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp của Trung Quốc.

 

Tại buổi toạ đàm "Áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) , nên hay không?" do VITV tổ chức, các chuyên gia cho rằng tranh chấp giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu trong vấn đề áp thuế chống bán phá giá dường như kéo dài bất tận.

Việc đảm bảo công bằng về giá là điều vô cùng phức tạp bởi Trung Quốc sản xuất được một nửa sản lượng thép thế giới với giá thành rất thấp. Tuy nhiên, điều này rất cần thiết bởi nhu cầu thép HRC của Việt Nam rất lớn, trong khi Việt Nam mới chỉ có hai doanh nghiệp đầu tư sản xuất. 

Ông Đào Huy Giám Nguyên Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại WTO, Nguyên Phó Trưởng ban biên soạn, Trưởng ban thư ký biên tập pháp lệnh về chống bán phá giá và chống trợ cấp cho biết cần cân nhắc kỹ biên độ chênh lệch giữa giá trong nước và nhập khẩu.

Mức giá bán hiện nay chênh lệch giữa hàng nội địa và nhập khẩu khoảng 15 USD/tấn. Theo quy định mức chênh lệch dưới 2% (tức khoảng dưới 12 USD/tấn) thì thế giới không điều tra. Cơ quan chức năng chỉ điều tra những trường hợp mức độ chênh lệch rất rõ rệt bởi quá trình rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Chưa kể, để cấu thành nên giá trong đó có tỷ giá đồng nhân dân tệ, đồng USD….

Ngoài ra, khi xem xét khởi kiện, cơ quan điều tra còn xét xem doanh nghiệp gửi hồ sơ có đại diện cho cho 50% ngành sản xuất trong nước không? Doanh nghiệp nào bán phá giá? Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có quyền lợi liên quan đến cấu thành khác trong ngành thép không? Nếu doanh nghiệp đó vừa xuất khẩu và nhập khẩu mặt hàng đó thì doanh nghiệp có liên quan đến vấn đề này. 

Cơ quan điều tra sẽ phải đánh giá động cơ của việc yêu cầu khởi kiện là gì? Ngoài việc áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhập khẩu thì doanh nghiệp đó có dụ ý với hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.

“Vấn đề rất phức tạp, có những trường hợp các chuyên gia hàng đầu phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo cũng chỉ giải quyết được một số điểm”, ông Giám nói.

Ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, cho rằng ở góc độ tài chính, với mặt bằng lãi suất cao như hiện nay, ngay bản thân các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong nước đã phải chịu giá thành đã cao hơn rất nhiều so với nước ngoài. Mức độ chênh lệch chỉ vượt quá 2% một chút thì rất khó để xem xét điều tra hay không. Bên cạnh đó, cần xem xét từng doanh nghiệp xuất khẩu thép sang Việt Nam cụ thể. 

Theo  PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước khi nộp đơn kiện cần phân tích tất cả yếu tố cấu thành chi phí của mình và đối phương, nhất là khi ngành thép Trung Quốc rất lớn.

“Lâu nay chúng ta nặng tâm lý bảo hộ, khi thấy người khác đè giá là muốn kiện. Kiện chống bán phá giá tức là đòi hỏi sự công bằng. Do đó, phải phân tách rõ các chi phí cấu thành sản phẩm của Việt Nam và nước bị khởi kiện. Thậm chí, nhiều khi điều tra ngược lại, chúng ta còn bị “ăn đòn” vì giá điện bao cấp và nhiều thứ khác cũng được trợ cấp. Doanh nghiệp FDI cũng đang được hỗ trợ nhiều ưu đãi”, ông Thiên nói.

Theo ông, nếu trường hợp doanh nghiệp trong nước bị thiệt hại thực sự, việc yêu cầu khởi kiện là hoàn toàn chính đáng, đảm bảo mặt hàng đó được cạnh tranh công bằng chứ không phải bị chèn ép vô lối. Ngoài ra, các doanh nghiệp sử dụng HRC làm nguyên liệu đầu vào cũng không cần quá lo lắng rằng mặt bằng giá sẽ lên bởi “thế giới còn thừa thép”.

Ông cũng cho rằng, ngành sản xuất trong nước cần có sự hỗ trợ. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cần tính toán mức độ hỗ trợ thế nào để vừa thúc đẩy phát triển năng lực, vừa không bị ỷ lại. Trong điều kiện kinh tế mở cửa là để khuyến khích cạnh tranh. 

“Việt Nam có một hai ông lớn ngành thép dám xông ra đầu tư mà bị bóp chết thì đau lắm. Chúng ta cần hỗ trợ họ. Hàn Quốc mà không có POSCO thì làm sao có tập đoàn lớn có thể cạnh tranh với thế giới như bây giờ. Chúng ta không cản việc họ gửi đơn khởi kiện. Nhưng cần bảo đảm đầy đủ các điều kiện và xét đến khía cạnh năng lực sản xuất thực tế có đủ cạnh tranh không”, ông Thiên nói. 

Tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2024, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cho biết việc yêu cầu khởi xướng điều tra thép HRC là theo tiêu chuẩn của WTO và đây là điều rất thông thường. Ông cho rằng việc thép HRC nhập khẩu  nhiều hơn so với sản lượng trong nước là điều không thể chấp nhận. 

“Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước. Không có lý do gì doanh nghiệp trong nước bỏ ra 7 tỷ USD để đầu tư mà không bảo vệ”, ông Long cho biết.

Ông dẫn số liệu của năm 2023 tổng sản lượng trong nước khoảng 6,7 triệu tấn HRC nhưng nhập khẩu 9,6 triệu tấn. 

"Tại Mỹ, nếu lượng nhập khẩu chỉ cần chiếm 10% thị phần họ đã áp thuế chống bán phá. Còn tại Indonesia, con số này là 37%. Quan điểm chúng tôi không đôi co. Mọi thứ để cơ quan điều tra làm rõ", ông cho biết. 

Theo ông, nếu trường hợp áp thuế CBPG, giá thép HRC chưa chắc sẽ tăng vì Hoà Phát và Formosa chỉ khởi kiện một vài công ty bán phá giá chứ không phải toàn bộ Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều nước sản xuất quanh Việt Nam cũng đang sản xuất HRC như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia,...Nếu trong nước bán giá cao, hàng nước ngoài sẽ thâm nhập sâu vào thị trường. 

"Chúng tôi thừa nhận nỗi lo của các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép là chính đáng. Đây cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp đóng tàu, sử dụng thép HRC. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong trường hợp áp thuế chống bán phá giá thép  HRC nhập khẩu từ Trung Quốc các doanh nghiệp vẫn có thể nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan. Chưa biết chừng sau khi áp thuế, ngành sẽ có nguyên liệu tốt hơn, giá ổn định hơn. Do đó, các doanh nghiệp cần giữ thái độ bình tĩnh lúc này”, ông Long nói.

Ông Long nói thêm mặc dù phải cạnh tranh với thép Trung Quốc nhưng Hoà Phát vẫn bán được vì ưu thế xuất xứ.

“Các công ty tôn mạ, ống thép dù thích hay không thích vẫn phải mua HRC của của Hoà Phát hoặc Formosa để đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu  sang các nước khắt khe về lẩn tránh thuế như Canada, Mexico, Mỹ…”, ông Long cho biết.

H.Mĩ